Một đất nước, một doanh nghiệp, hay một con người cũng vậy, để chuyển sang một giai đoạn mới, một giai đoạn cao hơn, tốt đẹp hơn, thì bạn phải biết, thậm chí là phải đủ dũng cảm để bỏ đi những gì thuộc về giai đoạn cũ vốn đã thuộc về quá khứ.

 Wealth and PovertyVâng, đó là quá trình phát triển kinh tế theo từng giai đoạn phát triển.

1. Giai đoạn đầu tiên người ta gọi là Kinh tế dựa vào tài nguyên. Tức là khai thác và bán rẻ tài nguyên, và sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

2. Kế đến là Kinh tế dựa vào sức người. Tức là bán sức lao động qua các hình thức sản xuất gia công, lắp ráp với hàm lượng chất xám thấp, là xuất khẩu lao động. Hàn Quốc, Đài Loan, TQ ... học được công nghê và các bí kíp sản xuất trong giai đoạn này để tiến lên giai đoạn 3.

3. Giai đoạn thứ 3 của phát triển kinh tế là khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất sản phẩm công nghiệp. Đó là khi có sự bùng phát của các nhà máy, xưởng sản xuất... có thể thiết kế và làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, chứ không chỉ gia công theo đơn đặt hàng như giai đoạn trên.

4. Giai đoạn 4 là giai đoạn kinh tế dựa vào tri thức. Lúc này nền kinh tế được nuôi bởi những tài sản trí tuệ, như bằng phát minh sáng chế, quyền sở hữu thương hiệu, bí kíp kinh doanh. Và những dịch vụ cao cấp như kinh doanh vốn, kinh doanh dịch vụ KH-KT cao... Những công việc tạo ra giá trị thấp hay thuần lao động như sản xuất, lắp ráp lúc này đã được đẩy đi những quốc gia khác, kém phát triển hơn.

Trong suốt quá trình phát triển từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4, tôi lưu ý 2 yếu tố:
- Trình độ dân trí tăng dần lên.
- Sự cải thiện môi trường sinh sống và làm ăn của người dân.

Trước tiên là về dân trí.
Muốn tăng dân trí thì phải đầu tư vào giáo dục, phải có những trường đại học lớn, trung tâm dạy nghề hiện đại, phải có quan điểm tiến bộ và nội dung chương trình giảng dạy tiên tiến, cập nhật, phải có đội ngũ giáo viên ngang tầm quốc tế, và phải có kênh kết nối việc đào tạo với thực tiễn trong doanh nghiệp.

Nhưng giỏi kiến thức hàn lâm không thôi là chưa đủ, mà phải có môi trường khuyến khích sự sáng tạo, thì những kiến thức hàn lâm ấy mới có thể phát huy, mới có thể tạo ra những sản phẩm giá trị cao cho xã hội. Và đó chính là yếu tố thứ hai.

Khi nền kinh tế đang ở giai đoạn 1 và 2, thì hệ thống quản lý cần những công cụ, những "ông cai", "địa chủ" nghiêm khắc để khai thác một cách tối ưu năng suất lao động. Nhưng để có thể nâng lên giai đoạn 3 thì chỉ những "ông cai" và "địa chủ" nghiêm khắc kia thôi là không đủ mà cần phải có những máy móc hiện đại, những dây chuyền sản xuất đại trà và kèm theo đó là những con người có đủ trình độ kỹ thuật để quản lý, vận hành các máy móc, thiết bị này. Và trên nữa là những người có trình độ cao hơn để tổ chức sản xuất, quản lý kinh doanh, thiết kế...
Và để cho các doanh nghiệp sản xuất có thể phát triển lớn mạnh trong giai đoạn này, thì môi trường làm ăn, kinh doanh phải lành mạnh. Lành mạnh có nghĩa là môi trường khuyến khích làm ăn chân chính, khuyến khích sự sáng tạo, cải tiến sản phẩm, hạ giá thành... chứ không khuyến khích người làm nhái, làm giả, làm hàng kém phẩm chất. Là khuyến khích sự xây dựng uy tín lâu dài, trách nhiệm với xã hội, chứ không tạo điều kiện cho kiểu làm ăn chụp giật, cơ hội và lừa đảo.

Tương tự, nếu muốn đưa nền kinh tế lên giai đoạn 4, thì điều kiện tiên quyết là những người lãnh đạo đất nước phải là những đại diện tiêu biểu của tầng lớp trí thức ưu tú.

Một đất nước, một doanh nghiệp, hay một con người cũng vậy, để chuyển sang một giai đoạn mới, một giai đoạn cao hơn, tốt đẹp hơn, thì bạn phải biết, thậm chí là phải đủ dũng cảm để bỏ đi những gì thuộc về giai đoạn cũ vốn đã thuộc về quá khứ.

Đỗ Hòa

Login Form