Chia sẻ một số nghiên cứu về tính cách của người lãnh đạo thành công, vài trò và tác động của cấp trên đối với khả năng thăng tiến nghề nghiệp của nhân viên.

Có thể nói rằng doanh nghiệp là môi trường để bạn phát triển, còn phát triển nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào đông lực của sự phát triển.  Trong đó, trước hết đến từ chính bản thân bạn, kế đến là từ cấp trên và đồng nghiệp, trong đó tôi cho rằng người sếp đóng vai trò quan trọng.

Thử phân tích vai trò của các sếp đối với việc phát triển sự nghiệp của nhân viên.

Nói về tính cách của các sếp, người quản lý trực tiếp của bạn trong một công ty, thì có thể nói là mỗi người mỗi tính cách, rất đa dạng.

Tuy nhiên, với mục đích của bài này thì tôi chỉ cân nhắc hai tính cách mà tôi cho là tác động lớn nhất đến tương lai sự nghiệp của một người nhân viên.

1. "Sếp dễ thương".

"Sếp dễ thương", dễ mến là sếp gần gũi và rất tình cảm với mọi người, bạn có đi muộn một tí cũng không sao, bạn không hoàn thành công việc đúng hạn thì cũng không bị cằn nhằn, và rất hiếm khi sếp yêu cầu bạn làm lại một việc gì đó vì lí do chất lượng không đạt yêu cầu.

Có lẽ tình huống duy nhất mà nhân viên có thể bị "sếp dễ thương" mắng là khi sếp bị sếp lớn khiển trách, phê bình.

Làm việc với "sếp dễ mến", tức nhiên là bạn được nhiều thứ. Bạn được thoải mái về giờ giấc, và công việc thì không bị áp lực cao, ngay cả chi tiêu công tác thì sếp cũng "rộng tay" hơn người khác.

Thậm chí bạn có làm việc kiểu gì thì cuối tháng, cuối năm cũng được hưởng một phân tiền thưởng theo công thức cộng lại chia đều. Bởi các "sêp dễ mến" thường không muốn mất lòng ai, nên các cuộc bình bầu thi đua thường chỉ mang tính hình thức.

Làm việc dưới trướng các "sếp dễ thương", được thì bạn được khá nhiều, còn mất, thì bạn chỉ mất môi một vài thứ: thời gian và ý chí.

Nhiều bạn học giỏi, ra trường với tâm trạng háo hức, như chim sẵn sàng tung cánh lên cao, nhưng lại được cha mẹ gởi vào chỗ quen biết, và được bố trí làm việc với một "sếp dễ thương".

Công việc an nhàn, không áp lực đã làm cho sự háo hức nhanh chóng bị nguội đi. Còn giấc mơ tung cánh bay cao thì bị chìm dần bởi một lối sống "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".

2. "Sếp khó ưa".

"Sếp khó ưa" là vì sếp thường hay cằn nhằn, và khó chịu. Sếp thường phê bình khi bạn tỏ ra không mẫu mực trong việc chấp hành các qui định của công ty, sếp "ra tối hậu thư" khi bạn không hoàn thành công việc đúng hạn, sếp thường không hài lòng với kết quả công việc mà bạn thực hiện. Mục tiêu sau luôn cao hơn mục tiêu trước, dù bạn đã phải phải ráng hết sức mình để mà hoàn thành nó.

Đối với các "sếp khó ưa", động viên luôn đi kèm với phê bình, nhắc nhở. Hầu như không khi nào sếp tỏ ra hoàn toàn hài lòng về việc gì.

Làm việc dưới trướng "sếp khó ưa", thường là rất áp lực, bạn chẳng thấy mình được gì, ngoài việc bạn nhận thấy mình thay đổi.

Sự nghiêm khắc của sếp khiến bạn trở nên trưởng thành hơn, mẫu mực hơn. Yêu cầu khắc khe của sếp về thời gian hoàn thành công việc, khiến bạn dân trở nên chuyên nghiệp hơn, đáng tin cậy hơn.
 Những lần sếp trả việc yêu cầu làm lại, là áp lực khiến bạn phải học hỏi, trau dồi chuyên môn nhiều hơn, và do vậy trình độ kỹ năng của bạn dần dần cũng tiến bộ hơn.

Làm việc dưới trướng một "sếp khó ưa" có lúc bạn sẽ cảm thấy căm ghét, bạn mất đi một ít thời gian rảnh rỗi, vốn thường dành để đàn đúm với bạn bè, bạn phải từ bỏ đi một vài thói quen lâu năm vốn không còn phù hợp, bạn có khi phải thay đổi cả một lối sống... để lột xác thành một người khác.

Tôi may mắn được làm việc với vài "sếp khó ưa".

- Sếp Y. Sasao yêu cầu tôi phải là người đến sớm nhất và về sau cùng, sáng Chủ Nhật khi mọi người nghỉ ở nhà, riêng tôi thì phải vào VP để kiểm tra xem có gì gấp không. Sếp không cho tôi ngồi ăn uống vỉa hè, không được đi xích lô hay xe ôm. Khi tôi làm tròn 0.1 VNĐ, sếp nói tôi làm như thế là "tổn thất tài chính" cho công ty.

- Sếp C.V. thì giao công việc dồn dập, cứ cái gì không biết giao cho ai, thì sếp giao cho tôi (lương thì vẫn thế), sếp "bắt" tôi phải đi học nhiều thứ, cuối tuần thì thường phải ngồi máy bay ít nhất là một buổi. Các chỉ tiêu kinh doanh mà sếp giao thì thường cao ngất, sếp luôn nói tôi chưa làm hết khả năng!! Mỗi lần họp kiểm điểm công việc với sếp là "căng như dây đàn"...

3. Liệu có sếp nào vừa là "sếp dễ thương" lại vừa là "sếp khó ưa"?

Thường thì rất ít người cân bằng được để vừa dễ thương trong đời thường, vừa nghiêm khắc trong công việc. Bởi nếu vậy họ thành người "không quá dễ dãi, cũng không quá khắc khe". Tức là một người không có gì đặc biệt.

Tuy nhiên, vì đây là chúng ta đang nói về bản tính con người, nó là cách hành xử tự nhiên.
Một số người cũng cố manage tính cách hành xử cho cân bằng, nhưng họ chỉ có thể làm được trong các tình huống chủ động, bình thường.
Còn khi gặp tình huống bất ngờ, hay khi căng thẳng, thì bản tính sao họ hành xử y như vậy. Không thể che dấu được.

Những người thành công trong môi trường chuyên nghiệp, hay là doanh nhân, đều có tính cách khắc khe, họ khắc khe ngay với chính họ và vì vậy họ cũng khắc khe với người khác.

Ngay cả nữ giới, những người phụ nữ giữ chức vụ cao, làm ăn thành công thường bị gán cho là "hơi có tính đàn ông".

Thực ra, tính cách nghiêm khắc, quyết đoán và sống theo nguyên tắc ... không phải là tính cách riêng của đàn ông, mà là tính cách chung của những người lãnh đạo thành công.

Những người tình cảm, dễ thương thường không thể nào đưa ra những quyết định không chỉ gây mất lòng một người mà cả một tập thể như: sa thải hết cấp quản lý, đóng cửa nhà máy để cắt lỗ, hay giảm 30% nhân lực công ty...

4. Learning point.

Vậy tôi cho rằng nếu bạn muốn trở thành một lãnh đạo cao cấp, một người kinh doanh thành công thì phải adopt được những tính cách ấy.

Thay đổi tính cách là việc không dễ làm trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi cả một quá trình nhiều năm, trong một môi trường khắc khe... Nên cách tốt nhất là tìm cách làm việc chung với những người có tính cách ấy, chịu để họ tác động lên mình, theo kiểu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

Thực ra, các chương trình phát triển lãnh đạo (Leadership Development) của Anh-Mỹ người ta vẫn phải làm cách này (còn khá mới đối với VN). i.e. dùng môi trường để tạo áp lực thay đổi tính cách và hành vi, nếu chịu được thì tiếp, còn không chịu được thì văng!

Thay đổi tính cách một con người mới khó, chứ trang bị kiến thức thì không khó. Kiến thức thì có thể bắt học thuộc lòng được, nhưng tính cách thì không dễ điều chỉnh. Người Việt mình cũng vì không biết bằng cách nào để có thể điều chỉnh tính cách một con người, nên chúng ta nói "cha mẹ sinh con, trời sinh tánh" là vậy.

Đỗ Hòa

Comments powered by CComment

Login Form