Ngày 15 tháng 11 năm 2016 vừa qua, báo Bizlive đã tổ chức buổi tọa đàm về đề tài "Khủng hoảng nguồn nhân lực cấp cao" với một số diễn giả, nhà nghiên cứu. Dưới đây là cách mà tôi nhận diện vấn đề này.

Nhân lực quản lý cao cấp, họ từ đâu ra?

Nhân lực là nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp (và rộng hơn là nền kinh tế) phát triển. Nhưng nhân tài cũng không từ trên trời xuống mà họ trưởng thành từ trong môi trường kinh doanh, họ chính là những phát hiện từ trong quá trình vận động của doanh nghiệp.

Để một người nhân viên bình thường trở thành một quản lý cấp cao, một nhân tài, thì theo tôi, ta cần một môi trường với ít nhất ba điều kiện sau:

- Một môi trường mà người nhân viên có thể phát huy và cống hiến hết năng lực sở trường của mình.
- Anh ta cũng cần phải đặt dưới một áp lực cạnh tranh trong một môi trường minh bạch và lành mạnh, để anh ta không phát triển một cách méo mó, lệch lạc.
- Và anh ta cần phải có cơ hội học hỏi để liên tục phát triển bản thân.

Với 3 điều kiện trên thì tôi thường ví von cũng giống như trong thể thao thành tích cao.
Để có thể đá bóng và đoạt giải quốc tế thì ít nhất phải có sân bãi và phương tiện luyện tập theo tiêu chuẩn quốc tế. Chứ cứ đá sân đất, không có trọng tài, rồi ai giỏi chơi xấu, giỏi tiểu xảo hơn thì thắng... hoài thì làm sao mà có ngày vô địch ở sân chơi quốc tế?

Nếu hình dung nền kinh tế VN gồm 3 khối, Public, FDI và Private, thì trong tình hình hiện nay thì hầu như chỉ có một số doanh nghiệp FDI đáp ứng được 3 điều kiện ấy.

Khối Public thì họ vận hành theo một luật chơi riêng rất đặc trưng, mà tôi cho là không đáp ứng được cả 3 điều kiện trên.

Còn khối Private thì đại đa số vẫn còn đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, từ quản lý thuận tiện sang quản lý khoa học.
Đa số các doanh nghiệp tư nhân chưa xây dựng được một hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, nên họ chưa có được một môi trường minh bạch và lành mạnh để nhân tài trưởng thành từ khối FDI có thể join và phát huy trong doanh nghiệp của họ.
Khối Private theo tôi cũng chưa quan tâm đầu tư vào phát triển năng lực nhân viên, phát hiện và phát triển nhân tài, cũng như là phát triển đội ngũ kế thừa, nên tự họ cũng ít khi đào tạo ra được những cấp quản lý có đẳng cấp và trình độ chuyên nghiệp cao.

Lí do vì sao mà doanh nghiệp VN chậm phát triển?

Quá trình một doanh nghiệp thay đổi, cải tiến để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn người ta gọi là learning curve của doanh nghiệp.

Và quá trình này xãy ra một phần từ những nổ lực học hỏi nghiên cứu trong nội bộ, nhưng phần lớn những sự đột phá thì không đến từ chính trong nội tại, mà đến từ những nhân tố mới từ những tổ chức cùng ngành hoặc khác ngành có trình độ cao hơn.

Có thể nói, khối FDI họ vượt trội so với chúng ta về mọi mặt về lĩnh vực khoa học quản trị doanh nghiệp.

Và tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt kém phát triển là vì thiếu sự trao đổi, học hỏi giữa những doanh nghiệp có trình độ tổ chức và quản lý cao với doanh nghiệp có trình độ tổ chức và quản lý thấp.

Từ luận điểm trên, chúng ta thấy hầu như không có sự trao đổi nhân sự từ khối FDI với khối Public. Có rất ít, hoặc có thể nói rằng không có nhân sự giỏi từ FDI được vào làm trong các doanh nghiệp nhà nước.
Khối Public chủ yếu là dựa vào nội lực để cải thiện và tiến bộ, nên rất chậm phát triển.

Tương tự, do môi trường không phù hợp nên cũng rất ít nhân sự giỏi từ khối FDI có thể phát huy và tồn tại được lâu trong các doanh nghiệp tư nhân. Dẫn đến khối Private cũng chậm tiến bộ vì ít có cơ hội tiếp cận được với những khoa học và tiến bộ về quản trị doanh nghiệp của thế giới.

Như vậy, nguyên nhân của sự chậm tiến, lạc hậu của nền kinh tế của chúng ta, theo tôi như vậy là đã khá rõ.
Vấn đề là giải pháp nào để chúng ta thoát khỏi sự trì trệ, ngày càng lạc hậu này?

Đỗ Hòa

(Quí vị cũng có thể đọc bài tường thuật của Bizlive trên trang web của báo)

Login Form