Vừa xong một buổi báo cáo chiến lược cho khách hàng. Nếu chỉ nắm ý của khách hàng rồi hoạch định theo ý của họ thì công việc rất đơn giản, và vai trò tư vấn hầu như không tạo ra được giá trị gì nhiều.

Vấn đề là làm sao để chỉnh hướng để doanh nghiệp đi theo hướng tốt hơn so với những gì họ dự định. Và bạn không thể thực hiện được điều nầy chỉ bằng cách đến nói thẳng với họ những gì họ nên làm.

Thách thức nằm ở chỗ làm sao để khách hàng nhận ra rằng những gì họ đã nghĩ, đã làm hoặc đã dự định sẽ làm vẫn chưa hẳn là tối ưu (Bước 1).

Nếu bạn chứng minh được điều trên, bạn có cơ hội chia sẻ cho họ những giải pháp khác mà bạn cho là tốt hơn cho khách hàng (Bước 2).

Và nếu bạn làm tốt Bước 2, có nghĩa là khách hàng nhìn nhận giải pháp của bạn là tốt hơn, thì là bạn mới có cơ hội để thực hiện tiếp Bước 3: Hoạch định chi tiết chiến lược.

Nhiều trường hợp thất bại ngay từ Bước 1: không sell được lý lẽ để tạo cơ sở cho sự thay đổi.
Cũng có người làm tốt Bước 1, nhưng tắc ở Bước 2: mọi người nhận ra những gì đã làm, đang làm là chưa tốt, không hiệu quả, nhưng tư vấn không thể đưa ra được một giải pháp đủ sức thuyết phục với khách hàng rằng "đây mới là tốt hơn mà chúng ta nên theo".

Rồi tiếp theo đó mới là cả một quá trình tính toán, bàn thảo, hoạch định chi tiết làm thế nào để thay đổi cả một tổ chức, để họ tư duy theo kiểu mới, đi theo hướng mới, tổ chức theo mô hình mới...

Những thách thức trên giải thích lý do vì sao người ta theo đuổi nghề tư vấn thường vì đam mê, chứ ít người nghĩ làm nghề tư vấn để trở nên giàu có.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Comments powered by CComment

Login Form