Những bài học về quản lý mà các tập đoàn lớn, các công ty Phương Tây đã áp dụng thành công là rất đáng quan tâm tham khảo, vì học từ thành công của người khác cũng là một cách học hiệu quả.

Gần đây nhờ hội nhập với thế giới, mà doanh nhân Việt Nam có điều kiện tiếp cận được nhiều nguồn sách tham khảo về quản lý có giá trị từ nước ngoài, trong đó có sách điển cứu về mô hình quản lý của các tập đoàn lớn của Âu-Mỹ.

Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai để vận dụng những best practice này vào doanh nghiệp mình thì nên lưu ý mấy điểm sau:

Một hệ thống quản lý có thể hiệu quả khi áp dụng đối với tổ chức này, nhưng không hiệu quả đối với tổ chức khác, là vì những lý do sau:

1- Đối tượng quản lý khác nhau: Nhận thức, văn hóa, trình độ chuyên nghiệp, cấp độ nhu cầu trên thang Maslow.

Một chuỗi cửa hàng ở VN, khi ban lãnh đạo công ty giao quyền quyết định cho cửa hàng trưởng thì trong những tháng đầu doanh thu có tăng, nhưng sau đó thì bộc lộ một số mặt hạn chế, tiêu cực. Tình trạng này sau đó lây lan ra toàn bộ hệ thống.
Các cửa hàng trưởng cấu kết với các nhà cung để gởi giá nhằm ăn chênh lệch riêng dẫn đến công ty bị thất thoát lợi nhuận. Bên cạnh đó, họ cũng nhận những mặt hàng ế, khó bán từ người quen để rồi sau đó công ty phải sales-off để đẩy hàng tồn, và bị lỗ nặng.
Nhân viên biết chuyện nhưng không dám tố cáo, sợ bị mất việc, vì quyền tuyển dụng cũng đã được giao cho cấp quản lý cửa hàng.

Nhiều nơi thì việc phân quyền xét duyệt chi tiêu dẫn đến tình trạng, sếp ký duyệt cho nhân viên những khoản chi sai mục đích nhưng phục vụ cho bản thân nhân viên và cả cho sếp. Nghiêm trọng hơn, sếp ký duyệt cho cả những hóa đơn được lập khống, để hợp thức hóa việc ăn chơi của sếp với nhân viên.

2- Đặc thù của tổ chức khác nhau: Ngành nghề kinh doanh, qui mô tổ chức, điều kiện và môi trường làm việc, các chính sách động viên, tưởng thưởng.

Với một công ty công nghệ, việc phân quyền có lẽ thuận lợi hơn so với những doanh nghiệp mà việc phân quyền gắn liền với chi tiêu tài chính, hàng hóa, giá cả.
Công ty công nghệ (như Google trong câu chuyện này) thì họ phát huy trình độ công nghệ của họ. Họ ứng dụng công nghệ vào việc giao việc, kiểm soát công việc.
Và bản chất công việc của họ là tương tác với khách hàng trên môi trường ảo nhiều hơn là môi trường thật, nên tương tác với nhân viên do vậy cũng phải được thực hiện trên môi trường ảo. Và sự cách trở về mặt địa lý, hạn chế về tiếp xúc, nên họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phân quyền cao.

Trong khi các doanh nghiệp khác thì hoạt động trên môi trường thật, việc quản lý trong môi trường thật phức tạp hơn nhiều. Họ lại thiếu năng lực về áp dụng công nghệ, nên nếu có muốn thử quản lý như Google thì cũng không thể. Còn nếu không dựa trên nền tảng công nghệ để quản lý mà phân quyền cao, thì chẳng khác nào "khoán trắng" cho cấp dưới.

3- Môi trường nơi doanh nghiệp hoạt động là khác nhau: môi trường xã hội, văn hóa của cộng đồng, đối thủ, pháp luật quốc gia sở tại.

Môi trưởng hoạt động về mặt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng lớn đến hành vi ứng xử của con người. Môi trường luật pháp minh bạch và nghiêm khắc khiến người ta phải cân nhắc trước khi vi phạm pháp luật. Vì dễ bị phát hiện, và khi bị phát hiện thì sẽ bị xử nặng.
Ví dụ: người Singapore làm ăn nghiêm túc trên đất nước họ hơn là khi họ làm ăn trên đất nước mình.

Tóm lại, nếu bạn cân nhắc đầy đủ 3 yếu tố trên mà thấy ổn thì có thể thử cách quản lý của doanh nghiệp khác vào công ty mình, chứ không nên áp dụng một cách máy móc.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Login Form