Tình trạng khủng hoảng do dịch CoVid-19 gây ra được cho là sẽ còn kéo dài đến ít nhất là cuối năm sau 2021. Vậy doanh nghiệp sẽ tiếp tục gồng mình chịu đựng, hay hành động để thích nghi và tồn tại?

Khi xảy ra động đất, các tòa nhà cao tầng là nơi đầu tiên cảm nhận được và phải chịu thiệt hại lớn. Trong khi các căn nhà nhỏ, nhà có cấu trúc nổi và linh hoạt, không bám sâu vào nền đất thì có khi không cảm nhận được động đất đang xảy ra.

Với các doanh nghiệp lớn, trong giai đoạn mà môi trường kinh doanh có sự biến động mạnh (một hoặc nhiều thành tố PESTLE có sự biến đổi đột ngột), thì động thái phù hợp nhất có lẽ là cắt giảm tối đa chi phí quản lý (overheads), đặc biệt là chi phí quản lý cấp trung gian (tức là giảm tải thượng tầng tối đa), đồng thời chuyển từ mô hình quản lý tổ chức lớn, sang thành một mô hình linh hoạt của nhiều business mang tính độc lập cao.
Tức là ví như chuyển từ một căn nhà to sang thành nhiều ngôi nhà nhỏ có cấu trúc nhẹ và linh hoạt để không bị sập cùng một lần.

Tại sao vậy?

Vì trong giai đoạn khủng hoảng, mọi thứ thay đổi đột ngột này, doanh nghiệp cần ưu tiên bảo toàn cho chính mình bằng cách tối ưu hóa chi phí và đánh giá lại một cách chính xác khả năng tồn tại của từng business trong danh mục kinh doanh.

Mô hình "nhiều nhà nhỏ" này cho phép giảm tải chi phí quản lý, cho phép xác lập lại mô hình kinh doanh và thuận tiện cho việc đánh giá hiệu quả cũng như khả năng tồn tại của từng business độc lập. Từ đó sẽ dễ đưa ra các quyết định về danh mục (keep, divest, spin out, M&A...) cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới. Cái nào không chịu nổi, không còn tiềm năng thì cho sập, không để ảnh hưởng đến những business khác. Cũng như công đoạn nào có thể outsource thì chuyển sang outsource để giảm chi phí vốn vay. v.v.

Khi nằm chung trong một mô hình tổ chức lớn, các đơn vị thành viên thường không có cơ hội để tự điều chỉnh mình. Họ phải theo sự sắp xếp của tổ chức lớn. Theo đó mọi sự điều chỉnh đều phải được sự phê duyệt của tổ chức cấp trên.

Giữ chung trong một tổ chức lớn, vừa khó đánh giá hiệu quả (do tâm lý doanh nghiệp mạnh gánh đở chi phí doanh nghiệp yếu), vừa khó đề cao tính trách nhiệm và tính độc lập của nhân sự phụ trách (do sự ỷ lại và mặc cảm nhỏ bé). Các business yếu kém trở thành gánh nặng có thể kéo theo sự sụp đổ của các business khác.

Cũng như trong một tòa nhà to, nếu có một cột nhỏ bị suy yếu thì cũng khó mà phát hiện ra. Chỉ đến khi nền đất bị rung lắc, cây cột suy yếu này rạn nứt và lúc đó nó có thể kéo theo sự sụp đổ của cả tòa cao ốc to lớn.

Câu chuyện "nhà càng lớn thì rung lắc càng mạnh" hay "thuyền càng to thì sóng càng lớn" cũng giống như doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh. Cái khác là tòa cao ốc lớn, hay con thuyền to thì không thể chia tách nhỏ ra được, nhưng doanh nghiệp lớn thì có thể chia tách ra được về mặt tổ chức và quản lý (mặt sở hữu và tài chính thì không đổi).

Cũng như loài kiến, bình thường chúng tụ thành đàn để tạo ra sức mạnh hợp lực, nhưng khi gặp nguy hiểm, bị đe dọa, thì lập tức chúng tản ra khắp nơi để trốn tránh và bảo toàn lực lượng. Khi nguy hiểm qua đi thì chúng lại tụ lại thành đàn.

Tình trạng khủng hoảng này sẽ còn kéo dài đến ít nhất là cuối năm sau 2021. Và ngay cả khi dịch được khống chế, mọi thứ cũng sẽ không quay trở lại như cũ, nên doanh nghiệp cũng không có lý do gì để cố giữ như cũ.

Ưu tiên lúc này là hành động để thích nghi và tồn tại.

Đỗ Hòa - Tư vấn chiến lược

Comments powered by CComment

Login Form