Một số phân tích, nhận định của ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn quản lý doanh nghiệp về vụ M&A lớn nhất năm 2019 giữa VinCommerce, VinEco và Masan Consumer.

Về góc độ quality of decision making. Chưa biết là do bên nào là bên đưa ra sáng kiến này, nhưng tôi phải nói rằng đây là một sáng kiến rất đúng đắn, có lẽ là giải pháp tốt nhất có thể trong tình hình hiện nay.

Masan thì đã từ lâu có ý định tham gia vào thị trường bán lẻ, và mới đây họ tái khẳng định ý muốn này.
Lý do thì rất rõ, nếu chỉ là nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm, thì anh phải ngậm đắng nuốt cay khi nhìn thấy rằng người thu được giá trị cao nhất từ sản phẩm của anh không phải là anh.

Thứ hai là không chỉ về mặt lợi nhuận, mà đó là sự bất lợi khi bị lệ thuộc về kênh phân phối. Masan ắt hẳn chưa quên sự cố nước tương Chinsu năm 2006, khi mà nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng bán lẻ rút hàng của Masan ra khỏi quầy. Và sau đó đến lượt sản phẩm nước mắm Nam Ngư năm 2016.

Trong khi chưa có quyết định chính thức từ các cơ quan quản lý, nhiều chuỗi bán lẻ đã sử dụng quyền của mình để chủ động rút hàng của Masan mà không cần giải thích gì. Mỗi lần bị rút hàng như vậy Masan bị tổn thất khá nặng.

Trong những lần bị như vậy, nếu bạn là lãnh đạo của Masan thì bạn ước gì? Giá mà mình có kênh phân phối riêng của mình!

Như vậy, tôi cho rằng lợi nhuận và sự chủ động tiếp cận thị trường là hai động lực chính thúc đẩy Masan tìm cách để mở rộng hoạt động kinh doanh về hạ nguồn của chuỗi giá trị, để tham gia vào hoạt động kinh doanh bán lẻ.

Ngoài ra, việc mở rộng danh mục kinh doanh với hoạt động bán lẻ cũng giúp Masan chủ động hơn, có nhiều room hơn về mặt quản lý danh mục và chiến lược danh mục (nội dung này nếu có dịp tôi sẽ quay lại sau).
Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ cũng là một kênh huy động vốn rẻ, một kênh cung cấp dòng tiền, nhờ chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp mà không phải trả lãi (có dịp tôi sẽ phân tích kỹ hơn về những lợi ích của việc sở hữu một hệ thống như hệ thống của TGDĐ).

Tóm lại, mặt được về phía Masan là lợi nhuận tốt hơn cho sản phẩm của mình nhờ giảm chi phí bán hàng, chủ động tiếp cận thị trường, nhiều room hơn và linh hoạt hơn về mặt chiến lược, cũng như là vốn rẻ, dòng tiền (cash).

Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt. Trong khi lợi ích và triển vọng chiến lược thì có vẻ khá tốt, động thái M&A này cũng mang lại cho Masan những rủi ro trước mắt không hề nhỏ, và thực ra là nó đang xảy ra rồi. Việc thâu tóm một business đang bị thua lỗ sẽ khiến cho các nhà đầu tư e sợ rằng lợi nhuận của Masan sẽ bị pha loãng đi vì phải gánh chịu khoản lỗ vài trăm tỉ mỗi năm từ VinEco và VinCommerce.
Trong khi việc chuyển một hệ thống đang lỗ sang lãi cũng không phải dễ dàng gì.

Quay lại phía Vingroup, nếu theo báo cáo tài chính thì diễn biến kết quả kinh doanh của VinCommerce là khá kịch tính. Từ lỗ dồn khoảng 17,500 tỉ đồng, bổng năm 2019 trở thành lãi 7,600 tỉ đồng. Riêng năm 2019 thì doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.148 tỉ, cao gần bằng doanh thu thuần về bán hàng là 2.476 tỉ đồng.

Theo nhận định của tôi, đây có lẽ là động thái Vin làm lành mạnh hóa sổ sách tài chính của VinCommerce trước khi chuyển nhượng mảng bán lẻ cho Masan, bằng cách bán cổ phiếu công ty mẹ để ghi nhận lãi vào sổ sách của VinCommerce như là một điều kiện để Masan có thể chấp nhận thâu tóm mảng này.

Có lẽ đối với Vin, mảng bán lẻ và sản xuất nông nghiệp có lẽ đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nó (chỗ này tôi xin phép chỉ đưa ra nhận định mà không giải thích gì), cần được divest để tập trung vào các mảng chính khác của VinGroup là BĐS và công nghệ.

Mảng BĐS của Vin lâu nay vốn là nơi tạo ra nguồn tiền để nuôi các mảng công nghệ (và cả bán lẻ), nay xét tình hình nguồn hàng thì có thể thấy mảng BĐS các năm đến chắc chắn sẽ không còn được như những năm qua, trong khi Vinfast và VinSmart vẫn còn cần phải được tiếp tục bơm thêm tiền nhiều năm nữa, thì việc divest mảng bán lẻ lúc này tôi cho là một quyết định sáng suốt.

Vậy về phía VinGroup, động thái này là một động thái chiến lược giúp giảm tải về mặt áp lực tài chính và để có thể tập trung nguồn lực cho các mảng khác.

Way forward cho Masan hậu M&A.

Con đường phía trước của Masan cũng không kém chông gai khi họ phải nhanh chóng tìm cách chuyển mảng bán lẻ nhận từ Vin từ lỗ sang có lãi, hoặc ít nhất là không lỗ nữa. Nếu không thì giá cổ phiếu của Masan sẽ còn trượt dài dài.
Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ khó, nó có thể chôn vùi tên tuổi đối với vị lãnh đạo nào của Masan được giao nhiệm vụ này. Bởi turnaround một hệ thống bán lẻ vào lúc này là quá khó.
Khó là vì trong giai đoạn technological disruption này, các mô hình bán lẻ truyền thống, hiện đại và online vẫn đang trong cuộc so găng. Cùng lúc có nhiều nhà đầu tư lớn trong nước nhảy vào, nhiều chuỗi bán lẻ lớn của nước ngoài tham gia, truyền thống hiện đại lẫn online đang tranh nhau từng đơn hàng. Đánh nhau thế nên anh nào cũng phải bơm một năm vài trăm tỉ đồng vào để bù lỗ. Một dẫn chứng là BHX của TGDĐ ra đời đã nhiều năm nay, thay đổi mô hình vài lần mà vẫn chưa có lãi, thì Masan một tay chơi mới vào ngành bán lẻ thì làm sao mà có thể chuyển lỗ thành lãi trong một sớm một chiều?

Strategic fit?

Mới nhìn qua thì thấy dường như ráp mảng bán lẻ của Vin vào Masan là vừa đẹp, nhưng nhìn kỹ thì vẫn có những chỗ hơi bị vênh.
Một là các chuỗi bán lẻ của Vin định vị hơi bị cao so với các sản phẩm của Masan. Theo tôi sản phẩm của Masan thì phù hợp với chợ truyền thống và những chuỗi bình dân như Coop hơn.
Vậy Masan sẽ kéo hệ thống bán lẻ của Vin xuống cho phù hợp với chiến lược thị trường của Masan lâu nay, hay Masan sẽ tung những dòng cao cấp hơn? Nếu không thì việc kéo mảng bán lẻ của Vin về sẽ không giải quyết được toàn bộ bài toán tiếp cận thị trường của Masan.

Cultural shock?

Từ yêu cầu phải chuyển từ lỗ thành lãi, Masan sẽ phải đưa người sang nắm các cấp quản lý để triển khai các chương trình Change Management một cách quyết liệt, với mục đích nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của chuỗi bán lẻ này. Vậy là khó tránh khỏi hai nền văn hóa Vin và Masan sẽ xung đột nhau. Hệ lụy của nó rất khó lường.
Nên nhớ là hơn 50% các case M&A thất bại!

Dầu gì thì tôi cũng mong Masan và Vin thành công với ca M&A này, nếu không thì họ sẽ lại phải bán lại cho nước ngoài.

Đỗ Hòa - On M&A Strategy.

Comments powered by CComment

Login Form

Lịch Huấn Luyện