Hào hứng với dự án sản xuất ô tô và xe máy mang tên Vinfast của Vingroup, tôi xin chia sẻ một vài góc nhìn dựa trên những thông tin có được từ báo chí, truyền thông trong nước.

vnf vinfast(hình: VNF)

Trước hết, tôi nghĩ nếu dùng các chỉ tiêu, công cụ đánh giá dành cho các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động để mà đánh giá cho một dự án đang trong giai đoạn phôi thai thì e là không ổn. Đơn giản là vì mọi thứ lúc này chỉ là một xấp giấy và một bãi đất trống, và một vài nhân sự chủ chốt.

Thay vào đó, tôi nghĩ với dự án Vinfast thì chúng ta chỉ có thể nhận xét về chất lượng và triển vọng của một dự án: dự án sản xuất và kinh doanh ô tô.

Còn những yếu tố liên quan đến hoạt động vận hành và hiệu quả kinh tế của một doanh nghiệp như sản xuất, R&D, quản lý, marketing, sales... thì phải chờ đến khi nó ra hình ra dáng gì rồi thì mới nhận xét được. Nhận xét lúc này là hoàn toàn không có cơ sở.

Với quan điểm như vậy, tôi chỉ nhận xét như nhận xét một dự án kinh doanh, với các nội dung nhằm quyết định khả năng thành bại của một dự án, như sau:

- Ý tưởng kinh doanh
- Thị trường và chiến lược tiếp cận
- Kế hoạch kinh doanh
- Nguồn lực tài chính
- Năng lực quản lý dự án
- Rủi ro

1. Về Ý tưởng kinh doanh.

Ý tưởng kinh doanh thì tôi cho là không tồi chút nào. Bởi ý tưởng này đón đúng điểm rơi quyết tâm chính trị của nhà nước về phát triển ngành công nghiệp ô tô là cao nhất. Nếu không có dự án này, của một doanh nghiệp nội địa, thì xem như chiến lược phát triển ô tô của nhà nước lần 2 (revised năm 2014) coi như chắc chắn phá sản. Sau khi thuế hạ vào 2018 rồi thì chẳng còn doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư sản xuất nữa cả. Do vậy, Vinfast nhận được sự hỗ trợ tối đa của nhà nước với các chính sách ưu đãi rất thuận lợi.

Kế đến, Vinfast xác định ngay từ đầu sẽ ưu tiên phát triển xe điện (xe máy và ô tô). Tôi cho rằng đây là một điểm quan trọng.

Thứ nhất, xe máy điện (xe máy và ô tô) đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ thị trường, nên là một thị trường đầy tiềm năng, và cơ hội cho new players là có. Không như thị trường xe máy truyền thống vốn đang ở giai đoạn bão hòa, một vài nơi đã chuyển qua giai đoạn thoái trào, khi chính phủ đã đặt ra mốc ngưng hoạt động xe động cơ đốt trong.

Thứ hai là do xác định sản xuất xe máy điện ngay từ đầu, một công nghệ còn khá mới đối với ĐNA. Chính nhờ vào điều này mà các doanh nghiệp ô tô trong khu vực không thể phát huy lợi thế cạnh tranh để đè bẹp Vinfast ngay từ đầu.
Tôi cho rằng đây cũng là lý do vì sao mà Vinfast đặt ra mục tiêu tiếp cận thì trường sớm, sau 2-3 năm. Bởi nếu chậm hơn, thì các cơ sở sản xuất xe hơi truyền thống trong khu vực đã có thể chuyển sang sản xuất ô tô điện, thì áp lực cạnh tranh lúc ấy sẽ rất cao.

Tóm lại, theo tôi về ý tưởng là ổn.

2. Về chiến lược của Vinfast.

Về thị trường thì không nghi ngờ gì, nếu so với thế giới thì VN còn rất nhiều room cho thị trường phương tiện cá nhân. Hiện tại tỉ lệ sở hữu xe trên 1000 dân của VN là 23, trong khi Thái Lan là 203.
Vậy nếu được sự hỗ trợ bởi chính sách nhất quán của nhà nước (cơ sở hạ tầng, phí sử dụng...), thì tiềm năng thị trường là rất lớn cho Vinfast.

Còn về chiến lược, tôi cho là do chúng ta không có được bản chiến lược của họ, mà chỉ có những thông tin phân mảnh, rời rạc không chính thức qua báo chí, nên rất khó để mà có thể nhận xét đúng về chiến lược của Vinfast vào giai đoạn này.
Thực tế là đã có nhiều trường hợp, doanh nghiệp chủ động tung tin không chính xác để đánh lừa đối thủ cạnh tranh và tác động lên cảm nhận của người tiêu dùng.
Là người ngoài cuộc, chúng ta chỉ có thể đánh giá chiến lược của một doanh nghiệp qua các động thái của họ sau khi họ triển khai thực hiện chiến lược.

Thông điệp mà thị trường đọc được qua báo chí lúc này là "chất lượng Châu Âu, giá Việt Nam", với những tên tuổi hàng đầu Châu Âu, Ý. Nhưng mà như vậy liệu có mâu thuẩn? Liệu đây có phải là thông tin trích từ chiến lược thật hay chỉ là thông tin PR, để rồi sau đó họ âm thầm nhập linh kiện từ TQ sát bên cho rẻ?
Tóm lại, theo tôi thì chiến lược chưa rõ, không đánh giá được. Còn nếu theo thông tin trên báo chí thì hơi có phần mâu thuẩn.

3. Kế hoạch kinh doanh.

Kế hoạch kinh doanh thì cũng là một bí mật của doanh nghiệp, kể cả bản business plan mà họ trình chính phủ và các ngân hàng thì cũng chưa chắc là bản thật. Bởi bản trình để xin đất, xin miễn thuế, xin hỗ trợ, xin vay vốn ... họ có thể bơm các con số lên cao hơn thực tế. Và tôi nói ngay là việc này thì không có gì lạ. Ngay các doanh nghiệp ô tô nước ngoài cũng đã làm vậy khi xin giấy phép đầu tư. Họ "promise the moon" với nhà nước để được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất, được thuê đất với giá cực bèo... và khi được cấp phép xong rồi thì họ giở ngăn kéo lấy bản business plan thật ra để thực thi.

Nên cũng khó mà nói được rằng liệu "doanh thu Vinfast có sẽ bằng cả TP Hải phòng" thật hay không, suất đầu tư bao nhiêu, chi phí và giá thành sản phẩm như thế nào, economics (NPV, VIR, ERR...) như thế nào, khi nào thì break even, sau 5 năm thì lãi lỗ như thế nào... Chịu!

4. Nguồn lực tài chính.

Về financing cho dự án, thì tôi tin là với những ưu đãi mà báo chí đăng như vậy, thì Vingroup hoàn toàn không khó trong việc xoay vốn cho dự án này. Bản thân Vingroup cũng đã là một tập đoàn mạnh về tài chính.

5. Năng lực quản lý dự án.

Tôi cho rằng đây cũng là một điểm quan trọng quyết định sự thành bại.
Ngay giai đoạn này thì năng lực quản lý dự án xây dựng nhà máy là vô cùng quan trọng. Bởi nó không chỉ quyết định chất lượng sản phẩm, mà còn chi phí sản xuất và toàn bộ giá thành sản phẩm sau này. Một công nghệ kém, một dây chuyền bất hợp lý hay thiết bị không phù hợp... sẽ tác động lên toàn bộ vòng đời hoạt động của dự án này, cho đến khi mà ai đó chịu bỏ tiền ra để cải tạo nâng cấp nó.

Và may là anh Vượng đã không điều một ông giỏi bán lẻ thân tín sang phụ trách dự án, mà mời hẳn một chuyên gia kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhà máy cơ khí về giúp mình.

Tuy nhiên, năng lực quản lý trong giai đoạn dự án thì khác với năng lực quản lý trong giai đoạn kinh doanh. Chúng ta còn chờ xem nhân sự phụ trách kinh doanh là ai nữa rồi mới nhận xét được về triển vọng hiệu quả của dự án này.

6. Rủi ro.

Cuối cùng nói đến một business case thì phải nói đến mặt rủi ro của nó. Cũng như bất kỳ dự án kinh doanh nào, cho dù được tính toán chặt chẻ đến đâu, rủi ro chỉ có thể được giảm thiểu chứ không thể loại bỏ hoàn toàn được.
Với dự án Vinfast thì với những thông tin ít ỏi trên báo chí, tôi nhìn thấy một số rủi ro như sau:

- "Chất lượng Châu Âu, giá Việt Nam" là yếu tố rủi ro đầu tiên.

Tôi cho rằng đây là một mục tiêu quá thách thức. Bởi chúng ta biết xe hơi được cấu thành bởi khoảng 30.000 cấu thành, được cung cấp bởi nhiều nhà máy khác nhau trên khắp thế giới. Trong đó linh kiện thiết bị Châu Âu là đắt nhất, vậy thì làm sao để có "chất lượng Châu Âu, giá Việt Nam" được?

Nếu đạt "chất lượng Châu Âu" thì giá phải cao, tức là sẽ trở thành "hàng Việt, giá Châu Âu". Và như vậy thì có phải rủi ro không? Bao nhiêu người Việt chịu mua hàng Việt với giá Châu Âu?

Còn nếu để giảm giá thành, Vinfast phải nhập nhiều linh kiện, thiết bị TQ, tức là sẽ trở thành "thương hiệu Việt, ruột TQ" thì nghe có chết người không? Liệu có bị dân mình dị ứng với "made in china" không?

Còn nếu tự sản xuất nội địa theo yêu cầu 60%, thì giai đoạn đầu do chưa có sản phẩm R&D, và xe điện cũng là một công nghệ mới, nên Vinfast sẽ phải chi khá tiền để mua license sản xuất theo mẫu của người khác. Tức nhiên là nếu họ chịu cấp license cho mình.

- Rủi ro về tay nghề của nhân lực.

Trừ khi Vinfast "bắt" người của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô khác, họ sẽ không dễ để vừa đào tạo vừa sản xuất để cho ra sản phẩm sau 2-3 năm. Các hãng ô tô nước ngoài đã mất nhiều năm, kể cả đưa ra nước ngoài huấn luyện thì mới có được đội ngủ thợ lành nghề như hôm nay.
Vấn đề của Vinfast sẽ còn phức tạp hơn thế, bởi ô tô điện là một công nghệ mới. Không dễ tìm ra chỗ chịu dạy những công nghệ mới như này. Chỉ các nhà cung cấp linh kiện mới chịu dạy cho thôi, nhưng họ chỉ dạy về linh kiện của họ, còn tổng thể chiếc xe thì ai dạy? Tesla?

- Rủi ro cạnh tranh.

Nếu các nước có nền công nghiệp ô tô mạnh trong khu vực cũng nhanh chóng bắt tay vào chạy đua sản xuất ô tô điện và tiến độ của dự án Vinfast bị chậm lại vài năm, thì Vinfast sẽ bị rủi ro lỡ nhịp thị trường. Lúc đó sản phẩm xe điện của Thái, Malaysia, Indonesia hoặc Campuchia đã vào thị trường VN.

- Rủi ro mang tính chiến lược.

Tôi cho rằng đưa sản phẩm ô tô điện ra thị trường khoảng 3-5 năm, thì Vinfast sẽ phải đối diện với áp lực cạnh tranh mới, áp lực đến từ ô tô điện với công nghệ tự động.

Đây là một rủi ro, một thách thức lớn, bởi nó là công nghệ động cơ điện kết hợp với tự động hóa mà công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định.
Và riêng về tự động hóa kết hợp với CNTT thì khoảng cách năng lực giữa VN và các nước trong khu vực là có và là khá lớn. Nếu không vượt qua được thách thức này thì tuổi đời của Vinfast e là không dài.

Cuối cùng, ngay cả khi nếu Vinfast không thành công như mong đợi, và chỉ là một nhà máy chủ yếu làm xe máy chạy điện, thì Vingroup có lẽ cũng không mất gì nhiều khi chuyển công năng phần đất được giao.

Một vài nhận xét chia sẻ với mọi người và mong Vinfast sẽ thành công.

Đỗ Hòa

Tinh Hoa Quản Trị

Comments powered by CComment

Login Form