Thành phố Hồ Chí Minh

Mục đích của bảng phân tích này là để chia sẻ góc nhìn của người viết, một người quan tâm và chuyên nghiên cứu về chiến lược như là nghề nghiệp, đối với thực trạng và định hướng phát chiến lược phát triển của thành phố.

Những năm gần đây, theo tôi là TP. HCM đã không phát triển được như kỳ vọng. Đã có các phân tích chỉ ra rằng nếu với tốc độ như mấy năm quua, thì còn lâu lắm TP mới bằng các đô thị lớn chung quanh như Singapore, Bangkok, Kualalumpur, chứ chưa nói là liệu Sài Gòn có trở lại thành trung tâm của khu vực hay không. Tuy thế, về mặt chính sách và chiến lược thì vẫn chưa thấy có một sự đột phá nào. Và chính điều này đã thúc đẩy tôi thực hiện nội dungn phân tích chiến lược này.

Mục đích của việc phân tích.

Mục đích của bảng phân tích này là để chia sẻ góc nhìn của tôi, một người quan tâm và chuyên nghiên cứu về chiến lược như là nghề nghiệp, đối với thực trạng và định hướng phát chiến lược phát triển của thành phố.

Dữ liệu dùng để phân tích.

Do đây chỉ là một bảng phân tích thể hiện góc nhìn của một cá nhân, không phải là một dự án nghiên cứu, nên nội dung chỉ tập trung vào qualitative (định tính), chứ không phải là định lượng. Bởi để phân tích quantitative (định lượng) thì phải thực hiện khảo sát và điều nghiên mất nhiều công sức và thời gian hơn.

Những điểm thuận lợi của TP. HCM.

Phần nầy trả lời cho câu hỏi: Nếu gọi là để TP. HCM có thể phát triển, thì đâu là những động lực cho sự phát triển ấy?

Ta hãy điểm qua những dự án đầu tư lớn nhất, nổi bật nhất của TP.

  • Hệ thống metro.

Đây là một hệ thống giao thông công cộng hiện đại và rất tốn kém. Tôi nghĩ hệ thống metro là cần thiết và chỉ giải quyết được một phần vấn đề giao thông và qui hoạch dân cư.
Tôi tin khi vận hành hệ thống metro sẽ gỉam được một cách đáng kể lượng xe máy trên các trục đường có trạm dùng metro. TP vẫn còn nhiều hướng giao thông khác đang bị ùn ứ nghiêm trọng để giải quyết.

Metro cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực về nhu cầu nhà ở trong trung tâm thành phố, bạn ở Đồng Nai, thậm chí Vũng tàu vẫn có thể "sáng đi chiều" về với công ty ở Sài Gòn.
Và chỉ thế, hệ thống metro không giúp các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn, không tạo ra nhiều công việc làm và không nâng thu nhập của người dân thành phố lên cao hơn.

  • Chương trình thoát nước chống ngập.

Đây cũng là một chương trình đã được đầu tư khá nhiều từ ngân sách và vốn vay của TP từ nhiều năm. Nhưng tôi cho rằng điều duy nhất mà chương trình này có thể giải quyết được, nếu may mắn, là sẽ hết tình trạng đường sá và nhà cửa người dân bị ngập nước.

Ngoài việc giúp cho sự đi lại và sinh hoạt của người dân bớt phiền toái, bớt đi cảnh nhếch nhác của đô thị, tôi không nhìn thấy tác động kinh tế lớn từ chương trình này.

  • Đầu tư FDI.

Thời gian gần đây chúng ta thấy có một vài dự án đầu tư nước ngoài lớn, sử dụng một lượng lao động đáng kể, như nhà máy của Intel, Samsung... Nhưng theo quan điểm của tôi, thì những dự án này không phải là biểu tượng phát triển của một nền công nghiệp, nên không phải là động lực phát triển bền vững.

Với tôi thì những dự án này chỉ là hoạt động gia công. Tức là chúng ta tham gia vào một công đoạn, công đoạn thô sơ nhất, giá trị thấp nhất: khai thác lao động giá rẻ. Các khâu có hàm lượng giá trị cao trên chuỗi giá trị các ngành này (R&D, design, manufacturing of valuable parts, marketing) đều được thực hiện ở những nơi khác. Chúng ta chỉ lắp ráp.

Tôi cho rằng ngay cả cơ hội từ xu hướng dịch chuyển lắp ráp, gia công từ TQ đến VN không phải là động lực phát triển lâu dài, nếu chúng ta không biết cách khai thác nó.

Còn những định hướng như phát triển dịch vụ tài chính, chứng khoán, và các chương trình phát triển công nghiệp trọng điểm, sản phẩm tiêu biểu của thành phố?

Thú thật là tôi không nhìn thấy nhiều cơ hội từ những chương trình này. Lí do là vì nó không mới. Những định hướng và chương trình này đã được xác định "trọng điểm" từ hàng chục năm nay mà chưa thấy kết quả gì. Và hiện nay cách làm vẫn chưa thấy có gì đột phá để có thể hứa hẹn có một kết quả tốt hơn.

Thị trường chứng khoán HOSE như hiện tại thì khó mà nói là đã phát triển thành công.Tình hình các ngân hàng thương mại mà báo chí đã đưa tin trong thời gian qua, thì cũng khó mà nói là hệ thống tài chính ngân hàng của TP đã phát triển vững mạnh. Còn công nghiệp chủ lực của TP hiện nay là gi? Vẫn chưa biết được! Sản phẩm chủ lực của TP hiện nay vẫn chưa thực sự là chủ lực như kỳ vọng.

Những điểm bất lợi.

Trong khi những mặt mạnh thì chưa thấy rõ nét, như đã phân tích trên, thì những mặt yếu đã thấy lộ rõ.

Tôi xin phép không đề cập về sự yếu kém của hệ thống hành chính, vì đã được đề cập khá nhiều trên mặt báo, trong phát biểu của lãnh đạo TP và TW.

  • Giao thông cho kinh tế bất cập.

Trong khi giao thông công cộng thì đã có một số giải pháp như đã đề cập ở trên, thì giao thông thương mại và kinh tế của TP thì vẫn bế tắc. Việc vận chuyển hàng hóa trong phạm vi thành phố ngày càng khó khăn hơn, do ngày càng có nhiều đường dựng bảng hạn chế giao thông đối với xe chở hàng hóa hơn.

Ở một góc độ tổng thể, một trong những điều kiện để TP HCM phát triển và trở thành một đô thị lớn trong quá khứ thì nay đã không còn.

Lịch sử phát triển TP HCM gắn liền với thương cảng Sài Gòn (Bến Nghé), từ đó phát triển khu dịch vụ vận chuyển và đô thị mọc lên dọc theo cảng Sài Gòn với những tòa nhà cao tầng làm văn phòng cho các hãng buôn, các hãng tàu và dịch vụ vận tải. Rồi kéo theo dịch vụ nhà trọ, khách sạn, nhà hàng phát triển... và đó là khu trung tâm quận 1 - Sài Gòn cũ.

Các cụm nhà kho lớn được mọc lên ngay cạnh cảng (khu Q4), để phục vụ cho hoạt động thương mại đầu mối, như Singapore hiện nay, như Sài Gòn đối với Miền Nam trước đây. Hàng hóa nhập khẩu được tạm trữ chờ phân phối đi các tỉnh nhờ giao thông biển, bộ, hàng không, đường sắt được kết nối một cách thuận tiện.

Hoạt động thương mại nêu trên cũng phát sinh ra nhu cầu thanh toán tiền mua bán hàng hóa và dịch vụ, do vậy kéo theo sự phát triển của "phố tài chính" TP. HCM ngay cạnh bên. Và đó là khu tài chính - ngân hàng Hàm Nghi.

Nhờ vào lợi thế của một cảng thương mại sầm uất năm sâu trong đất liền nên Sài Gòn đã nhanh chóng phát triển mở rộng, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản, nguyên liệu hàng hóa của cả khu vực.

Nhờ lợi thế gần cửa khẩu, có thể nhập và xuất nhanh chóng, tiện lợi với chi phí thấp, lại có sẵn thị trường tiêu thụ tại chỗ đông đúc, các doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng. Các sản phẩm made-in-sài gòn này đã có thể thay thế một phần hàng nhập ngoại đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư Miền Nam và còn xuất đi các vùng khác như Miền Trung, Tây Nguyên. Công nghiệp hàng tiêu dùng của Sài Gòn - TP HCM đã phát triển nhờ vào những điều kiện và cơ sở hạ tầng này. Cảng Sài Gòn cũng là điều kiện thuận lợi để công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp vận tải biển phát triển một thời lừng danh.

  • Mất cơ sở hạ tầng cho phát triển.

Không may là TP đã chủ động xóa đi cái lợi thế ấy của mình bằng việc di dời cảng Sài Gòn ra thật xa, nơi mà cơ sở sản xuất vẫn chưa theo kịp, đến một vùng mà giao thông kết nối chưa phát triển, khiến cho sự kết nối giao thông đa phương tiện vốn là một lợi thế về mặt cơ sở hạ tầng của TP. HCm bị gãy. Và Cảng  TP. HCM không còn lợi thế so sánh khi so với các cảng khác trong nước, lẫn khu vực.

Với vị trí cảng mới này, thì các địa phương trước đây đưa hàng hóa đến xuất khẩu, nhập khẩu qua cảng TP HCM thì nay họ tự làm cảng riêng, thuận tiện hơn so với khi quá cảnh cảng của TP HCM.

  • Mất vị trí cửa ngõ xuất khẩu của vùng kinh tế trọng điểm.

Tôi tin là trong một tương lai không xa, thậm chí đã xãy ra, các tỉnh Miền Tây không có lí do gì để phải xuất khẩu nông sản qua TP. HCM. Tương tự đối với các sản phẩm công nghiệp của các tỉnh Miền Đông. Lợi thế về thương mại của các doanh nghiệp TP HCM do vậy không còn!

Ngay cả sân bay quốc tế, chẳng bao lâu nữa TSN của TP HCM sẽ nhường vai trò này lại cho sân bay quốc tế Long Thành, thuộc Đồng Nai.

Tuy không xa mấy so với TP HCM, nhưng rõ ràng là những lợi thế đi kèm theo một sân bay quốc tế như các dịch vụ logistics, dịch vụ XNK hàng không, dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa ... sẽ thuộc về tỉnh Đồng Nai.

  • Bất lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một điều bất cập nữa là các cảng mới gần như được xây để đáp ứng hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, vì là những cảng lớn, chuyên dụng bốc dỡ hàng container. Mô hình cảng hiện đại này đặc biệt phù hợp cho các quốc gia có nền sản xuất công nghiệp, sản xuất tập trung và tự động hóa cao.

Trong khi đại đa số doanh nghiệp Việt nói riêng và doanh nghiệp TP nói chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ không có nhu cầu đủ lớn để thuê tàu lớn, trong khi vận tải bằng container thì giá cước lại cao. Các cảng mới này không có bến đổ cho các tàu nhỏ vốn phù hợp với nền kinh tế có qui mô nhỏ.

Như vậy, các doanh nghiệp của TP đứng trước hai chọn lựa:

  • Họ quá nhỏ để vào khu công nghiệp tập trung, vì vào thì phải hy sinh các lợi thế khác như xa thị trường tiêu thụ, khó tuyển nhân lực trình độ cao, chi phí vận chuyển cao.
  • Ở lại thành phố thì bị xa nơi nhập khẩu nguyên liệu vật tư, phát sinh chi phí kho vận, việc vận chuyển, phân phối hàng hóa không thuận lợi, giá thành khó cạnh tranh với các đối thủ khác trong và ngoài nước.

 

  • Bất lợi cho sản xuất.

Với tình hình này, việc đặt nhà máy sản xuất ở các tỉnh lân cận, nơi gần nguồn nguyên liệu, chi phí cơ sở hạ tầng thấp, gần cửa ngõ nhập khẩu... rồi bán vào thị trường TP trở thành một giải pháp hiệu quả hơn so với việc tổ chức sản xuất ngay tại TP. Và trong thực tế, nhiều doanh nghiệp TP. HCM đã thực hiện phương án này!

  • Bất lợi cho thương mại phân phối.

Việc vị trí cảng nằm xa thị trường tiêu thụ cũng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của doanh nghiệp TP. Chi phí vận tải cao cộng với thuế và các chi phí khác đã làm cho giá thành hàng hóa nhập khẩu kém cạnh tranh so với các đô thị khác trong khu vực như Singapore, Bangkok, HK.... Những nơi này, họ qui hoạch nơi xuất/nhập khẩu, nơi sản xuất, nơi tiêu thụ, được bố trí hợp lý và có giao thông kết nối thuận lợi, kết hợp với chính sách tốt nên chi phí kinh doanh thấp, giá bán do vậy luôn rất cạnh tranh. Ai đã đi du lịch nước ngoài đều nhận ra điều này.

  • Tài chính khó mà phát triển.

Và một khi hoạt động sản xuất, thương mại không có điều kiện để phát triển thì hoạt động tài chính-ngân hàng sẽ theo đó mà bị hạn chế tương ứng.

Vậy đâu là cái lỗ hổng của chiến lược phát triển TP HCM, nếu có?

Theo tôi thì các quốc gia khác họ "đẩy" các hoạt động kinh tế bậc thấp như lao động chân tay, bẩn, ô nhiễm như: sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên, cung cấp nguyên phụ liệu, gia công, lắp ráp... cho các nước kém phát triển để tập trung vào những hoạt động kinh tế bậc cao như: R&D, thiết kế, kinh doanh vốn, kinh doanh sở hữu trí tuệ, dược, công nghiệp trình độ khoa học cao... Còn TP của chúng ta, khi chưa phát triển lên được kinh tế bậc cao, mà đã vội phá bỏ đi những cơ sở hạ tầng của kinh tế bậc thấp, làm mất đi những lợi thế cạnh tranh vốn đã giúp thành phố phát triển trong quá khứ.

Câu hỏi (thay cho kết luận).

Khi mà cảng biển mất lợi thế về vị trí, sân bay quốc tế thì sẽ dời đi nơi khác, vận tải đường bộ thì bị ùn tắc, vậy đâu là động lực để TP HCM phát triển trong các năm đến? Dựa trên lợi thế cạnh tranh nào?

Đỗ Hòa
Tinh Hoa Quản Trị

Login Form