(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ chế trách nhiệm tập thể, theo đó, quyết định tối cao đối với công ty được chia sẻ cho một số người chứ không tập trung vào một cá nhân.

Từ quan điểm truyền thống “thuận vợ thuận chồng”

Quan điểm “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” được nhiều doanh nhân Việt Nam vận dụng trong hệ thống quản lý doanh nghiệp. Tôi ủng hộ quan điểm này, nhưng tôi nghĩ có thể nhiều người quên rằng quan điểm “thuận vợ thuận chồng” nằm trong một cấu trúc hệ thống gia đình truyền thống, hoặc là “phụ hệ” hoặc là “mẫu hệ”, tức là phải có người đưa ra quyết định cuối cùng.

Thường thì trong một công ty gia đình, người chồng phụ trách một số mảng như sản xuất, kinh doanh, nhân sự, kỹ thuật..., còn người vợ phụ trách các mảng như tài chính, thu mua - hợp đồng... Một số công ty do nhóm bạn hợp tác thành lập cũng phân công theo cách tương tự.

Việc phân công, phân quyền, chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau gánh vác công việc là điều bình thường, nó là nguyên tắc cơ bản của hệ thống quản lý doanh nghiệp.

Đến nguyên tắc quản lý khoa học

Tuy nhiên, sự phân công phân quyền phải đảm bảo nguyên tắc hình thác đổ, theo đó, các tầng dưới có thể xòe rộng với nhiều vị trí và kéo dài với rất nhiều tầng, nhưng tầng cao nhất vẫn phải là một vị trí, tức là trách nhiệm cá nhân ở tầng cao nhất. Rắc rối xảy ra với nhiều công ty vì họ không đảm bảo nguyên tắc này.

Nhiều công ty có cấu trúc thượng tầng với trách nhiệm tập thể, tức là nhiều hơn một người chịu trách nhiệm cuối cùng. Lý do mà người ta đưa ra cho việc không để một người đưa ra quyết định cuối cùng là nhằm giảm thiểu rủi ro. Họ cho rằng sau khi một người quyết định mà có một (hoặc nhiều) người khác xem lại thì sẽ ít phạm sai lầm hơn. Tôi cho rằng đây là một nhận thức không đúng.

Thực tế là không bao giờ những người có quyền hạn cuối cùng ấy có trình độ hiểu biết như nhau về một vấn đề, do xuất thân và trải nghiệm khác nhau. Hơn nữa, tính cách mỗi người khác nhau cũng dẫn đến những quyết định khác nhau. Chẳng hạn, người dạn dĩ sẽ quyết định khác với người nhát gan; người có tư duy logic sẽ quyết định khác với người nặng tình cảm...

Khi một quyết định tập thể không đưa đến hiệu quả như mong đợi

Thực tế là khi có hai người có quyền quyết định ngang nhau thường dẫn đến những cuộc tranh cãi bất tận, không thể phân xử được ai đúng hơn ai. Tình trạng này kéo theo sự bê trễ, dùng dằng, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Và khi mà cấp cao nhất còn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng thì bên dưới hoặc sẽ án binh bất động, hoặc sẽ ứng xử theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Khi mà mình không phải là người có quyết định cuối cùng thì chẳng ai dại gì chịu trách nhiệm cá nhân. Ngay cả khi đó là một sai lầm nghiêm trọng thì với cơ chế trách nhiệm chung, những người trong doanh nghiệp cũng không thể quy trách nhiệm cho một cá nhân. Mọi người sẽ đổ lỗi cho nhau.

Trong nhiều công ty gia đình, chuyện nhân viên hàng ngày phải chứng kiến ông bà chủ cãi nhau là chuyện thường ngày. Có nơi, chuyện ấy xảy ra công khai trước mặt nhân viên, có nơi thì xảy ra sau cánh cửa khép kín nhưng mọi người đều có thể biết được từ bên ngoài. Có nơi, các thành viên công khai tạo phe cánh: phe bà, phe ông, phe cậu cả... và mỗi thành viên đều chăm bẳm chăm sóc phe cánh của mình. Hễ bà mà tăng lương cho người “thân cận của bà” thì y như rằng sau đó, “đệ tử của ông” cũng được tăng lương tương ứng. Có nơi sự chia rẽ xảy ra kín đáo nhưng cũng có nơi xảy ra công khai và thậm chí rất kịch liệt, bên này mà làm việc gì thì bên kia không hợp tác hoặc cố tình làm khó nhằm làm giảm uy tín của nhau.

Hậu quả không chỉ là công việc làm ăn

Hậu quả của việc không ai chịu chấp nhận sai lầm là sẽ không có việc kiểm điểm và sửa chữa, do vậy, rất có khả năng sai lầm ấy sẽ được lặp lại. Doanh nghiệp sẽ khó mà hoạt động hiệu quả và tiến bộ nhanh trong tình trạng như vậy.

Về mặt quan hệ, nhiều doanh nghiệp gia đình sau một thời gian vận hành với cơ chế quyền lực như vậy đã nhận ra tình trạng người này “ngáng chân” người kia là không ổn, nên người vợ (hoặc chồng) phải tìm mọi cách để vô hiệu hóa quyền của người kia. Có nơi hai người thỏa thuận tách ra thành hai doanh nghiệp độc lập nhưng cũng có nơi vợ (hoặc chồng) phải dùng quyết định hành chính để loại bỏ quyền lực của nhau.

Phong cách quản lý kiểu trách nhiệm tập thể này thường dẫn đến cảnh vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt. Những tranh cãi trong công việc theo họ vào tận phòng ngủ, nhiều trường hợp tan nát gia đình. Trách nhiệm không rạch ròi cũng thường làm cho sự hợp tác làm ăn giữa những người bạn thân khó kéo dài. Bạn bè xích mích rồi chia rẽ, kết cục là mất bạn.

Tóm lại, quản trị doanh nghiệp ngày nay không chấp nhận cấu trúc hợp tác 50/50. Thay vào đó, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có một bên (do một người đại diện) có quyền đưa ra quyết định cuối cùng đối với tất cả các vấn đề của tổ chức, của doanh nghiệp.

Đỗ Hoà
Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị

Login Form