Cái thế của TGDĐ quả là không dễ, dù hiện tại thì họ đang rất mạnh, hiệu quả kinh doanh rất ổn so với nhiều ngành khác. Nếu ai chịu khó suy nghĩ sâu, nhìn lâu dài một tí thì sẽ thấy lo lắng cho doanh nghiệp này.

Chuỗi cửa hàng thegioididong.com và ĐMX về lâu dài thì sẽ không còn là con bò sữa của TGDĐ như trong quá khứ, bởi vì:

- Hai chuỗi này xưa nay mạnh về kênh truyền thống nhờ người Việt vẫn còn thói quen mua bán trực tiếp.
Tuy nhiên thói quen mua sắm của khách hàng đang thay đổi dần theo sự phát triển của công nghệ. Kênh bán lẻ truyền thống đang bị thu hẹp dần, trong khi kênh online thì đang tăng dần lên. Ở các nước phát triển, không chỉ điện máy mà nhiều ngành bán lẻ truyền thống khác cũng đang phải đóng cửa dần các điểm bán lẻ truyền thống để chuyển sang online.

- Kèm theo đó là sự xuất hiện của các đối thủ bán lẻ nước ngoài (Nhật, HQ, Thái, TQ...) trên thị trường VN trong thời gian qua. Các đối thủ ngoại này hiện diện cả vừa kênh truyền thống lẫn kênh online. Và các ông chủ nước ngoài mới chắc chắn là không muốn sự hiện diện của các cửa hàng TGDĐ, một đối thủ, trong chuỗi bán lẻ truyền thống của mình.

Như vậy, kênh bán điện máy mà TGDĐ mạnh là truyền thống, thì qui mô đang bị thu hẹp dần, trong khi đó sự tham gia của các đối thủ ngoại đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên cả hai kênh online và truyền thống.

Và theo tôi, thị trường điện máy sẽ đi dần theo hướng ai kiểm soát được nguồn cung thì sẽ chiến thắng. Và nói về nguồn cung điện máy thì lợi thế tuyệt đối đang thuộc về các đối thủ ngoại.

Riêng kênh online thì TGDĐ sẽ phải đối đầu với một đối thủ rất khó chịu, đó là: Alibaba, người vừa thâu tóm Lazada.

Thêm vào đó, dù đang rất mạnh nhưng mảng kinh doanh thiết bị di động online lẫn truyền thống của TGDĐ đang có một tử huyệt. Tử huyệt này có thể dẫn đến đột tử của TGDĐ đối với mảng điện tử, mobile này.

Đó là vì phần lớn doanh thu và lợi nhuận của TGDĐ hiện đang phụ thuộc vào một số đối tác cung cấp TQ. Chỉ cần 1 đối tác lớn ngưng hợp tác phân phối với TGDĐ, thì tôi tin rằng mảng này sẽ chuyển từ lãi sang lỗ ngay.

Và tôi cho rằng khả năng để điều này xảy ra là khá cao, chỉ là vấn đề thời gian. Khả năng xảy ra khi Lazada, Alibaba thâm nhập vào sâu hơn, và độ phủ kênh rộng hơn thì điều này sẽ xảy ra. Họ chỉ cần ưu ái chiết khấu cao hơn cho Alibaba, Lazada (thường do đơn hàng lớn hơn, do quan hệ làm ăn nhiều ngành hàng khác, hay kể cả do áp lực chính trị từ quốc gia gốc ...) là TGDĐ sẽ gặp khó ngay.

Tôi nhớ trong một status trước đây, tôi nói có thể tương lai TGDĐ sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư TQ. Nhưng trước khi ra tay thâu tóm, họ sẽ phải tìm cách làm cho TGDĐ quị xuống!

Vậy nếu bạn là CT của TGDĐ, khi nhìn về tương lai, bạn có cảm thấy lo lắng không?

Ngay cả tôi, không dính dáng gì mà vẫn cảm thấy lo. Chính vì lo cho họ mà tôi viết những bài phân tích để cảnh báo họ.

Phân tích như trên để thấy rằng TGDĐ vội vã trong việc tìm cơ hội kinh doanh mới, diversify danh mục của mình với hy vọng giảm thiểu rủi ro, bù đắp những giảm sút lợi nhuận có thể nhìn thấy trước của ngành hàng chủ lực, là điều dễ hiểu.

Vấn đề là khi bước ra khỏi vùng comfort zone của mình, thì mình sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Những rủi ro khách quan thì đành chấp nhận, nhưng những rủi ro về mặt chủ quan, như những yếu kém, những điểm hạn chế về nội tại doanh nghiệp thì phải tìm cách hóa giải.

Và với những rủi ro nội tại thì thường người trong nội bộ khó nhìn ra, mà phải là người ngoài, người đã từng trải, mới có thể nhìn thấy. Và đó là cơ hội để những người như chúng tôi có thể chia sẻ, phản biện mà đóng góp cho doanh nghiệp này.

Dù tôi thua anh Tài nhiều thứ, nhưng tôi tin là tôi có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh đa ngành hơn anh Tài. Tôi tin là tôi hiểu các đối thủ khu vực, đối thủ quốc tế hơn anh Tài bởi tôi sống trong lòng họ lâu hơn, công việc của tôi cũng trực tiếp tiếp xúc với chiến lược của họ nhiều hơn a Tài.

Trước mắt, tôi nghĩ Dược không phải là mảng mà TGDĐ có thể kỳ vọng như là một giải pháp "quick win".
Còn BHX thì tôi cho là một long-term game. Ngành bách hóa thì trông có vẻ an toàn hơn về mặt chiến lược, vì ít lệ thuộc nguồn cung TQ hơn.
Nhưng bán lẻ bách hóa thì không ai nói dễ làm, bởi nó cũng là một thị trường mở cửa, nên cạnh tranh là rất cao.

Tôi cho là nếu muốn chiến thắng trên thị trường bách hóa, tạp hóa, thì TGDĐ cần phải có sự điều chỉnh về mặt nội bộ.
Trước tiên là về mặt quan điểm. Không nên nghĩ rằng mình bán lẻ điện thoại được thì cũng sẽ bán lẻ bách hòa, rau cá thịt được.
Hãy quên ý nghĩ này đi, để mong tìm ra một cách tiếp cận hoàn toàn khác phù hợp hơn, mà không bị bias bởi những kinh nghiệm cũ. Bởi hai ngành này không mấy liên quan, nên nếu dùng kinh nghiệm, knowledge cũ thì lợi ít, hại nhiều.

Muốn thế thì phải xem xét yếu tố con người phù hợp (đặc biệt là leadership team). Về chiến lược, thì nếu thấy chiến lược cũ không phù hợp, thì hãy mạnh dạn bỏ đi để xây dựng lại bằng những con người mới có năng lực kinh doanh mảng này. Trong đó supply chain phải là một mảng chính trong nội hàm chiến lược mới này.

Còn về bộ máy tổ chức thì phải độc lập hoàn toàn với mảng điện thoại, để có thể xây dựng được một team có văn hóa phù hợp hơn với kinh doanh bách hóa, thực phẩm. Tức là rất open, chấp nhận sự đa dạng, sự khác biệt, không quá cứng nhắc, không ỷ lại về kỹ thuật, công nghệ... mà tập trung xoay quanh yếu tố "làm dâu trăm họ".

Nếu không làm được như trên (có thể do tổ chức chưa sẵn sàng, do không có đủ thời gian...), thì có lẽ nên nhấn nút exit. Xem bách hóa thực phẩm và dược như là một bài học.
Tìm một mảng khác phù hợp với năng lực và văn hóa của tổ chức mình hơn để mà làm lại.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Comments powered by CComment

Login Form