Mới mấy hôm trước đây thôi, báo đài tràn ngập các tin tức tích cực về kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thuộc vào hàng cao của thế giới, trong khi lạm phát thì thấp nhất, vĩ mô ổn định, xuất khẩu thặng dư và tăng cao hơn cùng kỳ .v.v. 

Vậy mà bây giờ báo chí đăng tải khá nhiều thông tin công nhân không có việc làm phải về quê sớm do nhà máy không có đủ đơn hàng phải cắt giảm công nhân. 

Thông tin này có thể là bất ngờ đối với nhiều người, nhưng không với chúng tôi. Tình hình đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm sút cho cả FDI lẫn kinh tế tư nhân chúng tôi đã phân tích và chia sẻ tại các hội nghị và trang tin cá nhân rồi.

Tôi có thể tóm tắt lại như dưới đây để các anh chị doanh nghiệp tiện theo dõi:

  1. VN được hưởng lợi từ supply chain disruption của thế giới.
    Trong con số tăng trưởng của năm 2021, có một số đơn hàng được chuyển từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Tình trạng này xảy ra là do đứt gãy chuỗi cung cấp với nguyên nhân là do dịch CoVid-19, và phương thức ứng phó với dịch của từng nước. 
    Điều này có nghĩa là sau khi dịch qua, chuỗi cung cấp thế giới sẽ được kết nối trở lại, thì số đơn hàng này sẽ không còn, nó trở về với các nhà máy ở Trung Quốc.
  2. Thế giới điều chỉnh supply chain strategy.
    Cũng vì đứt gãy chuỗi cung cấp khiến một số quốc gia thay đổi chiến lược cung cấp, dẫn đến các tập đoàn phải điều chỉnh chiến lược chuỗi cung cấp.
    Chẳng hạn như các tập đoàn của Mỹ, trước đây họ ưu tiên đặt hàng từ các nhà máy ở những vùng có phí gia công thấp, thường nằm ở những nước xa so với thị trường tiêu thụ là Mỹ.
    Nay, rút kinh nghiệm từ sự cố đứt gãy cung cấp vừa qua, họ điều chỉnh supply chain strategy, đưa sản xuất đến gần thị trường hơn nhằm để giảm thiểu rủi ro đứt hàng như vừa qua. Đặc biệt đối với Mỹ là thị trường lớn số 1 của VN, sự điều chỉnh chiến lược này được khuyến khích bởi chính sách tự chủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của chính phủ Mỹ. Theo đó, hàng loạt tập đoàn đầu tư xây dựng nhà máy ở Mỹ và các quốc gia gần Mỹ.
    Điều này có nghĩa là sản lượng xuất đi Mỹ từ các nhà máy thuộc khối FDI và doanh nghiệp VN ở Việt Nam đối với một số mặt hàng sẽ giảm dần trong thời gian đến.
    3. Lạm phát, chênh lệch tỉ giá.
    Trong khi ở các quốc gia cạnh tranh với VN có tỉ lệ lạm phát cao, đồng tiền của họ mất giá nhiều hơn so với đô la, thì ở VN đồng tiền VND được giữ ở mức khá "ổn định", mức độ mất giá của đồng tiền là khá thấp so với các quốc gia khác.
    Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất đi từ các quốc gia cạnh tranh kia sẽ trở nên rẻ hơn so với hàng hóa xuất đi từ VN. Dẫn đến các nhà mua quốc tế giảm đơn hàng từ VN để chuyển sang các nước có giá cạnh tranh hơn.
    4. Giá dầu cao.
    Giá dầu cao có nghĩa là chi phí vận tải cao. Đặc biệt là đối với cước vận tải biển, giá dầu cao đã khiến cước vận chuyển trở thành một phần đáng kể trong bảng tính giá thành của các doanh nghiệp.
    Đặc biệt đối với VN, khi mà các nhà máy ở VN nằm khá xa so với thị trường tiêu thụ (Mỹ, EU).
    Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp ở VN sẽ mất một số đơn hàng vào tay các nhà cung cấp trong vùng gần với thị trường tiêu thụ. Trước đây, các nhà cung này kém cạnh tranh hơn các nhà cung VN vì giá thành nhân công của họ cao hơn ở VN. Nay thì sự chênh lệch về cước phí vận tải đã giúp họ quân bình trở lại, và trở nên cạnh tranh hơn.
    5. Diễn biến về cầu của thị trường không thuận lợi.
    Diễn biến 3 và 4 trên, kết hợp với tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Châu Âu đã làm tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
    Dưới áp lực của mối đe dọa của chiến tranh chực chờ bùng nổ, với lạm phát phi mã và tiền đồ kinh tế không sáng sủa, đã khiến thị trường này trở nên nhạy cảm về giá hơn (price sensitive). Người tiêu dùng ở những thị trường này giờ đây nhìn giá trước, chứ không chỉ ưu tiên chất lượng, hình dáng sản phẩm như trước đây.
    Trong khi đó tại thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam thì chính phủ Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách chống CoVid cực đoan: đóng cửa để chống dịch. 
    Và nếu TQ có mở cửa sau này thì sức cầu của thị trường này chắc chắn cũng sẽ giảm so với trước đây. Lý do là vì cũng Trung Quốc cũng không khác bức tranh kinh tế suy giảm chung của thế giới.
    Vì kinh tế suy giảm, chính phủ TQ sẽ lại phải hạn chế hàng nhập khẩu để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
    Và điều này có nghĩa là cầu từ thị trường Trung Quốc có thể cũng sẽ giảm so với trước đây.

Trong tình hình này, chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế thế giới và đặc biệt là tại các thị trường của mình. Nhằm để có thể chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra. Chúng ta cần một chiến lược thích nghi, linh hoạt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà nhiều chuyên gia thế giới cho là sẽ kéo dài qua đến 2025.

Đỗ Hòa - nangluclanhdao com

Login Form