Chiến lược địa phương (cấp tỉnh, thành phố) là một giải pháp tổng thể, một chính sách mang tính định nền tảng, có hiệu lực lâu dài mà mỗi địa phương cần trong quá trình xây dựng và phát triển của địa phương mình.

Tại sao mỗi địa phương đều cần phải có Chiến lược riêng cho địa phương mình?

Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều địa phương (tỉnh, thành phố, đặc khu) tỏ ra lúng túng trong việc xác định định hướng xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mình. Nhiều địa phương liên tục thay đổi quan điểm và định hướng trong việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của địa phương mình. Họ dịch chuyển định hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp sản xuất, và rồi từ công nghiệp quay sang thương mại - dịch vụ... Cứ thế, cứ mỗi nhiệm kỳ là một định hướng mới.

Tình trạng nầy, theo chúng tôi là do công tác hoạch định kế hoạch hoạt động của chính quyền địa phương thiếu một tầm nhìn lâu dài. Những thay đổi mang tính nhiệm kỳ dẫn đến sự kém hiệu quả, lãng phí ngân sách và nguồn lực địa phương. Vì mỗi lần thay đổi định hướng, chúng ta lại phải thay đổi qui hoạch, lại phải cải tạo, thay đổi cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Và nếu cứ thay đổi định hướng liên tục thì không bao giờ kinh tế địa phương có thể phát triển bền vững được.

Muốn phát triển bền vững, thì các ngành kinh tế địa phương phải có lợi thế so sánh so với các địa phương khác. Và muốn có lợi thế thì phải xác định đúng những động lực phát triển phù hợp với đặc thù địa phương và phải kiên định đầu tư lâu dài.

Tại sao không nên bắt chước các địa phương khác?

Mỗi địa phương đều có những đặc thù rất riêng, không bao giờ có trường hợp hai địa phương có các điều kiện vị trí địa lý, thổ nhưỡng, tài nguyên, văn hóa, tập quán, trình độ và năng lực con người.. giống nhau. Nên không thể bắt chước những gì một địa phương khác đã làm tốt, để áp dụng một cách máy móc cho địa phương mình.

Thứ nữa, lợi thế cạnh tranh muốn bền vững, thì phải là sự độc đáo, dựa trên những đặc thù của địa phương. Do vậy, phải được hoạch định ngay tại địa phương, dựa trên những đặc thù của chính địa phương ấy.

Đảo quốc Singapore đã có một quá trình phát triển thần kỳ từ một làng chài nhỏ, trong khi ngay cạnh bên Malaysia cũng đầu tư xây một cảng lớn nhưng không thể phát triển được như Singapore, và là một ví dụ.
Ví dụ nầy nói lên lí do tại sao mỗi địa phương cần có một chiến lược khác biệt cho riêng mình. Những gì nơi khác thực hiện thành công, chỉ là để tham khảo, trước khi áp dụng thì phải cân nhắc kỹ xem có phù hợp với đặc thù của địa phương mình hay không.

Ai chủ trì việc hoạch định Chiến lược cho địa phương?

Như đã nói ở trên, chiến lược địa phương là một giải pháp tổng thể, là một chính sách mang tính định hướng lâu dài thể hiện ý chí, tầm nhìn của người đứng đầu, nên bên cạnh vai trò tham mưu của bộ phận chuyên trách, cần có sự tham gia trực tiếp của các cấp lãnh đạo có quyền lực quyết định cao nhất của địa phương.

Cần gì để có thể hoạch định chiến lược địa phương?

  • Cần một nền tảng kiến thức và trãi nghiệm về kinh tế, kinh doanh đa dạng, cần phân tích để làm nổi bật lên những đặc thù về phương diện kinh tế của địa phương, cả về mặt thuận lợi lẫn hạn chế.
  • Cần hiểu biết quốc tế và khu vực sâu rộng, nhất là đối với những quốc gia có nền tảng kinh tế tương đồng với VN, đi trước VN vài chục năm, để có thể vạch ra con đường phát triển, dựa trên sự phát huy tối đa những điều kiện, đặc thù của địa phương, kết hợp với việc tận dụng, tranh thủ chiến lược và chính sách vĩ mô của quốc gia.

Đỗ Hòa - Tư Vấn Chiến Lược

Login Form