Trong khi có một số nơi ứng dụng OGSM và nói nó là chiến lược, thì trên trang web của công ty tôi, một công ty tự cho là chuyên về chiến lược và quản lý thì lại không có bài nào nói về OGSM! (hình tôi search trang web của mình) 

Tôi xin nói lý do vì sao.

Sự ra đời của OGSM

OGSM được phát triển từ những năm 50'. Thời đó việc hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp còn ở giai đoạn "Hoạch định dựa trên ý muốn của bên trong doanh nghiệp".
Tức là lãnh đạo doanh nghiệp muốn đạt được gì, nghĩ rằng mình cần phải làm gì, thì đề ra mục tiêu như vậy, để cả công ty theo đó mà triển khai các hoạt động của doanh nghiệp.

Mặt hạn chế của OGSM

Sau này người ta thấy cách hoạch định kinh doanh như trên là có nhiều mặt hạn chế. Chẳng hạn nó không trả lời được những câu hỏi rất cơ bản sau đây:

  • Thời thế như này có thuận lợi cho việc kinh doanh của mình? Nên ưu tiên tập trung đầu tư vào mảng nào trong các mảng kinh doanh của mình?
  • Tại sao tôi chọn thị trường này mà không chọn thị trường kia?
  • Khách hàng của tôi là ai? Họ cần gì?
  • Đối thủ của tôi là ai? Lợi thế và điểm yếu của họ là gì? Họ định làm gì với tôi?
  • Năng lực của tôi là gì? Tôi lấy gì để cạnh tranh lại các đối thủ?
  • Các đối tác của tôi có đáp ứng được, có phù hợp với cách "chơi" của tôi hay không? v.v...

Sự ra đời của các công cụ thay thế

Vì sau này người ta rút ra thêm rằng, khi hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp, thì phải cân nhắc những biến động từ môi trường vĩ mô (thời thế), phải cân nhắc yếu tố cạnh tranh (đối thủ), phải dựa trên tình hình, điều kiện của các đối tác (nguồn cung, kênh, logistics ...), và đương nhiên là phải nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, cũng như là nhu cầu của khách hàng, rồi còn phải cân lại với năng lực của mình, rồi mới đề ra chiến lược kinh doanh!

Và người ta thấy OGSM không còn phù hợp. Để thay thế OGSM, người ta xây dựng những công cụ khác phù hợp với phương thức hoạch định mới, chẳng hạn như strategy mapping, BSC ...

Tóm lại

Tôi nghĩ các anh chị muốn dùng OGSM cũng OK. Nhưng cần nhớ rằng OGSM là một khung hướng dẫn, một công cụ giúp triển khai chiến lược, nó không phải là một chiến lược.

Vậy trước khi đưa nội dung vào các cột của OGSM, mình phải thực hiện các công việc phân tích, cần cân nhắc cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài (như tôi đã giải thích ở trên). Rồi từ đó mới rút ra những định hướng phù hợp cho mình, để mà đưa vào khung OGSM.
Tôi nghĩ làm như thế thì sẽ ổn hơn.

Dù sao thì đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, một nhà tư vấn chiến lược.
Tôi thấy một số nơi các anh chị dùng khung OGSM để triển khai hoạt động doanh nghiệp mà không dựa trên một chiến lược kinh doanh nào cả. Rồi khi không hài lòng với kết quả kinh doanh, có người nói tại cái này kém hiệu quả, cái đó dở cái này hay hơn v.v... nghe có vẻ không ổn.
Công ty mình kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, có phát triển lớn mạnh được hay không, trước hết là do chiến lược của mình hay hay dở. 
Kế đến là nếu chiến lược hay thì vẫn còn tuỳ vào khâu thực thi: năng lực đội ngũ, nguồn lực công ty, khả năng lãnh đạo của người đứng đầu, và công cụ hỗ trợ thực thi (OSGM) ...

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Comments powered by CComment

Login Form