Tái cấu trúc được xem như "xóa bài chia lại", sắp xếp lại mọi thứ, là hành động mang tính chiến lược của doanh nghiệp.

Tái cấu trúc là sự thay đổi, điều chỉnh cần thiết về mặt cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mới của hoạt động kinh doanh, hay nhằm khắc phục những yếu kém, hạn chế gây ra bởi mô hình cấu trúc hiện hữu, hay đơn giản là chỉ đê tạo động lực mới cho doanh nghiệp.

Khi nào thì một doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc?

Ở các nước phát triển, cứ mỗi vài ba năm các tập đoàn lớn lại thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nói chung thường thực hiện tái cầu trúc khi xãy ra những điều kiện sau:

  • Khi hoạt động kém hiệu quả.

Một khi doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả mà một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả được xác định là do cấu trúc tổ chức không phù hợp, do vậy cần phải tái cấu trúc lại để doanh nghiệp có động lực cải thiện hiệu quả hoạt động.

  • Khi có sự thay đổi cơ bản trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Khi doanh nghiệp phát triển mở rộng thêm ngành hàng mới, hoặc khi phải giảm bớt, thu hẹp lại danh mục các ngành hàng, mặt hàng, cấu trúc tổ chức cũ do vậy cần phải được tái cấu trúc lại cho phù hợp với danh mục kinh doanh mới.

  • Khi có sự thay đổi đáng kể về qui mô hoạt động kinh doanh.

Khi doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển thêm thị trường mới ở những vùng xa hơn so với nơi đặt đại bản doanh công ty mẹ, là khi mà hoạt động sản xuất, bán hàng, nhân sự, logistics... phải tăng theo, dẫn đến cấu trúc tổ chức cũ không còn phù hợp.

  • Khi doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh.

Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh nhiều lần tùy vào từng giai đoạn của thị trường. Từ các mô hình tham gia sâu và xuyên suốt chuỗi giá trị, cho đến các mô hình kinh doanh mang tính đầu tư như đầu tư tài chính, cấu trúc tổ chức doanh nghiệp do vậy cần phải được tái cơ cấu lại cho phù hợp với mô hình kinh doanh của từng thời kỳ.

  • Khi cần tạo ra động lực mới.

Để liên tục phát triển, đảm bảo tạo ra lợi nhuận đáp ứng kỳ vọng của cổ đông, doanh nghiệp cần tạo ra động lực cho đội ngũ nhân viên. Tái cấu trúc là một hoạt động tạo ra động lực to lớn cho bộ máy doanh nghiệp.

Đỗ Hòa - Tư Vấn Quản Lý

Login Form