Xin chia sẻ một số suy nghĩ của tôi về địa phương này mà tôi nắm bắt được trong vài lần đi qua và tiếp xúc trong 2, 3 năm gần đây.
Sau làn sóng phát triển khá hấp dẫn của Đà Nẵng, Bình Định được cho là điểm đến kế tiếp, và đã thu hút được khá nhiều đầu tư vào mảng BĐS, hospitality, khu công nghiệp, khu kinh tế...
Hầu hết tất cả những tập đoàn đầu tư lớn của VN đã có dự án tại địa phương này từ năm 2015. Một số đến nay đã triển khai và đưa vào khai thác sản phẩm. Một số thì xây dựng cầm chừng.
Tuy nhiên, phần lớn có vẻ như vẫn đang ôm đất "chờ xem tình hình thế nào", dù rằng chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng con đường mới kết nối sân bay với khu đô thị mới, và đã xây một cây cầu rất lớn, rất đẹp bắt qua đầm Thị Nại, nối trung tâm TP Qui Nhơn với bán đảo Phương Mai (hình). Cầu Thị Nại được cho là một cây cầu đóng vai trò chiến lược, khi đi vào hoạt động sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư vào khu kinh tế Nhơn hội và khu du lịch dịch vụ Phương Mai.
Dù vậy, các dự án đã đưa vào khai thác ở khu vực này không có kết quả kinh doanh như kỳ vọng.
Tại sao vậy?
Bất chấp những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tôi nghĩ ngành hospitality Bình Định khó để mà có thể đẩy lên ở một qui mô phát triển cao hơn trong ngắn hạn vì những lý do sau:
Kịch bản 1: Ngành hospitality Bình Định phát triển như một ngành kinh tế độc lập.
Để phát triển Bình Định thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng ven biển thì địa phương này phải cạnh tranh với những địa phương khác của VN có định vị tương tự. Đó là Nha Trang, Vũng Tàu ở phía Nam, và Đà Nẵng, Huế ở phía Bắc.
Vũng Tàu thì gần TPHCM, là điểm đến cũng có bãi biển và cảnh quang đẹp, được dân TPHCM ưa thích nhờ cự ly di chuyển gần, có thể đi về trong ngày hoặc nghỉ lại qua một đêm.
Nha Trang thì cũng như Vũng Tàu, đã định vị là "thành phố biển" của Miền Nam từ rất lâu, có lẽ nhờ vị trí trung lộ giữa hai thành phố lớn nhất nhì Miền Nam là TPHCM và Đã Nẵng.
Bên cạnh Nha Trang còn có Cam Ranh, một trung tâm quân sự quan trọng với sân bay và cảng nước sâu, rất tiện cho giao thông hàng hóa và đi lại.
Còn phía Bắc của Bình Định thì có Đà Nẵng, Huế. Một nơi là cố đô với những di tích lịch sử độc đáo, còn nơi kia là thành phố lớn thứ hai của Miền Nam với sân bay quốc tế và cảng biển lớn của VN.
Khu vực này còn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với những di tích được UNESCO công nhận như phố cổ Hội An và Tháp Chàm.
Huế - Đà Nẵng - Hội An kết hợp thành một cụm điểm đến du lịch, thuận tiện cho việc thiết kế chương trình cho một chuyến đi ngắn.
So sánh lợi thế cạnh tranh với những địa phương trên thì rõ ràng Bình Định có phần thua kém, thua kém ở giao thông và vị trí địa lý. Bình Đinh tuy cũng có nhiều cảnh quan đẹp, nhưng Bình Định nằm đơn lẻ một mình, không đủ độ hấp dẫn về số lượng điểm đến, cũng như tính đa dạng về loại hình. Một mình Bình Định thì không đủ để thiết kế một chuyến đi du lịch, nhưng lại quá xa để có thể gói chung vào một gói du lịch với các điểm đến khác.
Kịch bản 2: Ngành hospitality của Bình Định phát triển gắn liền với các ngành kinh tế khác.
Bình Định đã được qui hoạch với 9 khu công nghiệp (qui hoạch đến năm 2020). Tuy nhiên, để phát triển các khu công nghiệp thì không chỉ đơn giản là qui hoạch xong, mà đòi hỏi phải có những động lực đi kèm để thúc đẩy các KCN phát triển. Tự thân các khu công nghiệp không tự phát triển được.
Động lực để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh vào các KCN thì phải kể đến:
1) Thị trường tiêu thụ tại chỗ
2) Tài nguyên thiên nhiên
3) Nguồn đất rộng lớn với giá thuê rẻ
4) Vị trí gần trục giao thương quốc tế
5) Nguồn nhân lực dồi dào hoặc với giá rẻ, hoặc có chất lượng cao.
Nếu đặt Bình Định lên bàn cân để so sánh các tiêu chí trên với các địa phương cạnh tranh khác, thì rõ ràng Bình Định khó để mà có ưu thế vượt trội.
Bình Định nằm ở khu vực giáp ranh với các tỉnh có kinh tế tương đối chậm phát triển, thu nhập và sức mua thị trường còn tương đối thấp so với các địa phương khác (phía Bắc là Quảng Ngãi, phía Nam là Phú Yên).
Về tài nguyên thiên nhiên thì trước đây có gỗ là một mảng xuất khẩu mạnh của khu vực này, nhưng lợi thế đó nay đã không còn. Còn những nông lâm hải sản khác thì tôi không thấy Bình Định có gì vượt trội so với các nơi khác.
Bình Định trước đây cũng khá nổi bật về mặt giáo dục đào tạo với một số trường đại học trong khu vực. Tuy nhiên, lợi thế ấy địa phương này không giữ được, không tiếp tục phát huy được, và đến nay thì đã không còn là một lợi thế.
Còn về vị trí thì rõ ràng như phân tích trên, Bình Định tuy cũng là một tỉnh ven biển nhưng không có lợi thế nổi bật so với các địa phương khác (TPHCM, Đồng Nai, BR-VT, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... nếu xét về mặt thuận tiện cho xuất khẩu.
Vậy xét về mặt kinh tế, do bởi định vị so sánh như trên nên Bình Định sẽ chỉ phát triển sau khi các địa phương có lợi thế vượt trội khác đã phát triển và đã cạn nguồn lực (lợi thế cạnh tranh giảm).
Vậy theo kịch bản 2 thì nếu các ngành kinh tế khác mà khó phát triển, thì ngành hospitality của Bình Định cũng khó mà phát triển theo!
Tóm lại.
Tôi nghĩ chính vì những lý do trên mà cho đến nay, ngành du lịch Qui Nhơn - Bình Định vẫn chỉ thu hút được khách đi theo trục ngang, chứ khách đi theo trục dọc là rất ít. Khách du lịch đến Bình Định theo tôi biết đông nhất vẫn là khách từ các tỉnh vùng cao như Gia Lai, Kom Tum.
Vậy tiềm năng du lịch của Qui Nhơn - Bình Định có thể được dự báo hàng năm thông qua các chỉ số về mùa vụ ở Tây Nguyên. Năm nào được mùa thì khách đi chơi nhiều, mua sắm nhiều. Năm nào mùa thất bác, dội chợ, xuất khẩu giá thấp, thì doanh thu du lịch-dịch vụ của Bình Định bị tác động tương ứng.
Theo tôi thì trừ khi chính quyền tỉnh Bình Định điều chỉnh chiến lược phát triển, ngành hospitality của địa phương này có cố cũng không thể phát triển nhanh được, ít nhất là trong 5 năm đến.
Đỗ Hòa - tinhhoaquantri.com