Nếu bạn không thay đổi thế giới thì sẽ có một ai đó sẽ làm điều đó thay bạn, đó là lời dặn của các thầy ngày tiễn các bạn sinh viên rời ghế nhà trường.
Thế giới mà chúng ta đang sống thay đổi từng ngày, từng giờ. Muốn hay không muốn, mỗi giờ trôi qua, có hàng bao nhiêu sản phẩm mới, ý tưởng mới, bao nhiêu tiến bộ khoa học được ai đó tìm ra và ứng dụng vào đời sống, vào hoạt động kinh doanh.
Tôi từng và luôn muốn mình là người làm nên những thay đổi đó, chứ không thụ động ngồi nhìn người khác làm thay mình.
Nhưng muốn thay đổi thế giới, bạn cần thay đổi mình trước đã.
Bạn chỉ có thể tạo ra những thay đổi tương ứng với năng lực của bản thân mình.
Bạn tạo ra thay đổi bằng cách chủ động tìm ra cái mới hay hơn (phát minh, đổi mới sáng tạo). Nhiều nguời trẻ có thể thay đổi thế giới bằng cách này ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hoặc bạn thay đổi một phần cái đang có cho hiệu quả hơn (cải tiến). Nhiều người đang làm việc này trong các doanh nghiệp. Họ nghiên cứu cải tiến từ qui trình đến kỹ thuật, tính năng sản phẩm ... sao cho tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng và nhà đầu tư hơn.
Hoặc nếu bạn không có điều kiện để trực tiếp tạo ra thay đổi, thì bạn vẫn có thể gián tiếp đóng góp để tạo ra những thay đổi. Góp tiền, góp công, ủng hộ tinh thần, khuyến khích nguời khác làm điều tích cực cũng là cách mà bạn tạo ra thay đổi cho thế giới quanh ta.
Khao khát thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình mình.
Những năm cuối thập niên 70s, cuộc sống lúc đó rất là khó khăn. Lúc ấy tôi đang học trung học, nhưng nhìn thấy cảnh cha mẹ mình vất vả mưu sinh kiếm tiền nuôi mình, tôi chỉ muốn rời trường để làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tôi không chịu được cái cảm nhận rằng mình là gánh nặng của ai đó.
Sau khi rời trường học, tôi đã chấp nhận làm bất kỳ việc gì miễn có tiền và việc đó không vi phạm pháp luật. Tôi đã làm phụ thợ nề (thợ xây dựng), phụ bán hàng xe nước mía, đóng gói và trộn trà (chè), đứng máy xay bột sắn (củ mì), bốc vác hàng hóa ban đêm, kéo xe ba gác chở thuê hàng hóa...
Công việc tuy rất nặng nhọc, nhưng cảm giác tưởng thưởng mà tôi có được lúc ấy là mình không còn là một gánh nặng đối với cho mẹ, rằng mình có điều kiện để thực hiện trách nhiệm của người anh trong gia đình: hỗ trợ đóng tiền trường, mua đồng phục để em mình được tiếp tục đi học.
(còn tiếp)
Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị