Vào năm 2002 khi đang giữ một vị trí về marketing ở Shell, được công ty đào tạo và được tiếp xúc sâu với hoạt động marketing của thế giới, tôi chợt nhận ra rằng có một khoảng cách khá lớn về kiến thức, trình độ marketing và nhận thức về thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp ở các nước tư bản.
Còn nếu so với các tập đoàn lớn, chẳng hạn như tập đoàn Shell nơi tôi đang công tác lúc ấy, thì sự quan tâm và đầu tư cho mảng thương hiệu, marketing của các doanh nghiệp VN là quá thấp, chẳng thấm vào đâu so với người. Tôi thấy VN chúng ta đi sau thế giới khá xa trên lĩnh vực này.
Trong khi đó, ở trong nước, ngay cả nhận thức về marketing và thương hiệu trong giới truyền thông, thì lúc ấy đã có một sự ngộ nhận.
Mỗi khi viết về xây dựng thương hiệu, các báo thường phỏng vấn các agency (các công ty dịch vụ quảng cáo), và đăng ý kiến trả lời của các agency. Theo đó, họ nói các doanh nghiệp Việt rất ít quan tâm đến xây dựng thương hiệu, bằng chứng là rất ít doanh nghiệp thuê agency làm quảng cáo.
Điều này dẫn đến sự ngộ nhận trong giới doanh nghiệp rằng quảng cáo là xây dựng thương hiệu, muốn xây dựng thương hiệu thì phải bỏ tiền ra làm phim quảng cáo. Còn ai không có tiền làm quảng cáo thì coi như không xây dựng thương hiệu.
Lúc ấy tôi đã phải tự hỏi, mình có thể làm gì để giúp xóa tan đi sự ngộ nhận, làm gì để góp phần nâng tầm nhận thức và sự hiểu biết trong giới doanh nhân và doanh nghiệp về marketing, thương hiệu?
Vậy là trang web marketingchienluoc.com ra đời.
Bắt đầu tôi lò mò tìm cách học thiết kế trang web, và tôi đã bắt đầu tự học sử dụng Macromedia Dreamweaver để tự thiết kế web.
Dreamweaver là một phần phần mềm rất hay cho việc thiết kế web, nhưng cũng rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Lò mò một thời gian thì tôi cũng tự thiết kế được một trang web tĩnh (nội dung cố định, không có tính năng tương tác).
Ban đầu trang web được đưa lên với một tên miền khác mà tôi mua thông qua FPT, nhưng sau một thời gian khi tôi gia hạn tên miền với FPT, thì FPT quên mua gia hạn với nhà cung cấp domain ở nước ngoài, nên tôi bị mất quyền sở hữu đối với tên miền ấy trong 3 tháng (họ phạt FPT vì gia hạn chậm).
Vậy là, tôi đã tìm cách tự cứu mình. Tôi quyết định không chờ FPT nữa, mà mày mò tự mua domain đuôi com trực tiếp từ nước ngoài, và cuối cùng thì tôi cũng mua được tên miền marketingchienluoc.com, chienluocmarketing.com
Thời gian sau đó, tối tối sau khi đi làm từ công ty về, tôi ngồi trước máy tính đến khuya để soạn nội dung để chia sẻ lên trang Marketing Chiến Lược. Vợ tôi lúc đầu cũng đã thắc mắc "ổng làm gì trên internet mà tối nào cũng thức rất khuya".
Thời gian đó phải nói là do marketing còn quá mới mẻ, nên nhìn đi nhìn lại thì trang web Marketing Chiến Lược của tôi là trang chuyên đề Marketing đầu tiên bằng Tiếng Việt.
Nội dung trang web thì ngoài những bài tôi tự soạn, tôi còn chia sẻ những nội dung tôi mua từ Mckinsey Quarterly, HBR, AMA, MarketingProfs... lên trang web trong phần bài tham khảo Tiếng Anh.
Sau này, khi mà Marketing đã trở nên khá phổ biến, cộng đồng cũng đã có nhiều trang web, blog, forum về marketing. Các báo cũng bắt đầu có những bài viết về marketing có giá trị cao, nên ngoài nội dung do tự soạn thảo, chúng tôi bắt đầu sưu tầm những bài viết của người khác được chia sẻ trên internet để chia sẻ lại trên trang web này.
Khi chia sẻ bài viết của người khác, từ nguồn khác, chúng tôi có một nguyên tắc là tôn trọng bản quyền của tác giả bằng cách ghi rõ tên người viết, nguồn đăng, nếu thông tin ấy có sẵn. Chúng tôi cũng sẵn sàng hạ bài xuống nếu tác giả hay nguồn đăng có yêu cầu.
Rất may là từ ngày hoạt động đến nay, chúng tôi chưa hề nhận được yêu cầu hay khiếu nại nào về nôi dung sưu tầm này.
Ngược lại, chúng tôi nhận được khá nhiều bài do các anh chị em nghiên cứu, nhiều chuyên gia tên tuổi, tự viết và gởi đến cho chúng tôi để đăng tải trên trang web Marketing Chiến Lược.
Sau một thời gian, khi mà số lượt truy cập vào trang web tăng lên, nhận thấy có nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật và an ninh của trang web với source code do mình tự viết, nên tôi chuyển sang dùng phpwebsite, một bộ nguồn web chia sẻ miễn phí do một nhóm IT viết thuê cho trường Appalachian State University, và được trường đại học này cho phép chia sẻ ra công đồng, trước khi tôi chính thức chuyển sang dùng source code mua, để dùng cho trang web.
Sau một thời gian vận hành, trang Marketing Chiến Lược được nhiều người biết đến như là một nguồn thông tin học tập và tham khảo về marketing, chiến lược, thương hiệu, trang web được các thầy cô dạy quản trị kinh doanh trong các trường đại học giới thiệu và khuyên sinh viên nên đọc và tham khảo.
Từ ấy, lượt truy cập tăng cao, dữ liệu bài vở cũng tăng lên theo thời gian, các nhà cung cấp dịch vụ host bắt đầu từ chối lưu trữ trang web Marketing Chiến Lược của tôi, vì nó ngốn nhiều băng thông, bộ nhớ và diện tích lưu trữ của họ.
Tôi đã phải vất vã dời trang web từ nơi này sang nơi khác nhiều lần vì họ khống chế lượt truy cập. Dù đã mua shared host với gói cao nhất, nhưng họ chỉ cho tối đa được truy cập 200 người, người thứ 201 sẽ bị báo lỗi.
Thách thức thứ hai là mạng internet Việt Nam lúc ấy, nhiều thời điểm nhạy cảm thì không truy cập được các website host bên ngoài VN. Mặt khác, do băng thông và tốc độ truy cập qua cổng internet quốc tế lúc ấy rất thấp, nên các video quảng cáo hay, mà chúng tôi lưu trữ trên web, trở thành rất bất tiện cho người trong nước truy cập.
Đứng trước những thách thức ấy, tôi buộc phải đưa ra một quyết định quan trọng: đầu tư một máy chủ và host ngay trong nước.
Quyết định này coi vậy chứ không hề dễ dàng, vì điều đó có nghĩa là tốn vài chục triệu để mua máy chủ mới, rồi hàng tháng phải tốn tiền thuê data center để lưu trữ máy chủ, trả tiền domain, là phải học kỹ thuật quản lý máy chủ, học hosting và mail server, là học thêm những kiến thức IT khác có liên quan như ssh, ngôn ngữ lệnh linux... để tương tác với máy chủ từ xa, là học kỹ thuật và kinh nghiêm bảo mật máy chủ, chống các đơt tấn công ngày đêm, từ trong lẫn ngoài nước của các bạn IT rãnh rổi sinh nông nổi...
Đó là chưa kể chi phí của một bạn nhân viên, cộng tác viên phụ trách quản lý, cập nhật nôi dung hàng ngày.
Chi phí và công sức bỏ ra hơn 13 năm qua là vậy, nhưng nhiều lần có người đặt vấn đề hợp tác để khai thác thương mại hóa trang web tôi đều từ chối.
Có lúc tôi nghĩ, nếu lúc ấy thay vì làm trang web chia sẻ, với kiến thức kinh doanh của mình, tôi làm một trang thương mại điện tử và thành công như Marketing Chiến Lược đến ngày nay, thì ắt hẳn là giờ tôi đã giàu to!
Với tôi, Marketing Chiến Lược là đứa con tinh thần, là tâm huyết, là sự chia sẻ của tôi, cùng với sự đóng góp nội dung của các anh chị chuyên gia, nhà nghiên cứu khác, với cộng đồng.
Ngay cả trên Face này, dù có Face cá nhân đã khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên mà tôi chia sẻ với mọi người việc mình đã làm, và cũng là lần đầu tiên mà tôi nhắc đến Marketing Chiến Lược.
Với tôi, công việc làm ăn và chia sẻ cộng đồng là hai thứ tách bạch rõ ràng. Chúng tôi cũng có một fan page cho Marketing Chiến Lược, và trên đó không có gì ngoài nội dung chuyên môn từ trang Marketing Chiến Lược.
Ngay cả việc ra mặt với thông tin cá nhân của tôi như là người đã sáng lập ra trang web, tôi cũng chỉ đưa lên trang web Marketing Chiến Lược khi phát hiện ra có người đã mạo danh tôi, Đỗ Hòa từ Marketing Chiến Lược, để đi tư vấn cho doanh nghiệp lấy tiền.
Tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng để duy trì Marketing Chiến Lược như là một trang web của cộng đồng, của các bạn sinh viên, các bạn viên chức trẻ, một trang thuần chuyên môn, và phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng.
Ngày nay, với bề dày của mình, trang Marketing Chiến Lược thường xuyên giữ vị trí từ 1 đến 3 trên google search (Tiếng Việt) với ba từ khóa quan trọng: marketing, thương hiệu và chiến lược.
Nguồn động viên, với tôi, là cảm nhận rằng mình đã làm được một việc có ích cho cộng đồng, là sự nhìn nhận của cộng đồng về việc làm này.
Tôi thật sự rất vui khi nhiều bạn, kể cả các bạn đang sinh hoạt trong Group Quản Lý Doanh Nghiệp ở khu vực Hà Nội, đã nói rằng các bạn ấy đã biết tôi từ lâu qua trang Marketing Chiến Lược.
Xin cảm ơn các bạn đã đồng hành với tôi qua từng ấy năm tháng.
Đỗ Hòa