fbpx

Vốn (capital) là vấn đề mà những ngày này đi đâu cũng nghe, hội thảo doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng nghe. Nhân tiện Group Quản Lý Doanh Nghiệp tổ chức sinh hoạt offline về đề tài Tài Chính Trong Kinh Doanh, tôi chia sẻ thêm về vấn đề vốn và kỹ năng hoạch định kinh doanh (business planning skill).

Tôi nghĩ có lẽ trước hết có lẽ phải xác định lại vốn từ đâu mà ra. Vốn có là do:

  • Bạn có tiền và tự bỏ vào kinh doanh.
  • Vay người nhà, bạn bè.
  • Vay nhà băng.
  • Huy động vốn đại chúng.

Hầu hết các trường hợp kêu ca về khó khăn vốn, là đã tận dụng hết 1 và 2 rồi. Còn 4 thì chỉ có các công ty đại chúng mới xem xét được. Vậy xem ra với các doanh nghiệp SME này thì chỉ còn option 3.

Tại sao các doanh nghiệp FDI thường không kêu ca phàn nàn gì về việc vay tiền ngân hàng, ngân hàng thậm chí còn phải đi năn nỉ họ vay, mà chỉ các doanh nghiệp SME của ta mới kêu ca khó vay vốn ngân hàng?

Tại sao nhiều FDI khi vay tiền người ta không đòi hỏi phải thế chấp, mà SME mình vay thì ngân hàng cứ khăng khăng là phải thế chấp?

Tại sao ở các nước, lãi suất cho vay là rất thấp, thậm chí bằng 0 hoặc lãi suất âm? Tại sao ở nước mình thì lãi suất cho vay cao thế?

Vì như bạn thấy, từ 2 cho đến 4, tiền người vay có được từ người khác là chỉ bằng một lời nói: lời hứa sẽ trả. Dễ hay khó là cũng từ lời nói này, hay nói một cách khác là vay dễ hay khó, lãi vay cao hay thấp là do ở mức độ rủi ro của việc trả lại.

Các ngân hàng thực ra là rất muốn cho vay vì đó là ngành kinh doanh của họ, và khi họ cho vay, họ xem đó là đầu tư vào doanh nghiệp. Là người góp vốn kinh doanh, họ cần biết mình vay làm gì, dùng tiền ra sao, hiệu quả hoạt động kinh doanh thế nào... để họ liệu mà quyết định có nên cho vay, có nên tiếp tục rót thêm hay không...

Nói cụ thể ra là họ cần mình cho họ xem bảng kế hoạch kinh doanh (dự trù doanh thu, chi phí, lợi nhuận) để họ đánh giá xem mình tính toán có tốt không, rồi họ muốn mình minh bạch về việc sử dụng khoản vay với họ, để hàng tháng họ có thể theo dõi xem mình có làm được như mình đã tính toán hay không.

Với các doanh nghiệp FDI, ban đầu khi muốn vay tiền ngân hàng để kinh doanh (muốn ngân hàng đầu tư vào doanh nghiệp mình), thì họ phải làm kế hoạch dư án kinh doanh. Trong đó nói rõ bán cái gì, bán cho ai, giá vốn bao nhiêu, định bán ra giá bao nhiêu, tổ chức kinh doanh thế nào, chi phí quản lý hết bao nhiêu, lợi nhuận còn lại bao nhiêu, triển vọng lâu dài thế nào...

Nếu người vay thực hiện được như đã tính toán trong bảng kế hoạch, thì có khi không cần phải có lãi ngay, mà lỗ cũng được, miễn đúng như tính toán, là họ sẽ vẫn cho vay tiếp. Bởi nếu là lỗ như tính toán, thì họ tin lãi cũng sẽ đến như đã tính toán. Bằng chứng là chúng ta thấy nhiều FDI vay vốn ngân hàng vào kinh doanh ở VN mấy năm đầu lỗ dài dài mà ngân hàng vẫn cứ tiếp tục cho vay.
Hoặc như một số công ty công nghệ trên sàn chứng khoán, họ lỗ liền mấy năm mà các nhà đầu tư vẫn rót tiền khủng vào cho họ.

Thực trạng của mình là vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn không làm kế hoạch kinh doanh. Cứ đến đâu hay đến đó chứ không chịu tính toán dự báo gì. Rồi khi hết vốn thì đi hỏi khắp nơi làm sao để vay vốn.

Các FDI người ta vay vốn dễ mà lại rẻ là vì họ đã chứng minh cho các ngân hàng thấy rằng họ tính toán kinh doanh giỏi, kế hoạch đưa ra ra sao họ thực hiện được vậy. Còn các ngân hàng thì khi cho vay mà khách hàng tính toán kinh doanh giỏi, sổ sách minh bạch, thì họ cũng chẳng lo rủi ro mấy. Vì gọi là cho vay nhưng họ có bỏ ngay ra một cục tiền ngay đâu. Nó ban đầu chỉ là một con số mà họ tạo ra trong tài khoản của doanh nghiệp. Cho đến khi bạn chi ra thu vào thì họ theo dõi. Nếu thấy đúng như kế hoạch (đúng mục đích, thu chi đúng như kế hoạch, lãi lỗ cũng đúng), thì họ yên tâm giải ngân dần thôi.

Vậy có phải là muốn có vốn thì phải biết làm kế hoạch giỏi không?

Theo tôi thì đã kinh doanh thì ít nhất anh phải làm được bảng kế hoạch kinh doanh (kế hoạch mua bán hàng hóa, kế hoạch cung cấp dịch vụ hay kế hoạch sản xuất) và kế hoạch tài chính. Còn nếu làm luôn được kế hoạch cho các bộ phận chức năng khác trong doanh nghiệp nữa thì càng tốt, quản lý càng chặt chẻ.

Vấn đề là làm sao để phổ cập trình độ hoạch định kinh doanh của doanh nghiệp? Để doanh nghiệp làm ăn giỏi thì luôn có vốn khi cần, và có được vốn với mức phí rẻ như các nước? Còn các ngân hàng thì yên tâm mạnh dạn đầu tư vào doanh nghiệp mà vẫn quản lý được rủi ro?

Việc này để làm tốt, rút ngắn thời gian thì cần sự chung tay của toàn xã hội, kể cả các doanh nghiệp và nhà nước.

Đỗ Hòa - Tư Vấn Chiến Lược Kinh Doanh

Đăng Nhập