fbpx

Bài viết phản ánh góc nhìn của tác giả về tác động của môi trường kinh doanh đối với sự hình thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bài viết nầy đã được tác giả gởi đến TBKTSG ngày 15/11/2010, và đề nghị đăng trước khi xãy ra buổi hội thảo Chiến Lược do Michael Porter chủ trì tại Hà Nội ngày 29/11/2010 vừa qua. Nhưng rất tiếc là TBKTSG đã không đăng kịp trước khi xãy ra hội thảo, do vậy để khỏi mang tiếng là viết theo nội dung của Michael Porter (thực tế là trong phần đầu của nội dung thuyết trình, M. Porter đã chỉ ra thực trạng méo mó (distortion) nấy của môi trường kinh doanh), tác giả đã yêu cầu rút lại, không đăng bài nầy nữa.

Nhập siêu hiện đang là một vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và đang là một bóng ma đe dọa sự phát triển kinh tế ổn định và bền vững của đất nước. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra như những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, điều chỉnh về thuế, những chương trình tăng cường quảng bá hàng nội.... Nhưng theo quan điểm của người viết, những biện pháp như trên không thôi là chưa đủ để chặn đứng nhập siêu và khó hy vọng một thời điểm nào đó sẽ có thể chuyển thành xuất siêu.

Chúng tôi tôi cho rằng để giải quyết vấn đề nhập siêu tận gốc rễ chúng ta cần phải giải quyết vấn đề năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hay nói một cách cụ thể hơn là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh là gì?

Năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp chính là những lợi thế vượt trội mà một doanh nghiệp có được tương ứng với các đối thủ cùng hoạt động trên một thị trường, ngành hàng.
Nghiên cứu các chỉ tiêu tạo nên lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và quốc tế của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, chúng tôi nhận thấy có thể phân làm hai nhóm:

Nhóm 1: Những lợi thế cạnh tranh cơ bản.

Lợi thế cạnh tranh cơ bản là những lợi thế cạnh tranh có được nhờ vào nội lực của doanh nghiệp tương ứng với các đối thủ cạnh tranh trong cùng thị trường, ngành nghề mà doanh nghiệp tham gia.
Bao gồm:

  • Lợi thế dựa trên năng lực công nghệ.
    Lợi thế về công nghệ là những bí quyết, công nghệ, hay trình độ tay nghề vượt trội giúp sản xuất ra, hoặc tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ có sự khác biệt vượt trội về chất lượng, tính năng, hiệu dụng tạo ra giá trị cao cho khách hàng.
  • Lợi thế dựa trên năng lực quản trị sản xuất.
    Lợi thế về quản trị sản xuất là khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, khả năng tối ưu hóa quá trình sản xuất ra sản phẩm, quá trình đảm bảo chất lượng, khả năng kiểm soát các tiêu chuẩn về chất lượng, kiểm soát về tỷ lệ sai biệt, tỷ lệ sản phẩm lỗi, tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, khả năng kiểm soát năng suất lao động... dẫn đến lợi thế về giá thành sản xuất và lợi thế về khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường về mặt số lượng.
  • Lợi thế dựa trên năng lực kinh doanh.
    Lợi thế về tiếp thị và bán hàng là khả năng vượt trội về xây dựng thương hiệu, xây dựng và quản lý quan hệ với khách hàng, khả năng nắm bắt nhu cầu và mong muốn của khách hàng, khả năng phân tích và dự báo xu hướng thị trường, khả năng phát triển giải pháp, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng tổ chức kênh phân phối để chuyển giao sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng với hiệu quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.
  • Lợi thế dựa trên liên kết chiến lược.
    Lợi thế về liên kết chiến lược là lợi thế có được từ việc mở rộng hoạt động theo trục dọc hoặc trục ngang của chuỗi giá trị, hoặc liên kết với các đối tác chiến lược khác nhằm kiểm soát hoặc chi phối chuỗi giá trị, qua đó tạo ra các lợi thế cho mình.
  • Lợi thế dựa trên năng lực tổ chức và quản lý doanh nghiệp.
    Lợi thế về tổ chức và quản lý doanh nghiệp là khả năng vượt trội về mặt tổ chức, vận hành, và kiểm soát, nhằm quản lý và khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực mà doanh nghiệp có thể huy động được để mang lại giá trị cao cho cổ đông, chủ sở hữu, CBNV, đối tác, khách hàng và cộng đồng.

Nhóm 2: Những lợi thế cạnh tranh đặc thù.

Lợi thế cạnh tranh đặc thù bao gồm những lợi thế cạnh tranh có được từ cơ chế độc quyền, hoặc từ việc khai thác hoặc vận dụng một hoặc nhiều điều kiện đặc biệt trong môi trường kinh doanh mà có được.
Bao gồm:

  • Lợi thế dựa trên độc quyền.
    Lợi thế do độc quyền bao gồm độc quyền tiếp cận, khai thác nguồn cung cấp, độc quyền khai thác thị trường....
  • Lợi thế dựa trên quan hệ.
    Lợi thế về quan hệ là khả năng khai thác những mối quan hệ cá nhân đặc biệt với những thành phần nắm vai trò chi phối, có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng tiêu thụ, cơ quan kiểm soát... qua đó tạo ra được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
  • Lợi thế dựa trên sự thiếu chặc chẽ của pháp luật.
    Lợi thế dựa trên sự thiếu chặc chẽ của pháp luật bao gồm việc khai thác, vận dụng những sự thiếu chặc chẽ của luật pháp, hoặc trong quá trình thực thi pháp luật. Chẳng hạn như luật thuế, luật an toàn-vệ sinh, luật bảo vệ môi trường, luật lao động, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật quảng cáo, luật kiểm soát chất lượng sản phẩm, luật sở hữu trí tuệ, luật cạnh tranh, luật chống độc quyền, luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... để tạo ra lợi thế cho mình.
  • Lợi thế dựa trên đặc thù địa phương.
    Lợi thế cạnh tranh dựa trên đặc thù địa phương là lợi thế có được nhờ khai thác những yếu tố mang tính đặc thù địa phương như sản phẩm địa phương, niềm tự hào của địa phương... để tranh thủ sự ủng hộ của các thành phần có quyền chi phối chuỗi giá trị hoạt động của doanh nghiệp như chính quyền, truyền thông, pháp lý, kênh phân phối, người tiêu dùng... qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, sự khác biệt giữa hai nhóm lợi thế cạnh tranh mà chúng tôi nêu trên là, trong khi các lợi thế cạnh tranh thuộc Nhóm 1, là những lợi thế cạnh tranh cơ bản mà doanh nghiệp hầu như có thể vận dụng trên trên bất kỳ thị một trường nào, là điều kiện cần thiết để cạnh tranh thành công ở các thị trường phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Còn các lợi thế cạnh tranh thuộc Nhóm 2 là những lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp chỉ có thể phát huy trong một điều kiện thị trường nhất định, trên một phạm vi địa lý, hoặc trong một phân khúc thị trường nhất định. Vượt ra khỏi những phạm vi nầy, những lợi thế nầy hầu như trở nên không có ý nghĩa gì.

Đâu là những lợi thế cạnh tranh đang chiếm ưu thế trên thị trường hiện nay?

Nghiên cứu và đánh giá lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Top 100 hiện nay chúng tôi nhận thấy chỉ có một số ít các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhờ vào những lợi thế cạnh tranh thuộc Nhóm 1. Đây là những doanh nghiệp làm ăn bài bản, hoạt động hiệu quả cả trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Phần lớn các doanh nghiệp còn lại hoạt động hiệu quả chủ yếu dựa vào những lợi thế thuộc Nhóm 2.

Làm gì để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam?

Quay lại vấn đề năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo chúng tôi, những phân tích về năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nêu trên đã lý giải nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh trên thị trường nội địa, hoặc chiếm thị phần rất cao tại một số địa phương, trên một phân khúc thị trường nhất định, nhưng khi mở rộng hoạt động ra các địa phương khác, thị trường khác thì vấp phải khó khăn vì không thể cạnh tranh được với các đối thủ khác (không có thương hiệu, sản phẩm chất lượng thấp, mẫu mã xấu, thua về kỹ năng tiếp thị, thua về kỹ năng tổ chức mạng lưới phân phối, giá thành sản phẩm không cạnh tranh....).
Xét từ góc độ vĩ mô thì đây cũng chính là con đường dẫn một quốc gia đi đến “bẫy thu nhập trung bình”, khi mà tài nguyên thiên nhiên thì đã được sử dụng hết, giá nhân công thì không còn rẻ mà năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì vẫn còn bất cập.

Trong khu vực ASEAN, những nền kinh tế đã rơi vào tình trạng nầy có thể kể đến là Philippines, Indonesia... Những nền kinh tế nầy cũng có những doanh nghiệp rất to, rất mạnh, đã một thời thống trị trên thị trường nội địa, nhưng đã không thể trở thành những thương hiệu hàng đầu thế giới, và cũng không đủ mạnh để ngăn chặn được sự xâm nhập của các sản phẩm nước ngoài, đơn giản là vì những lợi thế mà nhờ đó họ thành công trên thị trường nội địa đã không giúp ích gì khi họ đi ra thị trường thế giới cũng như không thể giúp họ cạnh tranh hiệu quả khi phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm khác từ bên ngoài.

Kết luận

Theo chúng tôi, để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, để giải quyết một cách cơ bản căn bệnh nhập siêu, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững về lâu dài, việc cần làm là tạo ra những thay đổi trong môi trường kinh doanh để những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thuộc Nhóm 1 có điều kiện phát huy và trở thành những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, khi đó chúng ta không chỉ không phải lo về nhập siêu, mà xuất siêu cũng sẽ là một hệ quả đương nhiên sẽ xãy ra.


Đỗ Hòa - TINH HOA QUẢN TRỊ
Pin It

Đăng Nhập