Quản lý tài chính doanh nghiệp

Vấn đề của chúng ta là trong khi doanh nghiệp không có giám đốc tài chính (không thuê nổi), thì thường chủ doanh nghiệp/CEO phải lãnh trọng trách này. Đằng này đa số chủ doanh nghiệp, ceo cũng không biết về tài chính luôn! 

Theo quan sát của tôi, mức độ khai thác các chức năng quản lý con người và quản lý tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam, kể cá các tập đoàn lớn, là khá hạn chế.

Chẳng hạn như kế họạch kinh doanh thường do giám đốc bán hàng xây dựng theo góc độ kinh doanh, mà đúng ra kế hoạch này cần phải được rà soát, đánh giá lại bởi người có kiến thức tài chính (trong các công ty lớn là giám đốc tài chính).

Chẳng hạn theo góc độ người bán hàng thì bán càng nhiều sản phẩm càng tốt, ai mua cũng bán, bán gì cũng được miễn có doanh thu cao, thậm chí là bán chịu cũng bán, không cần biết có đòi tiền được hay không... Mà đáng ra là phải cân nhắc thêm về góc độ tài chính, phải tính cost to make, cost to serve, risk ... để đưa ra một product mix (phối trộn tỷ lệ sản phẩm tối ưu) mà nếu bán theo tỷ lệ đó thì sẽ có được mức lãi cao nhất.

Vì thực tế là có nhiều sản phẩm mà doanh nghiệp bán ít thì lỗ, nhưng bán nhiều quá, vượt qua một ngưỡng nào đó thì sẽ không còn lãi.

Và thường chúng ta cũng chỉ ghi nhận doanh thu bán ra như là thành tích bán hàng, chứ ít khi khấu trừ chi phí khuyến mại, giảm giá lần 1 giảm lần 2..., chi phí thu hồi hàng về ... để tính đúng tính đủ về hiệu quả tài chính của việc kinh doanh sản phẩm ấy, kênh ấy, nhóm khách hàng ấy ... để từ đó điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình cho tối ưu.

Ngoài ra, còn phải cân nhắc yếu tố co giãn giá của thị trường khi định giá của từng sản phẩm để không bỏ lỡ cơ hội...

Và không chỉ là về bán hàng, mà tất cả mọi mặt hoạt động khác của doanh nghiệp, từ thu mua đến sản xuất, logistics, marketing, phân phối, bán lẻ, nguồn vốn, đầu tư cho đến nhân sự, công nghệ... đều cần phải được cân nhắc dưới góc độ hiệu quả tài chính, thì doanh nghiệp mới đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Hầu hết mọi người có biết về thiết lập ngân sách (budgeting), nhưng không nhiều người biết dùng ngân sách để quản lý chi phí, quản lý vốn, quản lý nhân sự, quản lý đầu tư.

Kiếm thêm 1% lợi nhuận từ bán hàng là rất khó (vì áp lực cạnh tranh), nhưng khả năng kiếm thêm vài phần trăm từ tối ưu hóa tài chính là điều hoàn toàn có thể, nếu ta biết cách.
Cũng cần hiểu rằng, theo thống kê trên thế giới người làm tài chính xuất thân từ kế toán là số ít. Muốn làm tài chính giỏi thì phải am hiểu sản xuất, am hiểu kinh doanh, và như thế thì thường là dân kinh doanh.

Vấn đề của chúng ta là trong khi doanh nghiệp không có giám đốc tài chính (không thuê nổi), thì thường chủ doanh nghiệp/CEO phải lãnh trọng trách này. Đằng này đa số chủ doanh nghiệp, ceo cũng không biết về tài chính luôn!

Thử hỏi tài chính mà kém thì làm sao có chi phí giá thành tốt? Làm sao kinh doanh cho có lãi nhiều? làm sao mà phát triển bền vững lâu dài?

Đó chưa nói Kinh doanh, Nhân sự và Tài chính là ba trụ cột chính của hệ thống quản lý doanh nghiệp, là điều bắt buộc phải có đối với các công ty lớn. Bởi nếu điều hành theo kiểu thuận tiện thì chủ doanh nghiệp/CEO sẽ bị quá tải, hiệu quả kinh doanh sẽ giảm dần và dẫn đến mất kiểm soát.

Đỗ Hòa - on Financial Management

Đăng Nhập