2 bài học của chương trình CEO Chuyên Nghiệp gần đây tôi tiếp tục với nội dung Chiến lược. Trong đó, đó có một điểm quan trọng liên quan đến tinh thần, thái độ làm việc của nhân sự.
Qua tiếp xúc, tôi thấy có một vấn đề khá phổ biến được mang ra bàn ở nhiều diễn đàn khác nhau, đó là tình trạng cấp quản lý và nhân viên thụ động, chờ việc chứ không chủ động và tích cực trong công việc.
Giải pháp mà đa số các anh chị nhân sự đưa ra là áp KPI, tăng quyền lợi (lương, thưởng và các lợi ích khác) kết hợp với động viên, xây dựng quan hệ cá nhân.
Theo tôi thì các giải pháp trên không xử lý rốt ráo vấn đề. Nhiều nơi nói thu nhập cấp quản lý họ trả cao hơn thị trường, mục tiêu công việc thì ai cũng có... nhưng tình trạng sức ì, thụ động, chờ thúc sau lưng mới làm vẫn xảy ra.
Tôi cho rằng giải quyết như trên mới là xử lý đầu ngọn, xử lý bằng tactics như thế này thường hiệu quả không kéo dài lâu bền. Lý do là tình trạng ấy sẽ lan ra như lữa, bạn dập chỗ này thì nó bùng lên chỗ khác.
Chẳng hạn như một nhân viên thiếu tích cực, bạn gọi vào thuyết phục và tăng lương. Người này sẽ tích cực lên, nhưng những người khác khi biết chuyện thì họ sẽ trở nên kém tích cực. Bởi họ tin rằng làm như thế cũng sẽ được lãnh đạo quan tâm như bạn kia. Và như thế cả đội ngũ nhân viên dẫn dần sẽ bị hư hỏng, do sự nuông chiều của bạn.
Theo tôi, muốn trị dứt điểm căn bệnh trên thì phải làm sao để mọi người cảm thấy họ own công việc của mình.
Tức là làm sao để mỗi ngày mọi người vào công ty tự họ biết hôm nay họ phải làm gì, nếu có trở ngại gì thì họ cũng tự biết phải giải quyết theo hướng nào, mà không cần xin ý kiến cấp trên.
Để được như thế, vấn đề này không thể giải quyết cục bộ được, vì nó sẽ tạm chấm dứt rồi sẽ bị lây lại. Mà phải giải quyết xuyên suốt trong hệ thống, và phải giải quyết ngay từ cách làm của người CEO.
Với 2 bài học hôm qua và hôm nay, tôi chia sẻ với học viên cách mà họ có thể giải quyết rốt ráo vấn đề này từ hệ thống.
Đỗ Hòa - Chương trình Huấn luyện CEO Chuyên Nghiệp