Đó là câu chốt của một bạn học viên sau khi học được 1.5 ngày. Bạn nói em đã học nhiều lớp tài chính khác nhau từ 2 năm nay, nhưng nhiều thứ thầy dạy bây giờ em mới biết, học lớp thầy mới thấy mọi thứ rõ ràng.
Day 1 tôi chia sẻ về cách tổ chức quản lý tài chính trong công ty theo cách mà các công ty lớn của nước ngoài tổ chức. Điểm mấu chốt ở đây là quan điểm về quản lý tài chính.
Hầu hết các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng chính họ mới là người duy nhất chịu trách nhiệm về tài chính, về kết quả lãi lỗ của công ty mình. Cấp dưới được thuê vào để thực hiện công việc mà không cần biết về tình hình tài chính công ty (được cho là bí mật)
Trong khi các công ty lớn của nước ngoài thì muốn từng nguời trong công ty phải chịu một phần trách nhiệm về hiệu quả lãi lỗ của công ty.
Từ chỗ khác nhau về quan điểm, dẫn đến cách tổ chức quản lý tài chính trong công ty là rất khác nhau. Cách tổ chức khác nhau dẫn đến vấn đề kỹ thuật và các form mẫu báo cáo cũng cũng khác nhau. Kỹ thuật thiết kế cấu trúc tài khoản và các form mẫu báo cáo tài chính của các công ty nước ngoài là khá rất phức tạp chứ không đơn giản như của ta.
Tôi cho rằng đây là điều cốt lõi, nó lý giải vì sao các công ty của VN khi nhỏ thì hoạt động hiệu quả, nhưng lớn lên một tí, mở rộng hoạt động ra xa một tí, là hiệu quả kinh doanh trở nên kém dần. Ở đâu không có mặt người chủ, người duy nhất chịu trách nhiệm về hiệu quả lãi lỗ của công ty, là ở đó kém hiệu quả.
Day 2 thì tôi chia sẻ về quản lý đầu tư (capex/investment management).
Đây là nội dung cũng có sự khác biệt về quan điểm giữa các doanh nghiệp VN và nước ngoài. Chúng ta coi xây nhà máy, mua thiết bị ... mới gọi là đầu tư. Trong khi người ta xem một nhân sự cũng là một thương vụ đầu tư.
Dẫn đến, chúng ta chịu chi vài tỷ để mua cổ máy hiện đại, nhưng tiếc tiền khi phải trả lương cao cho người có năng lực khai thác nó. Và hệ quả là cổ máy hiện đại không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Các doanh nghiệp nước ngoài xem mọi thứ mà công ty bỏ tiền ra đê có như là một hạng mục đầu tư, nên họ phát triển các phương thức, công cụ để đánh giá hiệu quả đầu tư, đảm bảo là đầu tư ấy sinh lợi cho công ty. Và đây là những thứ mà tôi chia sẻ trong Day 2.
Những thứ này có hơi xa lạ với các doanh nghiệp nhỏ của VN, nhưng tôi nghĩ chủ doanh nghiệp nhỏ mà không nhận thức được những thứ này thì không bao giờ lớn được. Thay vì nghĩ rằng mình làm kinh doanh, hãy nghĩ mình là nhà đầu tư!
Như tôi đã từng nói, kinh doanh, nhân sự và tài chính là 3 trụ cột dính chặt với nhau. Một trong 3 mà yếu hoặc phát triển không đồng bộ, thì doanh nghiệp không thể lớn được.
Nhưng có lẽ thứ cần thay đổi sớm trước khi những thứ khác có thể xảy ra, đó là Nhận Thức!
Đỗ Hòa - về Lớp Financial Management For Boss