fbpx

(TBKTSG) - Những động thái gần đây của Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân quan tâm.

titanic-sinking-underwater

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty GIBC, cho rằng con đường tốt nhất để tái cơ cấu các DNNN vẫn là cổ phần hóa. Theo ông, khi các thành phần kinh tế khác tham gia vào doanh nghiệp thì mục tiêu của họ là tính hiệu quả bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột” và đó là một sự chia sẻ lợi ích, chứ không phải chỉ rủi ro. Tuy nhiên, việc chọn các nhà đầu tư bên ngoài không chỉ xem xét đơn thuần về khía cạnh tài chính mà còn cả năng lực và kinh nghiệm quản lý nữa.

Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh, là người cổ xúy cho phương án bán lại phần vốn nhà nước quản lý trong các doanh nghiệp. Theo ông, phần vốn nhà nước hiện đang nằm rải rác trong nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Như trong một doanh nghiệp ở An Giang mà ông nắm quyền chi phối, Nhà nước có 8% vốn, với khoảng 1 triệu cổ phiếu, thị giá khoảng 25 tỉ đồng. “Với chừng ấy vốn, vai trò của Nhà nước trong doanh nghiệp là không có, vì là cổ đông thiểu số. Tiền lãi nhận được hàng năm không nhiều và số vốn đó có nguy cơ mất, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả”, ông nhận xét.

Vì vậy, theo ông Minh, Nhà nước nên tính đến việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp này để có thêm tiền cho ngân sách. Khi 8% kia được các nhà đầu tư mua lại, doanh nghiệp sẽ có lợi hơn. Ông Minh cũng cảm thấy tiếc rẻ vì nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước, có lợi thế, có cơ hội nhưng lại không tận dụng được, dẫn đến thua lỗ. “Vấn đề của Nhà nước là không biết bán đắt hay rẻ, sợ bị hố, thiệt cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu mạnh dạn bán ra, dù có thiệt một ít, nhưng có lợi về lâu dài là có được một lực lượng kinh tế khác thay vào để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển”, ông nhận xét.

Nhưng vẫn còn đó những nghi ngờ về chuyện, nếu không khéo, Nhà nước sẽ mất cả chì lẫn chài. Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty IME cổ phần hóa, cho rằng Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ trong việc nên giữ gì và buông gì vì DNNN còn có các nhiệm vụ về xã hội khác.

Là một người nhiều năm làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia, lại cũng đang tư vấn cho một số DNNN, ông nhận thấy trong từng tập đoàn, từng tổng công ty, hay các phòng ban của DNNN, mỗi nơi là một khối bê tông vững chắc. Và chính những khối bê tông đó khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp trở nên co cụm, không có sự chia sẻ thông tin, không có sự giao thoa với các khối bên ngoài. Và trong môi trường khép kín như vậy, người giỏi cố giấu cái giỏi, và bản thân họ cũng tự xây lô cốt để phòng vệ, an phận và nếu không muốn thì sẽ ra đi.

Vấn đề căn cơ trong tái cấu trúc DNNN, theo ông Hòa, là phải giải quyết được bài toán ai sở hữu doanh nghiệp. Giải được bài toán này, nghĩa là xác định được vai trò chủ doanh nghiệp, cùng với các cơ chế mới để cho người chủ đó có quyền thực sự, kèm với đó là trách nhiệm đưa doanh nghiệp đi lên.

Hoàng Phi

Pin It

Đăng Nhập