Blog Doanh Nhân - TBKTSG. Bận quá nhưng thấy đề tài quản trị DNNN được người ta bàn khá sôi nổi nên tôi cũng xin góp một vài ý.
Liệu các bộ có thể quản lý DNNN hiệu quả? Để trả lời cho câu hỏi nầy, trước hết chúng ta cần nhìn nhận từ mục đích và bản chất hoạt động của hai loại tổ chức: bộ, một tổ chức chính phủ và DNNN, một tổ chức kinh doanh.
Về mục đích và bản chất hoạt động, hoạt động của các bộ là công việc quản lý vĩ mô. Trong khi hoạt động của một doanh nghiệp là hoạt động mang tính vi mô. Quản lý doanh nghiệp muốn hiệu quả thì phải rất cụ thể: quản lý công cụ sản xuất, hàng hóa, con người, vốn, khách hàng và đối thủ cạnh tranh...
Về góc độ nghiên cứu kỹ năng, kỹ năng mà công chức sử dụng để làm việc là kỹ năng quản trị công, còn kỹ năng của người làm trong một doanh nghiệp thì thuộc vào loại kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Hai loại kỹ năng nầy là hai loại kỹ năng độc lập và được đào tạo riêng biệt. Do quản trị công và quản trị doanh nghiệp là hai loại kỹ năng độc lập và riêng biệt nên nhân sự làm tốt lĩnh vực nầy không nhất thiết sẽ có thể làm tốt bên lĩnh vực kia.
Một nhân sự cấp cao từ bộ cũng sẽ khó mà có thể hoàn thành tốt vai trò giám đốc một doanh nghiệp. Cho dù được cử đi đào tạo một khóa Quản Trị Kinh Doanh đi nữa thì nhân sự nầy cũng vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tế về hoạt động của các chức năng đặc thù của một doanh nghiệp như : tài chính, nhân sự, sản xuất, marketing, bán hàng, R&D, cung vận, CNTT. Giám đốc doanh nghiệp trước hết phải là người có tố chất kinh doanh và trưởng thành từ trong môi trường doanh nghiệp.
Quay lại vấn đề giao việc quản lý doanh nghiệp cho các bộ thì liệu có hiệu quả không? Nếu là hỏi tôi, thì câu trả lời của tôi là: Đây là một quyết định hàm chứa nhiều rủi ro. Vậy nên quản lý DNNN như thế nào ?
Theo tôi, để DNNN hoạt động hiệu quả, việc quản lý DNNN cần phải được chuyên nghiệp hóa. DNNN cần phải được quản lý bởi những người thật sự có kiến thức và kinh nghiệm về quản lý doanh nghiệp, và nhà nước cần phải thành lập một tổ chức chuyên quản lý DNNN .
Ngay cả tại các quốc gia đã có nền kinh tế thị trường lâu năm, mặt bằng kiến thức chung về quản trị kinh doanh trong chính phủ là khá cao, thì chính phủ của họ cũng thường tránh phải quản lý trực tiếp doanh nghiệp. Bởi ngoài lý do liên quan đến kiến thức và kỹ năng, còn có lý do tiềm năng xung đột lợi ích, lợi ích của cả quốc gia sẽ xung đột với lợi ích của doanh nghiệp do chính bộ ấy trực tiếp quản lý .
Việc tái cơ cấu DNNN, muốn đi đúng hướng thì nội dung, kế hoạch và lộ trình tái cơ cấu cần phải được những chuyên gia kinh nghiệm dày dạn về quản trị doanh nghiệp, chứ không nên để doanh nghiệp tự mình đề xuất, đặc biệt là trong tình hình các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng suy kiệt. Lí do là vì nếu một người bệnh mà có thể tự cứu chữa được mình thì anh ta có lẽ đã biết cách sống sao để không bị suy kiệt đến như thế .
Theo tôi, các DNNN cần phải được tái cơ cấu, cần được tổ chức quản lý lại một cách cơ bản. Đây là một việc làm gấp rút và phải làm đúng ngay từng bước đầu. Chúng ta hầu như không còn cơ hội để tiếp tục sai rồi sửa.
Việc đầu tiên mà tôi đề nghị cơ quan nào được nhà nước giao quản lý doanh nghiệp nhà nước cần làm trước tiên đó là xây dựng một hệ thống quản trị tài chính chung cho các doanh nghiệp nhà nước.
Chức năng kế toán tại đa số các DNNN hiện nay chủ yếu còn mang tính thủ công, thuộc loại kế toán gộp, Chức năng kế toán như thế nầy chủ yếu chỉ đáp ứng yêu cầu kế toán thuế. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào tổ chức hoạt động kế toán quản trị đúng nghĩa.
Với chức năng kế toán như hiện nay, chủ sơ hữu thì không thể quản lý được đồng vốn của mình, còn tổng giám đốc thì không quản lý được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Và đây là một lỗ hỗng lớn trong quản lý DNNN hiện nay.
Lí do cần phải giao cho một đầu mối xây dựng hệ thống chuẩn chung là vì nếu để cho các doanh nghiệp tự xây dựng thì họ sẽ xây dựng mỗi nơi một kiểu, vừa lãng phí lại vừa khó quản lý vì không thể tích hợp dữ liệu từ các doanh nghiệp lại để có một bức tranh chung được.
Sau khi xây dựng và áp dụng xong một hệ thống quản trị tài chính thống nhất thì khi nhà nước hoặc chủ sở hữu yêu cầu báo cáo, thì một kết quả chính xác sẽ được gởi đi sau khoảng thời gian mà đơn vị tính bằng phút chứ không phải là bằng tuần, mà lại không đáng tin cậy như hiện nay.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là hiệu quả tích hợp của cả một hệ thống chứ không chỉ là do một hoặc hai chức năng chủ chốt mang lại. Bên cạnh quản trị tài chính, DNNN cần một hệ thống quản lý hoàn thiện, chuẩn hóa và hiện đại để có thể cạnh tranh và thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội mà nhà nước và người dân kỳ vọng.
Đỗ Hòa - Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị