Thực tế là nhiều trường hợp khả năng gia tăng doanh thu, lợi nhuận từ thị trường là rất khó, nên kiếm thêm 1% lợi nhuận từ tài chính thì dễ hơn kiếm thêm 1% lợi nhuận từ bán sản phẩm.
Để trả lời cho câu hỏi trên thì tùy chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp hài lòng với hiện tại và không có tham vọng phát triển gì, thì có thể tiếp tục để người nhà giữ "tay hòm chìa khóa" (bộ phận TC-KT) và tiếp tục sống chung với những thủ thuật nhỏ lẻ (và kèm theo đó là cả những âu lo) về tài chính của mình.
Còn nếu muốn phát triển, hoặc không hài lòng với kết quả kinh doanh hiện tại, thì phải thay đổi cách tổ chức kinh doanh và quản lý doanh nghiệp (tái cấu trúc).
Và đối với doanh nghiệp có doanh thu khoảng từ 100 tỉ trở lên thì phải chuyên nghiệp hóa để phát huy chức năng tài chính. Điều đó có nghĩa là nếu cần thì phải thuê người ngoài gia đình làm CFO.
Lâu nay nói đến doanh nghiệp, mọi người thường chỉ nghĩ đến tạo ra lợi nhuận từ làm ra và bán sản phẩm, dịch vụ thuần túy mà mình cung cấp cho khách hàng, thị trường.
Trong khi đó muốn tạo ra lợi nhuận cao và phát triển bền vững thì phải tìm cách nâng dần theo các bước sau:
- Lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh.
Là lợi nhuận kiếm được từ bán sản phẩm/dịch vụ thuần (gọi là kiểu kinh doanh mua 9 bán 10). - Lợi nhuận từ giá trị gia tăng.
Bên cạnh lợi nhuận từ sản phẩm/dịch vụ, còn có thêm lợi nhuận từ các dịch vụ giá trị gia tăng, đáp ứng cho các phân khúc có nhu cầu và chịu chị trả tiền cao hơn để có thểm dịch vụ gia tăng. - Lợi nhuận đến từ qui mô liên kết.
Không phải kinh doanh một sản phẩm/dịch vụ đơn lẻ, mà tìm cách mở rộng khai thác toàn bộ hoặc một phần chuỗi giá trị, hoặc mở rộng ra nhiều sản phẩm có liên quan theo chiều ngang. - Lợi nhuận đến từ tài chính. Tính toán để huy động được vốn rẻ, sử dụng vốn một cách tối ưu, đầu tư nhiều hơn vào nơi sinh ra lợi nhuận cao hơn, giảm chi phí ở đâu có thể giảm, kinh doanh đòn bẩy vốn, khai thác lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, tiền tệ, tối ưu hóa thuế...
Ở những doanh nghiệp có CFO giỏi, lợi nhuận đóng góp từ tài chính không hề thua kém lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thuần.
Và ở những thị trường đã đi vào giai đoạn bão hòa (như Anh,Mỹ, Pháp...) nơi mà khả năng gia tăng doanh thu, lợi nhuận từ thị trường là không còn nhiều, thì tài chính là mảng mà doanh nghiệp tập trung nhiều nhất. Ở những thị trường này, kiếm thêm 1% lợi nhuận từ tài chính thì dễ hơn kiếm thêm 1% lợi nhuận từ bán sản phẩm.
Thực tế này cũng giải thích lí do vì sao mà ở những thị trường phát triển rất nhiều CEO có background là tài chính, trong khi ở các quốc gia khác có trình độ thị trường thấp hơn, thì đại đa số CEO vẫn là dân sản xuất và marketing.
Vậy "dại gì mà không trao" nhỉ?
Đỗ Hòa
Tinh Hoa Quản Trị