Không ngoài dự đoán, Vinfast vừa khởi động truyền thông cho 3 mẫu xe điện mới, hẹn 6 tháng sau mới ra xe. Thì ngay lập tức một hãng xe cao cấp của TQ đã đưa xe điện của họ sang nhờ các KOL làng xe VN giới thiệu.
Lướt sơ qua những tính năng của chiếc xe thương hiệu TQ, rồi so với xe Vinfast, thì có thể thấy họ đã đi trước một đoạn khoảng vài năm.
Có thể thấy, các hãng xe điện hàng đầu của TQ chủ động đầu tư phát triển các hệ thống phần mềm, kết hợp với những phần cứng vốn là thế mạnh truyền thống của TQ (các loại cảm ứng và camera), nhằm tạo ra những đặc điểm vượt trội về công nghệ.
Thị trường xe thương hiệu, thì chắc là không ai qua các thương hiệu đẳng cấp của các hãng xe Mỹ, Đức, Anh rồi.
Các hãng xe Nhật, Hàn, TQ và VN thì sẽ tranh nhau thị trường xe "value for money". Tức là thị trường các dòng xe có chất lượng bền, thiết kế tương đói đẹp và phù hợp từng phân khúc, có các ứng dụng tiêu chuẩn, với mức giá vừa phải.
Thị trường này theo tôi thì lợi thế nằm ở những ai có số lượng bán ra lớn.
Quay lại với Vinfast của Việt Nam. Đặc trưng khác biệt của Vinfast là gì? Định vị của Vinfast là gì? Hay nói một cách khác, DNA của Vinfast là gì?
Những chiến dịch truyền thông của Vinfast gần đây dường như chỉ nhằm tạo độ nhận biết về sản phẩm mới (build awareness), chứ chưa thấy có nội dung truyền thông về đặc điểm tính năng ứng dụng, công nghệ đặc thù... nhằm tạo sự khác biệt thương hiệu cho Vinfast (positioning communication).
Khác biệt thương hiệu của một sản phẩm công nghệ (xe điện là một sản phẩm công nghệ), thì không gì khác ngoài công nghệ.
Và muốn có sự khác biệt công nghệ thì phải đầu tư vào R&D phần cứng, phát triển ứng dụng phần mềm in-house cho riêng mình. Như cách mà các hãng xe lớn trên thế giới và các hãng của TQ cũng đang làm.
Giai đoạn ban đầu này của thị trường xe điện theo tôi chưa phải là giai đoạn cho các tay mơ với chiến lược "me too", như thường thấy đối với thị trường xe xăng.
Vì thị trường xe xăng đang ở vào một giai đoạn thị trường (PLC) khác với xe điện. Xe xăng đã đi vào giai đoạn bão hòa (maturity stage). Khi mà sản phẩm đã được chuẩn hóa, không khác nhau nhiều. Một linh kiện được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật (specifications) thì có nhiều nhà cung cấp khác nhau có thể cung cấp, nên dễ mua và giá cả do vậy mà cũng rất cạnh tranh.
Còn xe điện thì các hãng tiên phong đang phải tự đầu tư R&D, công nghệ đang trong giai đoạn cải tiến không ngừng. Đặc biệt là động cơ điện, pin và sạc và hệ thống vận hành. Trong giai đoạn này, thường thì người ta sẽ không bán ra ngoài các sản phẩm thuộc công nghệ mới nhất của họ.
Trong khi đó, thị trường công nghiệp phụ trợ cho xe điện bên ngoài thì chưa phát triển, chưa có nhiều nhà cung cấp linh kiện. Dẫn đến giá mua linh kiện rất cao mà lại chỉ mua được công nghệ đã cũ.
Cuộc chiến xe điện của Vinfast, như tôi đã nói, nó là một cuộc chiến cuối cùng của Vingroup, và lại là một cuộc chiến vô cùng cam go.
Bởi bên cạnh các thương hiệu xe điện TQ, còn có các thương hiệu xe xăng nổi tiếng khác cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để lao vào cuộc đua xe điện trên thị trường VN.
Theo dự báo của tôi, ngay khi nhu cầu xe hơi chạy điện trên thị trường Việt Nam bắt đầu tăng lên, có thể là nhờ nỗ lực tiếp thị, thuyết phục thị trường của Vinfast, thì các dòng xe điện của Nhật, Hàn cũng sẽ sẵn sàng vào cuộc khai thác thị trường.
Vậy để đạt đến số lượng bán ra đảm bảo hiệu quả hoạt động, Vinfast không thể trông cậy chỉ trên sân nhà, mà họ phải chiến đấu và thắng lợi cả trên sân khách.
Sẽ không có một con đường tắt, đường ngách, hay một cách làm "thông minh" nào khác cho Vinfast trên sân khách, ngoài việc trang bị cho mình một lợi thế cạnh tranh nào đó về mặt công nghệ. Và đây cũng chính là sự khác biệt giữa ngành kinh doanh BĐS với ngành kinh doanh ô tô của Vingroup.
Còn trong lúc này, sự xuất hiện của dòng xe sang của hãng Hồng Kỳ (TQ) xem như là một lời thách thức đối với Vinfast. Đối thủ đến từ TQ này như muốn nói: "Đó, xe điện thì nó phải vậy, xe anh làm ra có được vậy không?"
Đỗ Hòa - on Competitive strategy