Theo tôi, trước hết là phải nhìn hoạt động của doanh nghiệp dưới góc độ chuỗi giá trị (value chain - chuỗi các hoạt động tạo ra giá trị và thu về giá trị).
Theo đó, chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng phương tiện xe cơ giới theo tôi là bao gồm 6 khâu chính (xem hình).
Mô hình hoạt động ban đầu của các công ty taxi truyền thống là mô hình all-in-one, gộp tất cả các khâu vào một tổ chức kinh doanh, hạch toán lợi nhuận kiểu lấy tổng thu trừ đi tổng chi phí.
Thời gian gần đây, một số các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình truyền thống này đã có sự cải tiến. Họ tách một phần của công đoạn 1 (cung ứng nguồn lực) ra thành nhiều giải pháp chọn lựa cung ứng khác nhau: phương tiện tự đầu tư; phương tiện hợp tác kinh doanh và phương tiện thuê thương hiệu.
Còn các công đoạn khác của chuỗi giá trị họ hầu như vẫn giữ như cũ.
Còn "taxi công nghệ" là mô hình kinh doanh mới.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà người ta có thể tách hẳn một số vài công đoạn của chuỗi giá trị ra. Nó cho phép họ có thể thực hiện vai trò ở một vài khâu nhất định từ xa (3,4,6), và mời những đối tác tại chỗ tham gia vào các khâu còn lại của chuỗi giá trị (1,2,6).
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà người ta có thể xây dựng nên một mô hình kênh cung cấp mới (4), thông qua một app (phần mềm ứng dụng) mà họ có thể tổ chức và quản lý tập trung việc tương tác, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, cũng như là tiếp nhận phản hổi từ khách hàng về chất lượng dịch vụ.
Doanh nghiệp kiểm soát chuỗi giá trị (thường là người sở hữu thương hiệu) có thể dùng công nghệ để nắm giữ công đoạn kênh (4).
Những việc khác như marketing (3) thì họ giao cho các công ty có tư cách pháp nhân độc lập khác (có thể là công ty con, hoặc công ty mà họ có cổ phần sở hữu) theo từng vùng, từng thị trường.
Còn công đoạn cung ứng phương tiện, nhân lực và các dịch vụ kèm theo khác (1, 2), công đoạn thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng (5), thì họ có thể mời các cá nhân, thành phần kinh tế khác tham gia vào với họ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Khâu thu tiền công (6) thì hoặc họ thu trực tiếp (thẻ tín dụng, app, tài khoản online...), hoặc giao cho các đối tác trực tiếp thu (tiền mặt). Còn mức ăn chia thì là sự thỏa thuận giữa các đối tác với nhau, dựa trên cơ sở giá trị đóng góp bởi các đối tác vào gói giá trị chung.
Mô hình này và các mô hình tương tự, người ta gọi chung là kinh tế chia sẻ.
Chẳng hạn như: Google, Microsoft, Apple (ứng dụng công nghệ), Airbnb (nhà nghỉ), RelayRides (xe hơi), TaskRabbit (giúp việc, thợ), Lending Club (cho vay tiền) ...
Để quản lý kinh tế chia sẻ thì cơ quan quản lý cần xây dựng các chính sách phù hợp, quản lý với tư duy chuỗi giá trị, chứ không nên cố dùng tư duy kinh tế cũ (all-in-one) để quản lý kinh tế chia sẻ vì không phù hợp.
Còn để đối phó, cạnh tranh với các mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, thì tôi cho rằng các doanh nghiệp bị tác động cần thay đổi tư duy tổ chức kinh doanh của mình.
Cần nhìn hoạt động kinh doanh của mình với tư duy chuỗi giá trị, cần tách việc quản lý và hạch toán hiệu quả theo từng công đoạn của chuỗi giá trị.
Với tư duy này, họ có thể dễ dàng có những lựa chọn khác nhau (cái gì mình nên tự làm, cái gì mình nên giao người khác) để có thể tối ưu hóa giá thành và mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị