fbpx
Sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh Đà Nẵng.
CLB Tiếng Anh là một nơi có thể giúp luyện kỹ năng nghe nói.

Thời kỳ đó tôi vừa làm vừa học văn hóa, vừa đi học ngoại ngữ. Thứ Hai, Tư, Sáu tôi đi học chương trình cấp 3. Thứ Ba, Năm, Bảy tôi đi học chương trình đại học ngoại ngữ. Cả tuần tôi chỉ có tối Chủ Nhật để làm việc riêng, làm bài tập và ôn bài cho tuần đến (việc lao động phổ thông thì Chủ nhật vẫn đi làm cả ngày).

Tự học vẫn là chính

Thực ra thì tôi có tự học lớp 10 trong vài tháng trước khi nhập học lớp 11. Tôi xin sách giáo khoa cũ chương trình lớp 10 để tự mày mò học. Không biết tôi học thế nào mà khi vào học lớp 11, các chú các bác cán bộ cùng lớp toàn nói "thằng này thày hỏi gì nó cũng đưa tay vì nó đã học lớp 10 trường chính qui, chứ không như anh em mình"!!
Cuối cùng thì tôi cũng có được cái giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 mà tôi cần, tôi thi tốt nghiệp với điểm số cao thứ nhì trong lớp. Học vậy mà điểm cũng cao thứ nhì lớp là biết rồi. Người ta nói "dốt chuyên tu, ngu tại chức" chắc là không sai!

Học với tư duy chiến lược

Học hỏi, nâng cao kiến thức và trình độ thì mới có cơ hội đổi đời, là điều đã xác định, nhưng học gì cái gì thì là một vấn đề quan trọng không kém.
Thời đó có nhiều anh chị, bạn bè khuyên tôi nên đi học nghề. Học một cái nghề gì đó, không mất nhiều thời gian và xong thì mình có thể kiếm tiền ngay. Thời đó tôi có một số chọn lựa như sau: học nghề sửa đồng hồ, sửa xe máy, sửa radio. Ngoài ra còn có thể học làm những thứ khác như làm bố thắng xe honda, học rang xay cà phê... 
Hình dung mình trong những công việc ấy, tôi tin là với chút năng khiếu khéo tay và bản tính cần cù của mình, tôi có thể sống tốt với một trong những nghề ấy. Vấn đề là tôi lại muốn làm cái gì đó to lớn hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn (gớm, lúc ấy đang đói ăn, thiếu mặc mà tôi vẫn suy nghĩ vậy đó!).
Phải nói thêm là môi trường xã hội lúc ấy không coi trọng nghề buôn bán, thậm chí chính quyền nhìn những người buôn bán, kinh doanh tư như là "kẻ thù của giai cấp", được gán những cái mác như "tư thương", "tư bản bóc lột", là đối tượng của chương trình "cải tạo công thương nghiệp", bị tịch thu tài sản hàng hóa mới vừa xong, nên trong suy nghĩ của tôi lúc ấy không nghĩ đến việc học để tự kinh doanh.

Cuối cùng thì tôi đã không chọn học nghề để kiếm tiền sống qua ngày, mà tôi chọn con đường khó khăn hơn. Tôi chọn đầu tư vào thứ rất mất công, mất sức, không giúp tôi kiếm tiền ngay, mà còn đòi hỏi sự khổ luyện thì mới có thể gọi là thành công. 
Tôi chọn học Tiếng Anh, vì Tiếng Nga và Tiếng Trung vốn là 2 ngoại ngữ phổ biến nhất hồi đó, là thứ mà dù tôi có cố mấy cũng không bao giờ bằng các anh chị ở Miền Bắc vào, các anh chị đi du học ở Đông Âu về. Mặt khác tôi nhìn thấy trong tương lai đất nước rồi sẽ mở cửa giao thương với tư bản nước ngoài, như Miền Nam trước đây. Tôi tin đến khi ấy nếu tôi giỏi Tiếng Anh thì nhất định tôi sẽ có cơ hội.

Vấn đề là nếu không có giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 thì tôi không thể xin học chương trình đại học ngoại ngữ hệ tại chức ban đêm. Trường có thể du di (cho nợ bằng) nhưng tôi sẽ không thể dự thi tốt nghiệp sau này. Nên thời kỳ đó tôi vừa làm vừa học văn hóa, vừa đi học ngoại ngữ. 
Vậy là Thứ Hai, Tư, Sáu tôi đi học chương trình cấp 3. Thứ Ba, Năm, Bảy tôi đi học chương trình đại học ngoại ngữ. Cả tuần tôi chỉ có tối Chủ Nhật để làm việc riêng, làm bài tập và ôn bài cho tuần đến (việc lao động phổ thông thì Chủ nhật vẫn đi làm cả ngày).

(còn tiếp)

Đỗ Hòa - Tinhhoaquantri.com

Pin It

Đăng Nhập