fbpx
Đỗ Hòa thời tuổi trẻ
Đỗ Hòa thời tuổi trẻ

Sau một thời gian bỏ học để làm lao động chân tay, tôi nhận ra rằng chỉ có học hỏi, mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực, thì tôi mới có cơ hội thay đổi tương lai và số phận của mình.

Nhìn nhận, đánh giá lại quyết định của mình.

Sau khi rời ghế nhà trường để làm việc kiếm sống được khoảng 6 tháng, tôi mới tỉnh tâm nhìn lại, đánh giá lại quyết định của mình, và tôi nhận ra một số vấn đề sau:

- Thực tế là không phải cứ chấp nhận làm lụng cực nhọc thì bạn sẽ có nhiều tiền. Môi trường lao động chân tay cũng rất cạnh tranh và thu nhập cũng không ổn định, ngày nhiều ngày ít. Muốn có nguồn thu nhập ổn định, bạn phải có một số lợi thế cạnh tranh nào đó. 
Chẳng hạn, sức khỏe và độ chịu khó của bạn. Bạn có sức khỏe tốt và sẵn sàng nhận việc bất kỳ khi nào người thuê mình cần. Bạn không ngại làm ít làm nhiều, làm nặng làm nhẹ để có tiền. Bạn tạo được mối quan hệ tin tưởng đối với những người thường xuyên có nhu cầu thuê lao động. Nếu bạn chỉ có thể nhận những việc nhẹ nhàng thì bạn sẽ có ít cợ hội việc làm hơn nguời sãn sàng nhận làm tất cả. Nếu bạn không làm thường xuyên, mà bửa làm bửa không thì bạn cũng không có nhiều việc. Người có nhu cầu muốn bạn phải luôn sẵn sàng khi họ cần.
Xem ra ngay cả khi mình nhận làm những việc nặng nhọc nhất, thấp kém nhất xã hội là lao động chân tay, thì đó cũng không phải là cách kiếm sống dễ dàng.

- Đó không phải là một sự chọn lựa giúp mình có cuộc sống ổn định. Thu nhập thì bấp bênh, hôm nhiều hôm ít. Trong khi đó, làm lao động phổ thông thì rủi ro tai nạn nghề nghiệp và bệnh tật rất cao. Bạn phải làm lụng khi nắng gắt cũng như khi trời mưa. Bất cứ khi nào người ta cần là bạn phải đi làm. Thời điểm ít người muốn nhận làm (trưa nắng, mưa lạnh, đêm khuya) thì đó mới có cơ hội cho bạn. Điểm này cũng giống như các bạn chạy grab thời bây giờ.
Chỉ cần bạn ngã bệnh, phải nghỉ ở nhà điều trị bệnh vài ngày là số tiền mà bạn đi làm dành dụm cả tháng coi như không đủ.

- Nhìn những anh, những chú, bác làm công việc như mình, tôi hình dung đến tương lai của mình. Mình sau này cũng sẽ như vậy sao?

- Còn tuổi thanh xuân, tuổi trẻ của tôi đâu (lúc ấy tôi chỉ mới 15-16 tuổi)? Số phận của tôi đã được an bài như thế này sao? Tôi đã phải cúi mặt, tránh đi hướng khác khi nhìn thấy các bạn học cũ của mình. Họ vẫn đang tiếp tục đến trường, còn tôi thì ăn mặc rách rưới, mồ hôi nhễ nhại, cày từ sáng đến chiều như thế này. Tôi không muốn các bạn nhìn thấy tôi trong cảnh này, tôi không muốn ai thương hại mình.

Quyết định hành động để thay đổi số phận.

- Không, tôi không muốn tương lai mình sẽ như thế mãi mãi. Tôi không thể mặc nhiên chấp nhận tương lai của mình cũng như các anh, các chú, bác đồng nghiệp ấy: quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả, lúc nào cũng mồ hôi mồ kê ướt sũng, cuối ngày thân xác rả rời mà chỉ kiếm được một ít tiền, lấy ly rượu ngâm rẻ tiền làm niềm vui cuộc sống...

Vậy là tôi quyết định giảm bớt thời gian làm việc, tôi chỉ làm việc ban ngày, để ban đêm rảnh tôi quay lại trường để tiếp tục học.

Chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình.

Sau một thời gian bỏ học để làm lao động chân tay, tôi nhận ra rằng chỉ có học hỏi, mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực, thì tôi mới có cơ hội thay đổi tương lai và số phận của mình.
Vậy là tôi tìm cách để đi học lại. Những năm ấy con cái những gia đình có lý lịch "không trong sạch" thì không được nhận vào học các trường đại học chính qui. Thời ấy vì có khá nhiều cán bộ nhà nước vì tham gia cách mạng mà việc học dở dang, nên nhà nước đã cho phép các trường mở những lớp bổ túc văn hóa, đại học tại chức, để đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ của cán bộ. May mắn là những lớp này người ta không phân biệt chính trị, lý lịch gì cũng học được, miễn có dấu xác nhận của chính quyền địa phương (thành viên những gia đình thuộc diện đặc biệt, được phân loại có tội ác, có nợ máu ... thì vẫn rất khó mà xin được phường xác nhận giấy tờ tùy thân). 

Không có điều kiện để học ban ngày thì tôi đi học ban đêm, không được nhận vào học chính qui thì tôi xin học các lớp tại chức.

Có một bí mật mà bây giờ mới tôi mới kể, rằng tôi chưa bao giờ học lớp 10. Lúc ấy cũng vì thấy các anh các chú cán bộ khai tự học lớp này lớp kia để bỏ băng một hai lớp để rút ngắn thời gian học, để cho nhanh lấy bằng, nên tôi cũng học tập các chú các bác ấy. Tôi khai đã tự học lớp 10 để xin vào học từ lớp 11. 

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập