Sự khác biệt về năng lực giữa một doanh nghiệp có thị trường mà không sở hữu nhà máy sản xuất, với một doanh nghiệp sở hữu nhà máy sản xuất nhưng không có thị trường là gì? Vâng, đó không là gì khác ngoài năng lực marketing!
Chính xác, đó là năng lực marketing!
Năng lực marketing là năng lực tạo ra và kiểm soát thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năng lực marketing giúp kiểm soát thị trường. Điều này cho phép bạn linh hoạt ở khâu sản xuất, một khâu đòi hỏi vốn lớn, quản lý phức tạp, nhưng nhiều rủi ro. Tự sản xuất lấy hoàn toàn, hay chỉ sản xuất một phần, hay thiết kế mẫu mã rồi lắp ráp, hay đặt hàng từ người khác sản xuất cho mình... tùy vào vị thế thị trường của bạn tại từng thị trường.
Một nhà phân phối mà có năng lực marketing giỏi thì có thể tự tin để ra nhãn riêng, để có thị trường thương hiệu riêng của mình, bên cạnh các thương hiệu phân phối khác.
Thị trường phân phối hôm nay là của mình, nhưng ngày mai thì không biết có còn của mình không, phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nhưng thị trường thương hiệu riêng thì là thị trường của mình. Bạn có thể yên tâm bỏ công sức ra để phát triển nó, vì nó là của bạn.
Năng lực marketing giúp bạn hiểu được nhu cầu của khách hàng, nắm bắt được các xu thế tiêu dùng, từ đó có thể phát triển sản phẩm phù hợp thông qua đặt hàng cho bên thứ ba nghiên cứu và sản xuất, bạn không cần phải trực tiếp nghiên cứu và sản xuất lấy.
Năng lực marketing giúp bạn chọn một phối hợp kênh tối ưu (online offline) nhờ đánh giá được sự phù hợp, tiềm năng, hiệu quả của từng kênh. Năng lực marketing cũng giúp bạn chọn đối tác phân phối phù hợp với chiến lược kinh doanh tại từng thị trường, qua từng giai đoạn phát triển thị trường khác nhau.
Năng lực marketing giúp bạn đặt một mức giá bán tối ưu cho từng đối tượng khách hàng, từng kênh, tại từng giai đoạn, để tối ưu hóa lợi nhuận. Điều đó chỉ có thể được nếu bạn hiểu giá trị thị trường của sản phẩm mình, chứ không chỉ dưa vào chi phí giá thành.
Năng lực marketing giúp bạn hiểu khách hàng cần gì, ai là người cần sản phẩm/dịch vụ của bạn, họ muốn gì, thích gì, họ mua như thế nào, mua ở đâu, điều gì có thể lay động con tim họ... giúp bạn thiết kế và chuyển tải thông điệp bán hàng hiệu quả hơn, giúp xây dựng một mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn.
Nắm nhà máy hay bí kíp sản xuất là không bền vì người có tiền có thể dễ dàng vay tiền đầu tư xây nhà máy để cạnh tranh với mình. Và kinh doanh của mình phụ thuộc vào khách hàng đặt hàng, họ có thể ép giá mình đến mức coi như mình làm không công cho họ.
Nếu bạn vừa có năng lực về sản xuất lại thêm năng lực marketing giỏi, thì kinh doanh của bạn chắc chắn sẽ tổt hơn người khác. Điều này cũng giúp bạn thu hút được nhiều đơn hàng gia công OEM hơn. Vì người đặt hàng biết rằng chất lượng sản phẩm của bạn đã được khách hàng tín nhiệm.
Vốn?
Vốn không còn là một vấn đề trong thời đại ngày nay. Dẫn chứng là các vụ thâu tóm tại thị trường VN trong thời gian qua, bên thâu tóm thường dùng tiền vay ngân hàng, tiền huy động từ người khác để thâu tóm, không phải từ tiền vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Con đường phát triển kinh doanh là khó khăn và thách thức. Work harder là không đủ, mà còn phải work smarter.
Đỗ Hòa - TINH HOA QUẢN TRỊ