Để có thể tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, thì trước hết người CEO phải hiểu "cách mà doanh nghiệp ấy làm ra tiền". Nói một cách nôm na là CEO phải có năng lực "đọc vị" doanh nghiệp.
Tạo ra giá trị cho doanh nghiệp thì có rất nhiều cách, và tôi cho rằng chính cái cách mà người CEO tạo ra giá trị, thể hiện năng lực và đẳng cấp của mình. Từ kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi xin liệt kê một số cách tiếp cận quản lý doanh nghiệp phổ biến dưới đây.
A) Định hướng tạo ra giá trị từ thị trường.
Các CEO có background kinh doanh (sales, marketing) thường thiên về hướng này.
1. Lấy công làm lời.
Cách tiếp cận này nhiều CEO áp dụng nhất: siết chi phí để cạnh tranh bằng giá thấp, áp dụng các chiêu ngắn hạn để bán cho được nhiều hàng và qua đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Cách tiếp cận này thường mang lại suất lợi nhuận thấp. Vị trí thị trường của doanh nghiệp cũng bấp bênh, bởi luôn có người có thể bán giá thấp hơn mình.
2. Khai thác lợi thế vô hình.
Người đẳng cấp hơn thì tìm cách tạo ra giá trị gia tăng bằng cách tìm tòi sáng tạo, bên cạnh lợi thế hữu hình, còn bỏ công xây dựng những lợi thế vô hình (thương hiệu, quan hệ...), và nhờ đó mà tạo ra được giá trị gia tăng cao.
Cách tiếp cận này nhờ có yếu tố lợi thế vô hình nên thị trường của doanh nghiệp tương đối ổn định hơn.
B) Định hướng tạo ra giá trị từ nội tại.
Các CEO có background thuộc một trong các chức năng quản lý (tài chính, sản xuất, kỹ thuật, nhân sự) thường thiên về hướng này.
3. Quản lý chi phí hoạt động.
Với định hướng nội tại thì chỉ có các loại chi phí nên cách tiếp cận đơn giản nhất mà nhiều CEO thường áp dụng, áp dụng rất phổ biến, đó là trả lương thấp, ép làm việc nhiều giờ, không trả lương ngoài giờ, cải tiến nhỏ để tiết kiệm chi phí, cắt giảm quyền lợi (BHXH, BHTN, thuế, phụ cấp...).
Cách tiếp cận này thường khó phát triển lớn mạnh vì tích lũy kém. Dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động.
4. Quản lý giá thành sản phẩm.
Cách khác nữa là người CEO tìm mọi cách để giảm giá thành sản phẩm, từ tối ưu hóa giá nguyên liệu đầu vào cho đến chi phí gia công sản xuất, chi phí kho vận... Thậm chí là nhiều trường hợp dẫn đến phạm trù đạo đức kinh doanh khi giảm chất lượng sản phẩm, giảm khối lượng... để giảm giá thành, qua đó tăng lợi nhuận.
Cách tiếp cận này có thể mang lại rủi ro về lâu dài, khó phát triển lâu dài.
Note: Các CEO tự phát do sự hạn chế về mặt tiếp cận kiến thức bài bản, những gì anh ta có là từ trải nghiệm thực tế trong môi trường quản trị đơn giản, nên tùy vào sở trường của từng người mà họ đi theo một trong các hướng trên.
C) Định hướng tối ưu hóa toàn diện.
Các CEO trưởng thành từ doanh nghiệp nhưng được đào tạo bài bản thì có năng lực để đi theo hướng này.
5. Quản lý chuyên nghiệp.
Chỉ có những CEO chuyên nghiệp, được tiếp cận kiến thức nền tảng nên mới có năng lực vừa khai thác giá trị theo hướng (1) vừa tối ứu hóa theo hướng (2) lại vừa có năng lực tư duy chiến lược, có kiến thức để tối ưu hóa tài chính, để khai thác tối đa nguồn lực và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững lâu dài.
Cách tiếp cận này thì giá trị thu được là tổng hợp từ tất cả các định hướng trên nên. Càng phát triển thì vị trí càng được củng cố nhờ không ngừng đổi mới.
6. Quản lý sáng tạo.
Không phải tất cả các CEO chuyên nghiệp ai cũng có tư duy hệ thống, ai cũng có thể thiết kế mô hình mới phù hợp hơn và tự tái cấu trúc doanh nghiệp mình.
Các CEO quản lý sáng tạo là các CEO quản lý chuyên nghiệp nhưng có thể kết hợp năng lực tư duy hệ thống với năng lực sáng tạo mà có thể thiết kế và tổ chức doanh nghiệp như một cổ máy chạy tự động.
Hệ thống quản lý tự động là hệ thống mà tự thân nó có năng lực chẩn đoán và phát hiện và ngăn ngừa những trục trặc có thể phát sinh trong quá trình vận hành.
Người CEO chỉ làm nhiệm vụ vạch đường cho cổ máy chạy (bằng chiến lược), và điều tiết tốc độ qua chân ga (bằng các mục tiêu, chỉ tiêu), và cứ thế mà vừa lái vừa quan sát những gì xuất hiện trên đường để điều chỉnh tay lái phù hợp (thu thập cập nhật thông tin, diễn biến thị trường để đưa ra các quyết định điều hành doanh nghiệp...).
Conclusion:
Để có năng lực quản lý chuyên nghiệp, thì các nhà quản lý, các CEO tự phát cần phải tiếp cận những kiến thức quản lý khoa học của thế giới, và phải kết hợp ứng dụng, trải nghiệm thực tiển để tạo cho riêng mình một tảng kiến thức quản lý khoa học.
Không có cách nào khác, và quả là không dễ dàng chút nào!
Và để có được nền tảng kiến thức này thì chắc chắn là không thể chỉ học vài tuần hay vài tháng.
Với bản thân tôi, để có thể thực hiện những chương trình cải tổ doanh nghiệp và qua đó nâng tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu công ty Kềm Nghĩa từ 13% lên 21% sau 10 tháng, khi tôi nhận làm CEO tại đây, thì trước đó đã phải nghiên cứu, học hỏi và trải nghiệm thực tế không dưới 15 năm ở cương vị CEO hoặc quản lý vùng.
Thú thật là tôi không tin khóa học CEO nào có độ dài vài tuần hay vài tháng, mà có thể trang bị được những năng lực nêu trên.
Đỗ Hòa - Chương Trình Huấn Luyện CEO Chuyên Nghiệp