fbpx

Nhân lãnh đạo TGDĐ chia sẻ định hướng phát triển của tập đoàn này trên báo chí, chúng tôi phân tích sơ bộ và nhận diện những thách thức đối với doanh nghiệp này trong việc hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.

Chu kỳ tăng trưởng

Trích dẫn từ vnexpress:

Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) cho biết, ưu tiên hàng đầu trong năm nay là phát triển chuỗi bách hóa lên khoảng 1.000 cửa hàng tại TP HCM và mở rộng phạm vi hoạt động tại Tiền Giang để thử nghiệm quy trình giao nhận hàng ngoại tỉnh của trung tâm phân phối. 

Công ty muốn đưa chuỗi bách hóa trở thành mảng kinh doanh lớn, hiệu quả và doanh thu gấp đôi chuỗi điện máy. Nếu điều này thành công thì chúng tôi sẽ phát triển đến mức khủng khiếp và vượt xa mục tiêu doanh thu 86.400 tỷ đồng”, lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định.

Chưa quan tâm đến việc đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá vốn bán hàng, nhưng ông Doanh cho rằng khi chuỗi vận hành ổn định và lượng khách tăng dần thì biên lợi nhuận gộp của ngành hàng này cũng được cải thiện từ mức 13-14% của năm ngoái lên khoảng 18%. Bình quân hàng tháng mỗi cửa hàng bách hóa mang về doanh thu khoảng 1,1 tỷ đồng hoặc cá biệt một số nơi diện tích lớn, gần khu đông dân cư có thể lên đến 2 tỷ đồng.

Công ty muốn đưa chuỗi bách hóa trở thành mảng kinh doanh lớn, hiệu quả và doanh thu gấp đôi chuỗi điện máy. NẾU ĐIỀU NÀY THÀNH CÔNG thì chúng tôi sẽ phát triển đến mức khủng khiếp và vượt xa mục tiêu doanh thu 86.400 tỷ đồng”.

Hết trích.

Trong khi đó, cũng theo báo này, các chuyên gia phân tích chứng khoán thì cho rằng mảng Bách hóa của TGDĐ có khả năng sẽ vẫn tiếp tục lỗ trong năm nay (2018).

Quan điểm của chúng tôi là TGDĐ khó mà lập lại kỳ tích của mảng điện thoại mấy năm trước đối với Bách hóa xanh.

Lý do là vì mảng bách hóa là mảng rất cạnh tranh, và đối thủ thì cũng toàn các tay chơi lớn của cả trong và ngoài nước. Chứ không như thị trường di động mấy năm trước đối thủ của TGDĐ chủ yếu là các doanh nghiệp nội ở qui mô nhỏ.

Lí do thứ hai là vì chu kỳ thị trường điện thoại tại VN thời điểm mấy năm trước thì còn đang ở giai đoạn đầu. TGDĐ đã đón đầu xu thế của thị trường, họ đầu tư mạnh để phát triển, và họ đã thành công trong việc nắm bắt cơ hội thị trường, khi mà thị trường đi vào giai đoạn tăng trưởng nóng sau đó.

Còn thị trường mảng bách hóa lúc này là đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng, và có vẻ sắp đi vào giai đoạn bão hòa, tức là giai đoạn mà các đối thủ lớn đã chiếm giữ thị phần ổn định, nên cạnh tranh thị phần (bằng giá) sẽ rất khốc liệt.

Xét về năng lực cạnh tranh của TGDĐ trong mảng bán lẻ bách hóa, thì họ chỉ có thể phát huy công nghệ phần mềm quản lý, còn các yếu tố khác cũng quan trọng như (nguồn cung/thu mua, bảo quản, quản lý khách hàng...) thì TGDĐ không có lợi thế gì so với các đối thủ khác, do vậy họ khó mà cạnh tranh hiệu quả (tức là lấy thị phần trong tình trạng có lãi).

Vậy rủi ro của TGDĐ nằm ở chỗ mảng điện thoại đã có dấu hiệu bão hòa, họ không tiếp tục phát triển điểm bán hàng như các năm trước.
Và theo qui luật thị trường, một khi thị trường đi vào giai đoạn bão hòa, thì suất lợi nhuận sẽ bắt đầu giảm dần do yếu tố cạnh tranh.

Lợi nhuận điện thoại giảm dần, trong khi bách hóa thì tiếp tục phải bơm tiền do vẫn lỗ, có lẽ là cái kịch bản xấu nhất của TGDĐ.

Doanh nghiệp nào cũng phát triển theo chu kỳ, đó là qui luật, không ai có thể cứ tăng trưởng hoài. Bởi thị trường nào cũng có lúc tăng thì cũng có lúc suy giảm, theo chu kỳ của Market Life Cycle. Giai đoạn chuyển tiếp từ tăng trưởng dựa trên một ngành này sang tăng trưởng dựa trên một ngành mới khác, là giai đoạn thách thức nhất. Nhiều doanh nghiệp không vượt qua được nên đành phải dừng lại, tận dụng cơ hội từ thị trường suy giảm và tức nhiên là doanh thu và lợi nhuận cũng suy giảm từ từ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng doanh nghiệp này cần phải giữ cho báo cáo tài chính của công ty đang niêm yết (MWG) tiếp tục tốt, bởi nếu nó kém hấp dẫn, thì sẽ dẫn đến tác động tiêu cực lên tâm lý của các nhà đầu tư cổ phiếu, và có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Đỗ Hòa
TINH HOA QUẢN TRỊ

Đăng Nhập