fbpx

Nội dung phát biểu của ông Đồ Hòa nhân Ngày Báo Chí Cách Mạng, được Sở TT-TT TP HCM tổ chức tại Hội trường Thành Ủy TP HCM vào ngày 19-06-2015.

Trước hết tôi xin chúc mừng các anh chị nhà báo, và xin được cảm ơn các anh chị về những đóng góp, hỗ trợ của báo chí đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Theo tôi, báo chí là tai mắt của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả thì phải nắm bắt được diễn biến thị trường và xu hướng tiêu dùng, kịp thời cập nhật những thay đổi để thích nghi với môi trường kinh doanh.

Ở các doanh nghiệp lớn bên cạnh thông tin báo chí, họ còn chi ra hàng triệu đô la thực hiện những chương trình nghiên cứu thị trường qui mô. Riêng doanh nghiệp Việt Nam, vốn hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nên với họ báo chí hầu như là kênh duy nhất giúp họ nắm bắt chủ yếu là họ nắm bắt thông tin qua báo chí.

Không chỉ là tai, mắt, báo chí còn là miệng của doanh nghiệp, bởi báo chí giúp chuyển tải các thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng và người tiêu dùng, giúp khách hàng và người tiêu dùng biết đến thương hiệu, đặc điểm và lợi ích của sản phẩm.

Bên cạnh những mặt tích cực, báo chí cũng có thể trở thành một mối hiểm họa đối với doanh nghiệp.
Trong những thuật ngữ liên quan đến khủng hoảng mà mỗi lần nghe thấy doanh nghiệp nào cũng e sợ, đó là khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng truyền thông.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thỉnh thoảng có những va chạm với báo chí, hoặc có những hành xử không đúng mực với người tiêu dùng khiến báo chí phải can thiệp.
Tôi cho rằng, những can thiệp nầy là cần thiết, bởi nó giúp doanh nghiệp nhận ra những mặt chưa tốt mà cải tiến sản phẩm và điều chỉnh cách ứng xử với người tiêu dùng cho tốt hơn.

Để các khủng hoảng truyền thông không dẫn đến hệ quả phải đóng cửa doanh nghiệp, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân, tôi đề nghị báo chí nếu phải "đánh" một doanh nghiệp nào thì xin các anh chị hãy chừa cho họ có cơ hội sửa chửa và tiếp tục phục vụ người tiêu dùng, không nên dồn họ đên đường cùng.

Về kỳ vọng của tôi với báo chí, theo tôi, báo chí phản ánh trình độ và nhận thức của doanh nghiệp về quản lý kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Theo đó, mức độ chuyên sâu của thông tin được phản ảnh trên báo chí cũng chính là những chỉ báo về trình độ chuyên nghiệp và năng lực của doanh nghiệp.

Do yêu cầu công việc, trước đây tôi thường phải đọc các báo nước ngoài trong khu vực. Khi so sánh các bài viết trên các báo khu vực với các báo trong nước, tôi nhận thấy báo chí trong nước vẫn còn một khoảng cách về kiến thức kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, về chiến lược và năng lực cạnh tranh. Các báo nước ngoài thường có những bài phân tích rất chuyên sâu, thể hiện một trình độ am hiểu sâu sắc về kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Nên tôi đề nghị các anh chị làm báo chí trong nước cố gắng tìm cách để nâng cao trình độ của anh em về mảng kinh doanh và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tôi cho rằng đây là việc làm hữu hiệu và thiết thực nhất mà báo chí có thể đóng góp nhằm giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Việc báo chí đề cập nhiều, phân tích chuyên sâu hơn về mảng kinh doanh và quản lý doanh nghiệp thì cũng giúp cung cấp thông tin, tác động đến các nhà làm chính sách, làm cho họ quan tâm hơn đến kinh doanh và doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra những quốc sách sâu sát hơn, hữu hiệu hơn để phát triển kinh tế quốc gia.

Xin cảm ơn các anh chị và các bạn.

Đỗ Hòa

Đăng Nhập