Những lúc kinh tế suy thoái, các chính phủ áp dụng các biện pháp để kiểm soát lạm phát như thế này, khi mà cơ hội vay vốn là khó và chi phí vốn cũng đang ở mức khá cao, thì doanh nghiệp nên trông cậy vào công cụ gì để tối ưu hóa vốn lưu động của mình?
Theo tôi doanh nghiệp nên quan tâm 3 chỉ tiêu sau:
- DSO (ngày nợ)
- DIO (ngày tồn kho)
- DPO (ngày thanh toán nợ)
Nếu tôi mà ngồi ghế quản lý như trước đây, thì tùy vào tình hình mà tôi ứng phó. Nếu tình hình tiền mặt mà rất căng thì tôi sẽ yêu cầu phòng KT-TC báo cáo nhanh mỗi sáng, và đưa ra ý kiến chỉ đạo hướng ứng phó luôn.
Còn nếu tình hình tiền mặt của doanh nghiệp là tạm ổn thì tôi sẽ yêu cầu báo cáo tuần và tôi sẽ xem xét điều chỉnh chính sách liên quan hàng tuần. Các chính sách liên quan cần phải điều chỉnh có thể là:
- Chính sách bán hàng, hình thức và điều kiện thanh toán cho từng nhóm đối tượng khách hàng.
- Chính sách công nợ và qui chế, qui trình thu tiền bán hàng, và chính sách khuyến khích thanh toán nhanh.
- Chính sách thu mua, điều kiện thanh toán, thời hạn giao hàng
- Chính sách lưu kho, qui trình xuất nhập, chính sách đối với hàng tồn lâu.
- Chính sách quản lý ngân quỹ doanh nghiệp.
- Chính sách và chiến lược vốn.
- Xem xét các hợp đồng vay vốn, thường xuyên cập nhật chào mời từ các tổ chức tín dụng khác nhau.
- Đánh giá phân loại và thương lượng lại với các nhà cung cấp để có chính sách thích hợp cho từng nhóm.
- Đánh giá lại tài sản, thanh lý các tài sản kém hiệu quả, chuyển mục tài sản để tối ưu hóa thuế.
- Thống nhất kế hoạch hành động tối ưu hóa vốn lưu động của các đơn vị, phòng ban liên quan.
- Điều chỉnh bổ sung KPI phản ánh mục tiêu và kế hoạch hành động tối ưu hóa vốn lưu động.
- ...
Qua những việc trên, chúng ta sẽ kết hợp điều chỉnh, cân bằng 3 chỉ tiêu trên để đạt mức tối ưu.
Nếu làm tốt những mục trên thì các anh chị có thể sẽ thấy ngạc nhiên vì hiệu quả mà nó mang lại còn cao hơn cả mong đợi. Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Nếu so với bán hàng thì lợi nhuận do tối ưu hóa tài chính là dễ kiếm hơn (!!), vì doanh nghiệp nắm phần chủ động, không phải cạnh tranh với ai như khi bán hàng.
Theo tôi, chiến lược quản lý lúc thị trường khan vốn, chi phí vốn đắt, thì khác với cách quản lý khi thị trường vốn dồi dào, chi phí vốn rẻ. Nhiều doanh nghiệp chết do đứt dòng tiền vì họ không dự báo về thị trường vốn để điều chỉnh chiến lược kinh doanh (vẫn vô tư vay vốn để ôm hàng). Hoặc do thị trường thay đổi quá gấp nên không điều chỉnh danh mục kinh doanh kịp (nếu dự báo được thì chủ động bán sớm, thoát sớm khi giá vẫn còn tốt).
Đỗ Hòa - on Management