fbpx

Môi trường kinh doanh luôn luôn thay đổi, các xu hướng mới được tạo ra từ sự biến đổi của một trong những tác lực vĩ mô (PESTLE). Trong đó, dịch bệnh là một yếu tố môi trường có tác động vừa trực tiếp đến sự vận động của thị trường, vừa có ảnh hưởng gián tiếp đến các yếu tố tác lực còn lại (kinh tế, xã hội).

Tôi nghĩ chúng ta cần quan tâm đến diễn biến dịch cúm coronavirus trước hết là vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của chúng ta, gia đình và người thân, bạn bè của chúng ta.

Kế đến tôi nghĩ là vì những tác động của nó đối với kinh tế.
Dịch này dù tổn thất về nhân mạng VN có cao hay không, thì tổn thất kinh tế là không tránh khỏi. Bởi kinh tế bây giờ là kinh tế hội nhập, thị trường bây giờ là thị trường liên thông.

Cùng với việc các con số nạn nhân bị thiệt mạng và bị lây nhiễm cúm coronavirus vẫn đang tiếp tục tăng, thì các quốc gia cũng theo đó mà lần lượt nâng cao cảnh giác, đóng cửa biên giới, cắt giao thông đi lại với TQ.

Mỹ vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe quốc gia (Public Health Emergency). Qua đó Mỹ cũng tuyên bố cấm nhập cảnh đối với những người đến từ TQ, và người có ghé TQ trong thời gian 14 ngày gần đây. Người Mỹ từ TQ về thì sẽ bị cô lập trong thời gian giám sát và xét nghiệm.

Động thái này của Mỹ sẽ có tác động lớn đối với kinh tế TQ trong trung hạn. Bởi nếu không đi lại giữa hai quốc gia được thì cho dù không đánh thuế thì giao thương giữa hai nước chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, không chỉ ảnh hưởng đến người TQ và người Mỹ, mà Mỹ còn áp dụng đối với cả người nước khác. Người nước khác nếu có đến TQ trong thời gian gần đây, thì cũng không được vào Mỹ lúc này.
Điều này sẽ khiến người ta ngại đến TQ, và do vậy cũng sẽ tác động đến việc làm ăn với TQ. Đó là chưa kể nhiều nước đã dựng hàng rào lên đối với người TQ vì lo ngại lây nhiễm dịch.

Trong tình hình TQ đang phải vừa đương đầu với chiến tranh thương mại, rồi các hoạt động sản xuất thương mại trong nước bị ảnh hưởng lớn vì phải dồn lực chống dịch. Thiệt hại kinh tế năm nay đối với TQ chắc chắn là không nhỏ (có người ước lượng khoảng 2% GDP).

Vậy nếu kinh tế TQ bị thiệt hai, sức mua của người TQ giảm, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của TQ giảm, sản xuất của TQ bị đình trệ, thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến VN?

Nhìn vào con số giá trị thương mại của VN với TQ là 117 tỉ đô la (trên tổng kim ngạch 500 tỉ đô la năm 2019 chiếm 22.6%). TQ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ.
Không chỉ nông sản như cao su, cà phê, dưa hấu, thanh long, gạo... mà cả về đầu tư và BĐS (hãy xem con số khách hàng mua BĐS trong năm qua, bao nhiêu là người TQ và có liên quan đến TQ thì biết). Có thể nói kinh tế VN phụ thuộc rất lớn vào TQ.

Tôi cho rằng dù có một số điểm tích cực, nhưng về tổng thể những khó khăn của kinh tế TQ sẽ kéo theo khó khăn cho kinh tế VN.

Vậy tôi khuyên các anh chị làm ăn, kinh doanh, đặc biệt là những ai có liên quan đến yếu tố TQ, nên ngồi lại để tính toán lại, có biện pháp cân bằng tài chính doanh nghiệp của mình để có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Quản lý rủi ro (risk management) phải là một nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ chính yếu của các cấp quản lý, biết lo xa và có trách nhiệm với những gì đã cam kết, cũng như là trách nhiệm về sự an toàn và sức khoẻ của những người dưới quyền mình là sự thể hiện tố chất của người làm công việc quản lý.

Đỗ Hòa - on Strategy & Risk Management

Pin It

Đăng Nhập