fbpx

Tuy không nhìn thấy, nhưng trần kiếng là trần năng lực, hiện hữu đối với mỗi người trong chúng ta, nó là sự giới hạn về tiềm năng và triển vọng mà mỗi người có thể với đến được.

Trần kiếng là gì?

Reaching-Your-PotentialTrần kiếng được ví như là một tấm trần trong suốt không nhìn thấy bằng mắt được, là một giới hạn về đỉnh cao mà một người có thể với tới được, hay còn gọi là trần năng lực. Tùy vào các điều kiện dưới đây mà độ cao của trần năng lực của mọi người khác nhau.

1. Tầm nhìn, vision.
2. Năng lực.
3. Ý chí, quyết tâm.

Tại sao lại được quyết định bởi 3 yếu tố trên?

Bạn có tầm nhìn, có hoài bão và rất tham vọng, nhưng bạn cao ngạo, không chịu khiêm nhường học hỏi nên năng lực thực tế của bạn không đủ để thực hiện được những việc to lớn mà bạn mong muốn.

Bạn được học hành đến nơi đến chốn, bạn cũng chịu khó làm việc nên bạn có năng lực, nhưng bạn thiếu ý chí, thiếu quyết tâm nên chỉ cần vấp phải một thách thức nhỏ là bạn buông. Như vậy bạn khó mà làm được việc lớn, khó leo cao.

Bạn học nhiều, nghiên cứu nhiều và có năng lực làm việc tốt, nhưng bạn an phận, không có hoài bão, không đặt ra mục tiêu gì cho bản thân mình. Cuộc đời cứ đưa đến đâu thì bạn đến đấy. Bạn không có động cơ để mà vượt qua hoàn cảnh để mà vươn lên trong cuộc sống.

Trần năng lực không nhìn thấy, thì làm sao để biết mình đã đụng trần?

Là khi mỗi sáng mai thức dậy, bạn không còn thấy háo hức trong lòng, không còn mong muốn đến nơi làm việc ngay để thực hiện những việc mình còn đang làm dở dang. Thay vào đó, các cuộc hẹn riêng tư, đàn đúm, vui chơi ngày càng chiếm nhiều thời gian của bạn hơn.

Là khi bạn đã cảm thấy thỏa mãn với những gì mà mình, công ty, đơn vị mình phụ trách đạt được, thỏa mãn với cuộc sống mà mình đang có.

Là khi mà đêm ngủ, nếu có một điều gì làm cho bạn phải trằn trọc thao thức, thì đó không phải là công việc hay những gì liên quan đến công việc.

Là thời điểm mà bạn cảm thấy mình đã biết đủ rồi, không còn muốn, không có nhu cầu cần phải học hỏi thêm gì nữa.

Là khi bạn đã đảm nhiệm một công việc trong một thời gian lâu hơn 3 năm, mà sếp chưa có ý định giao thêm việc, hay bổ nhiệm công việc mới thách thức hơn cho bạn.

Là khi mà trong lúc các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề vẫn đạt được sự tăng trưởng và tiến bộ, còn doanh nghiệp của bạn, đơn vị của bạn phụ trách thì dẫm chân tại chỗ, hoặc thậm chí đã có dấu hiệu bắt đầu thụt lùi, không tiến thêm được bước nào trong vòng 2, 3 năm qua.

Ứng xử thế nào khi đụng trần.

Tùy từng người sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Có người cảm thấy buồn, thất vọng khi biết mình đã đụng trần, đã vượt qua bên kia đỉnh đồi của sự nghiệp.
Có người lại dửng dưng, không bận tâm lắm, cuộc đời vẫn đẹp sao!
Và lại có người không chịu thừa nhận nó, cố bám víu lấy những hào quang cũ, nhưng đồng thời cũng không biết cách nào để nâng trần của mình lên.

Có nâng trần lên được không?

Tôi tin là bạn có thể nâng trần kiếng của mình lên, bằng các cách sau:

- Giữ lửa cho mình, sống lạc quan, suy nghĩ tích cực và luôn luôn có một mục tiêu lâu dài, không để những thất bại, khó khăn trước mắt làm nản lòng.
- Liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới; cải tiến, nâng cao năng lực. Khi thấy không hiệu quả thì ngay lập tức tìm cách thay đổi cho hiệu quả hơn.
- Kỹ luật, nghiêm khắc với bản thân hơn, giữ cho bản thân mình không bị lôi cuốn, xa rời những giá trị cốt lõi của bản thân mình.

Và cuối cùng.

Những người dũng cảm, khi biết họ đã đụng trần nhưng lực bất tòng tâm, họ biết mình không thể làm việc với năng suất như trước đây, họ biết mình không còn say mê với công việc như trước, họ biết mình không thể tiếp thu được những kiến thức hiện đại, họ sẵn sàng bước sang một bên, chấp nhận hạ mình xuống để nhường chỗ cho người có năng lực lãnh đạo cao hơn, để cho tổ chức, công ty có cơ hội tiếp tục tiến lên.

Đỗ Hòa

Pin It

Đăng Nhập