fbpx
Thị trường

Nhiều anh chị doanh nhân hỏi tôi rằng doanh nghiệp Việt Nam (VN) nên áp dụng chiến lược nào khi Việt Nam tham gia thị trường AEC trong năm 2016.

Thật khó để đưa ra một lời khuyên mà doanh nghiệp nào cũng áp dụng được, bởi mỗi doanh nghiệp mỗi hoàn cảnh, mạnh yếu khác nhau. Thay vì trả lời câu hỏi này, tôi xin mạn phép đưa ra một số gợi ý về lợi thế mà doanh nghiệp VN nói chung có thể có được so với doanh nghiệp các nước khác trong cộng đồng AEC.

Lợi thế so sánh với các quốc gia AEC khác.

Về cơ bản, chúng ta có 4 lợi thế so sánh, gồm chi phí nhân công; năng lượng; gần các thị trường tiềm năng là Campuchia, Lào, Myanmar; và gần nguồn cung nguyên liệu.

Có lẽ ai cũng đã quen thuộc với nhận xét rằng Việt Nam có chi phí lao động thấp. Tôi chỉ bổ sung thêm những con số cụ thể: Chi phí lao động Việt Nam trên mỗi ngày công là 6,7USD so với nước gần nhất là Indonesia với 8,6 USD, và nước cao nhất là Singapore với hơn 80 USD (theo ASEAN Today).Và để khai thác lợi thế này, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cần tập trung vào những sản phẩm thâm dụng lao động. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, tôi khuyên các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá lại danh mục sản phẩm của mình; chủ động sàn lọc, bổ sung danh mục sản phẩm mới theo hướng này.

Đối với các doanh nghiệp không sản xuất sản phẩm hoàn thiện, mà tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp nước ngoài khác thì mạnh dạn nghiên cứu khả năng tham gia sâu rộng hơn đối với những công đoạn, những chi tiết mà qui trình gia công có tính cách thâm dụng lao động.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Việt Nam dù có lợi thế về chi phí lao động thấp, nhưng cũng kèm theo một điểm bất lợi là năng suất lao động của người Việt không cao. Do vậy doanh nghiệp phải vừa áp dụng khoa học kỹ thuật vừa cải tiến phương thức quản lý thì mới có thể tận dụng tốt lợi thế về chi phí lao động thấp.

Đối với yếu tố năng lượng, Việt Nam trước đây cũng từng có lợi thế so sánh về giá điện so với các nước ASEAN khác. Lợi thế này đã giúp phát triển ngành thép và thu hút nhiều đầu tư FDI thuộc loại thâm dụng năng lượng. Tuy nhiên, do chính sách thị trường hóa giá điện mà chính phủ đưa ra gần đây, lợi thế này, tuy vẫn còn, nhưng đã dần mất đi.

Về mặt thị trường, so với các quốc gia khác trong khối AEC doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan có lợi thế như nhau về mặt khoảng cách tiếp cận thị trường Campuchia, Lào và Myanmar. Như vậy, nếu có ý định phát triển thị trường ra nước ngoài, có lẽ các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu các thị trường này trước để khai thác lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian và chi phí cũng như khả năng thâm nhập thị trường nhanh chóng.

Đối với những sản phẩm giá trị thấp mà nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu là đến từ Trung Quốc (TQ) thì các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp phía bắc, có lợi thế về giá thành so với các quốc gia AEC khác nhờ vào chính sách thương mại biên mậu giữa VN và TQ. Tuy nhiên, lợi thế này cũng có thể không ổn định do phụ thuộc vào đặc điểm của thương mại biên mậu.
Tương tự như vậy đối với các quốc gia lân cận như Cambodia, Lào, nếu doanh nghiệp Việt có thể tranh thủ nguồn cung từ các quốc gia này (nông sản, lâm sản, khoán sản) để làm nguyên liệu sản xuất thì họ sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác.

Các lợi thế mặc định của sản phẩm địa phương.

Có một số sản phẩm do đặc thù của nó, doanh nghiệp địa phương luôn có lợi thế hơn so với sản phẩm nhập. Cụ thể với các sản phẩm cồng kềnh, chi phí vận chuyển sẽ khá cao. Do vậy nếu có cùng chất lượng cũng như các yếu tố khác, doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế nhất định khi so sánh về giá nhờ không phải trả hoặc trả thấp hơn cho chi phí vận chuyển, nhập khẩu so với sản phẩm từ các quốc gia khác.

Các sản phẩm được tiêu thụ trong thời gian ngắn sau khi sản xuất như thực phẩm, bánh kẹo cũng sẽ là lợi thế mà các doanh nghiệp cần nghĩ đến.

Ngoài ra, cần lưu ý đến các sản phẩm mang tính văn hóa địa phương bởi các sản phẩm này chỉ có người Việt có nhu cầu, hoặc nhu cầu của người địa phương thì có khác so với sản phẩm tiêu chuẩn trên thế giới. Các thương hiệu lớn, thương hiệu nước ngoài thường không quan tâm các thị trường ngách này.

Cuối cùng, không kém quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ nhắm vào thị trường bình dân. Lý do là vì các thương hiệu nước ngoài thường chú ý đến thị trường cao cấp nhờ lãi cao và trung lưu với quy mô lớn, mà ít để ý đến thị trường bình dân bởi đây là thị trường đòi hỏi nhiều công sức, chi phí đầu tư cao nhưng lãi suất thấp. Trên thế giới đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi vươn lên từ thị trường bình dân trong nước.

Trong thị trường hội nhập, khi hàng rào thuế quan hạ xuống thì hàng rào kỹ thuật được dựng lên và một số nước đã sử dụng một cách rất khôn ngoan để bảo vệ cho một số sản phẩm nội địa của họ. Việt Nam tuy chưa có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng hàng rào kỹ thuật, nhưng tôi tin đây là thời điểm các doanh nghiệp cần chủ động nghĩ đến việc vận động hành lang và tham vấn chính phủ để giúp chính phủ xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ mình.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý rất chung. Tóm lại, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, muốn cạnh tranh và phát triển bền vững, không còn cách nào khác là doanh nghiệp Việt phải đi chung con đường của thế giới đó là đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất; xây dựng thương hiệu, marketing, kênh phân phối …

Đỗ Hòa, Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập