fbpx

Chia sẻ bài phân tích của một người rất am hiểu về FPT về tình hình của FPT và vai trò Chủ tịch Trương Gia Bình, được Facebooker Nguyen Ba Ngoc đăng lại trên tường của anh.

FPT và vai trò Chủ tịch Trương Gia Bình

Status đã biến mất của Thái Thanh Sơn. Tác giả viết ra là ai mình ko biết, chỉ biết SonTT post lên. Tối qua mình chép lại vì nghi sẽ bị gỡ - y như rằng... Giờ post lại, ai nhanh tay thì chép về nha ko đảm bảo lát nữa còn đâu.

"Một người đã viết ra mà chẳng báo nào dám đăng, mà bạn ý cũng chả dán đăng lên FB cá nhân.
Dũng Đê tiện bảo: anh Sơn nếu còn đủ yêu FPT thì phang ra đi.
Yêu FPT anh chả bao giờ chối và chưa bao giờ hết.
Vậy phang thôi. Tien Hoang Nam, Nguyễn Thành Nam, Thanh Nguyen Khac, Minh Chiet

"FPT không có Trương Gia Bình
-NTN-

Thật khó mà tưởng tượng Vincom không có Phạm Nhật Vượng,
Hay Viettel mà vắng Nguyễn Mạnh Hùng.
Nhưng FPT mà không có TGB thì chẳng sao. Hay ít nhất là bên ngoài nhìn như vậy. Trên thực tế là đã có những lúc B đi công du kết hợp tư du, hay thậm chí đi “thiền” hàng tháng, giấu hết điện thoại, thư tín, mọi việc vẫn chạy tốt. Các cuộc họp không có B thậm chí còn đỡ căng thẳng hơn.
Hay là đã đến lúc FPT thực sự không cần B thật?
Khẽ mồm thôi. Ngọc mà biết sẽ chửi tanh bành. Chúng mày định phản thùng hả. Không có chuyện FPT mà không có Bình. Đúng là bảo hoàng hơn vua.
Nhưng thay Bình hoàn toàn không đơn giản.
Khác với đa phần các đại gia Việt nam khác, B không ham quyết, nên hay tìm cách xây dựng hệ thống để nó tự ra quyết định, kiểu như anh chàng lười nấu nướng giặt giũ, cố gắng chế ra cái robot để nó làm hộ. Từ năm 1991, đi học Tây về, công ty có nhúm người, lương bỏ phong bì xếp cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu. B đập hết, đòi hỏi phải làm bảng lương, có cơ sở lý luận về bậc ngạch. Thuê hẳn bạn mình là tiến sĩ Toán học Trần Văn Trản làm .... Năm 1994, B yêu cầu trợ lý, lại một tiến sĩ Toán khác là Hùng râu thiết kế mẫu báo cáo tài chính hàng tuần cho tất cả các bộ phận nhỏ to dù cho bản thân đương sự còn vẫn không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền. Năm 1999, đang yên lành, B lại sai Hùng Râu bắt anh em làm ISO/CMM, cả công ty bỏ bê làm ăn hàng năm ngồi viết lại qui trình. Lần này đòi hỏi chứng chỉ phải được công nhận toàn cầu. Và gần đây nhất, khi cảm thấy đã đến lúc mình ko còn độc quyền về chiến lược nữa là dự án kiểm soát chiến lược BSC nổi tiếng mà đến tận giờ vẫn ít người hiểu.
Giữa các đại gia Việt, B cũng chưa bao giờ nổi bật trong việc “ngửi” hay “chạy” những cơ hội kinh doanh có ý nghĩa đột phá. Đất xin được thì đem trả lại. Giấy phép thì cái gì người ta xin được hết thì mình mới xin được. Ngân hàng thì lúc người ta chạy ra thì mình nhảy vào, may suýt chết. Viễn thông di động thì lúc xin được thì không xin, đến lúc phải bỏ tiền ra mua thì lại tiếc.
Tuy không thực sự nhạy bén về kinh doanh, nhưng khi đã bắt đầu làm cái gì thì B thường làm đến cùng, bài bản, như Tây. Thậm chí đến mức cố chấp. Nên cái tưởng như vứt đi hóa lại vẫn ra tiền, như Internet có dây, hay Phân phối thiết bị công nghệ.
B có biệt tài diễn thuyết aka “chém bão” làm đối phương há mồm, nức lòng quân sĩ. Thực lòng là tôi không biết nếu ko có B, thì ai sẽ đại diện Việt nam đi chém gió tại Diễn đàn kinh tế Davos. Đi khách, đặc biệt là khách quốc tế. B có khả năng đàm đạo thâu đêm từ Phật học, Lịch sử đến Phim ảnh, Nghệ thuật. Gặp các hãng công nghệ, B có thể chém về Big Data, IoT đến mức có thể làm cho họ hoang mang, bỏ mịa không khéo đây là đối thủ của mình trong tương lai. Một lần “đi khách” với B tại Tokyo, tôi đã sửng sốt khi B thông báo rằng, nếu không làm việc với FPT thì khách hàng (một công ty đại gia ở Nhật) mới là người phải lụn bại.
Hội nghị chiến lược hàng năm của tập đoàn FPT là diễn đàn ưa thích của B. Đó là nơi B trình bày những ý tưởng viển vông đầy tính dọa dẫm của mình. Năm nào B cũng vẽ ra một thế giới tương lai rất khác, mà những tướng lĩnh ngồi đây, nếu không chịu động tay động chân sẽ chẳng còn một chỗ đứng. Chưa hết, sau hội nghị, B còn thường xuyên đòi hỏi, xem họ đã thực hiện được gì từ khi đại hội kết thúc, kể cả họ không hiểu gì đi nữa. Chiến lược của B đơn giản là luôn làm cho đội ngũ lãnh đạo không bao giờ được dừng lại. Nói một cách nôm na, B như 1 bà vợ yêu chồng, nhưng luôn đòi hỏi vô độ cả về tinh thần, vật chất lẫn thể xácJ
Tuy Tây vậy, nhưng B thích anh em quây quần, sẵn sàng nhậu xỉn, hứng lên thoát y nhảy múa... nên phòng B thường xuyên có những người gõ cửa tư vấn.
Nhờ có những mối quan hệ gia đình thân thiết, B còn được trực tiếp thụ giáo những nghệ thuật tác chiến, quản tướng, khích dân, từ những lãnh đạo ưu tú nhất của Việt nam qua hai cuộc chiến tranh gần đây.
Tóm lại, theo một người bạn, kiêm nhà tướng số, cũng là người đồng sáng lập FPT – Nguyễn Trung Hà, B là một nhà lãnh đạo Việt mà rất Dương, cực hiếm ở đất nước Việt nam này.
Vậy thì tại sao gần đây FPT chững lại, người tài lũ lượt ra đi. Mặc dù liên tục kêu gọi “tăng trưởng đột phá”, cổ phiếu FPT vẫn lình xình, chưa có một hướng kinh doanh mới nào thực sự sáng sủa.
Ngẫm kỹ, tôi tự nhận thấy, có lẽ khiếm khuyết lớn nhất của B là không biết tiêu tiền, dẫn đến cực đoan là coi thường những người có tiền. B muốn là người “đứng trên tiền bạc”. Nên trong danh sách đại gia, tài sản B cứ tụt dần. Thật tiếc, giá mà B được gia nhập câu lạc bộ Tỷ phú thế giới, với năng lực giao tiếp của mình, tôi tin rằng B sẽ có khả năng nâng tầm thương hiệu đất nước, mang lại nhiều những cơ hội to lớn cho tất cả các ngành nghề ở Việt nam.
Trong quản trị, B có tài truyền lửa, nhưng cứ động đến lương thưởng là B lúng túng. Bởi thế lửa truyền đi nhưng không giữ được lâu. Hệ thống bên dưới càng ngày càng cũ kỹ. Cách đây mấy năm, khi được nhân sự thông báo, là năm nay tôi chỉ có thể tối đa nhận được xxx tiền, tôi đã nghĩ là nhân sự nhầm. Phải là tối thiểu chứ. Đặt mức tối đa thì còn gì là động lực phấn đấu nữa. Hóa ra chính sách mới đúng là qui định mức thu nhập tối đa thật.
Trong lúc thân mật, B thừa nhận với các anh em thế hệ sau, là ông không có năng lực làm họ giàu lên được nữa. Anh có thể làm cho các chú sống sung túc, nhưng giàu có như bọn anh thì ... anh xin lỗi.
Nên thực tế là anh em tài năng trẻ, có thể gia nhập FPT để học hỏi, xây dựng các quan hệ, nhưng khi cần kiếm tiền, họ sẽ chuồn ra ngoài.
Giấc mơ FPT càng ngày càng trở nên không có hình hài rõ ràng cho mỗi nhân viên.
Vậy mà chính FPT đó, năm 2006, khi lên sàn đã làm nên một huyền thoại khi biến những nhân viên bảo vệ, thư ký, lễ tânthành triệu phú đô la. Nhưng đó là trước đây khi B có những tay “chuyên nghiệp” ham tiền như TienLQ, ĐA, hay TungND quây quần. Nhưng ĐA thì đã ra đi. Tiến thì mất khá nhiều động lựcsau vụ TPB, Tùng như ở ẩn tại FPTS, ít lai vãng đàn đúm.Không còn ai miêu tả cho lớp trẻ một giấc mơ đổi đời dễ hiểu như nhà lầu xe hơi, chứ không chỉ một chân tham gia xây dựng hạ tầng của ha tầng cho một đất nước “mãi không chịu phát triển”.
Nên cứ vẫn phải thử suy nghĩ về 1 FPT không có B.
Đồng ý là B lập ra FPT, B có thể làm đến trọn đời. Nhưng FPT được xây dựng để trường tồn theo “built to last” của Jim Colins nên kiểu gì cũng phải sống lâu hơn cá nhân.
Điểm từ cấp thế giới xuống cấp phường xem B đang làm gì? Và làm thế nào để thay thế.
Đại diện doanh nghiệp Việt nam tham dự WEF Davos. Như trên đã nói rất khó thay B ở điểm này. Tuy nhiên vụ này hậu quả không lớn. Cùng lắm chỉ mất vài khách hàng tiềm năng của Fsoft. Còn vẫn phải làm thì thuê béng luôn 1 Tây lông đóng thế. Tây lông được cái chém gió tiếng Anh từ khi đẻ, nói chuyện Việt nam còn hay hơn ta nói.
Tại mức quốc gia, B đang dẫn dắt VINASA. VINASA đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử lobby chính sách xây dựng nền móng ngành công nghiệp gia công phần mềm. Không có B, FPT nên rút lui đứng đằng sau, làm vai trò nhà Sponsor cho đàn em xây dựng ngành sản xuất Apps.
Hàng tuần, B chủ trì họp Think Tank. Họ gồm các nhân sĩ (đã có tuổi) trong và ngoài biên chế nhà nước, tâm huyết với đất nước, mong muốn thay đổi thể chế phát triển công nghệ, làm giàu quốc gia. Tuy nhiên chẳng hiệu quả. Quan chức bây giờ sợ dân, không sợ nhân sĩ chém gió. Muốn ảnh hưởng, cứ làm mấy cơn bão mạng. Sợ ngay.
Ở mức tập đoàn, quan sát thấy B có các việc như sau (đánh số thứ tự):
1. Tham dự họp giao ban hàng tuần
2. Chủ trì họp HĐQT hàng quí
3. Đi bán hàng cho Fsoft (thỉnh thoảng FIS)
4. Đi hối thúc các lãnh đạo đơn vị,
5. Phát biểu tạo cảm hứng cho nhân viên
6. Có mặt tại các sự kiện có các nhân vật CNTT đình đám và chụp ảnh chung.
7. Tiếp khách tại phòng riêng
8. Chủ trì họp chiến lược hàng năm

Ta sẽ đánh giá mức độ thay thế theo kiểu dễ/khó/cực khó
1/ Dễ. Việc này B tham gia chủ yếu để lấy thông tin, hỗ trợ cho việc 6. Một hệ thống báo cáo tốt có thể thay thế được.
2/ Dễ. Đó là trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT do pháp luật qui định. Chỉ cần giữ nguyên ban soạn thảo nghị quyết.
3/ Khó. Có lẽ giải pháp tốt nhất là tạo thành Một đội thay cho Một người.
4/ Dễ. Nên chọn một phụ nữ có tính cách mặt sắt đen sì vào chân Giám sát thực thi kế hoạch.
5/ Dễ. Hiện tại có 1 số ứng cử viên thay thế sáng giá.
6/ Khó. Vì không những phải có mặt, mà phải có tính cách “xán lại”, lấy bằng được ảnh. Chưa thấy ai có thể thay được. Thương hiệu FPT có thể sẽ vì thế mà bớt nổi đi một chút
7/ Dễ. Không có B sẽ có người khác. Chỉ cần dán ở cửa phòng: “ai muốn vào cứ đẩy cửa vào. Nếu ngần ngại thì gõ khẽ 3 tiếng, đợi 3 giây rồi đẩy cửa vào” như trước phòng Thành còi.
8/ Cực khó. Từ hàng chục năm qua, B là người luôn cầm chịch các hội nghị chiến lược, đưa ra các khẩu quyết mà đa phần không ai hiểu là gì như “Cái ấy” năm 2009, hoặc quá điên rồ như “1B” năm 2003.

Vậy đấy, không có Trương Gia Bình, FPT sẽ vẫn phát triển, thậm chí có thể còn nhanh hơn, nếu được trợ lực bằng những giấc mơ tiền bạc. Nhưng về dài hạn, phi cơ phản lực đó có thể mất phương hướng, chậm dần và sẽ hạ cánh đâu đó trong thế giới hỗn mang, một cách đầy bí ẩn như MH370!
Ai sẽ là người thay B đưa phi cơ đó lên những tầm cao mới?"

(chép lại từ Facebook Nguyen Ba Ngoc)

Pin It

Đăng Nhập