fbpx

Tôi tin là sau bao nhiêu năm kinh doanh, thì ai cũng sẽ nhận ra rằng chất lượng của đội ngũ nhân chính là yếu tô quyết định thắng-thua trên thương trường về lâu về dài. Bởi con người mới chính là tâm điểm của tất cả mọi chiến lược.

Hệ sinh thái

Đơn giản là bởi vì những lợi thế khác đều không bền vững. Ngoài ra, nếu chất lượng đội ngũ nhân sự mà kém thì cho dù chủ doanh nghiệp có lợi thế gì cũng khó mà khai thác hết, khó mà phát huy tối đa được.

Nhiều doanh nghiệp, thuở ban đầu nhờ người chủ nắm bắt cơ hội mà phất lên nên họ không coi trọng yếu tố con người trong chiến lược kinh doanh của mình.
Những doanh nghiệp này tin rằng chỉ cần người chủ giỏi là đủ.

Nhưng khi doanh nghiệp phát triển qui mô kinh doanh lên và nguyên tắc vận hành của doanh nghiệp vì thế mà cũng chuyển từ "bóng bàn" sang "bóng đá". Thì khi đó, tầm quan trọng của vai trò cá nhân người chủ bị giảm đi.

Một người đứng đầu giỏi không thôi là chưa đủ, mà cần phải cả một đội ngũ giỏi. Tức là năng lực của từng cá nhân trong đội ngũ, và sự phối, kết hợp của từng người trong việc thực thi ý đồ (chiến lược) mới là yếu tố quyết định thành công cho doanh nghiệp.

Đã qua rồi cái thời "bắt" một sao ở đâu đó về rồi yên tâm giao việc. Vì có ngày sao đến thì cũng sẽ có ngày sao đi. Đó là chưa nói đến một thực tế là sao không phải là phép mầu, nhiều sao bị lu mờ, không phát huy được khi thay đổi môi trường.
Rồi đưa sao về mà quản lý không khéo đôi khi làm rối đội hình cũ của mình, sinh ra tị nạnh, so bì, bất hợp tác... ảnh hưởng năng suất chất lượng của cả team.

Ở các quốc gia đi trước, người ta đã sớm nhận ra rằng năng lực cạnh tranh bền vững nhất chính là chất lượng của đội ngũ nhân sự. Vì vậy nên họ mới chịu khó bỏ công đi săn người từ trong trường đại học, vì vậy mà họ quan tâm thích đáng vào chức năng quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.

Việt Nam đi sau nên doanh nghiệp chúng ta vẫn còn chưa bắt kịp họ về mặt nhận thức. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra điều này, trong khi số lớn thì chưa.

Nhiều doanh nghiệp trước đây coi rẻ nhân sự của mình, để họ ra đi, sau này đã phải trả lương cao hơn, bổng lộc cao hơn để mời họ về lại.

Nhưng nhân sự cũng chưa phải là điểm dừng cuối cùng, một công ty mạnh thì phải mạnh đều hết, chứ không chỉ mạnh một hai chỗ, còn các chỗ còn lại thì yếu kém. Cũng như bóng đá, dàn công hay thì dàn thủ cũng phải giỏi, thì mới duy trì được hiệu số bàn thắng-thua nghiên về phía mình cho đến phút chót.

Tuy nhiên, thay đổi nhận thức thì là chuyện khó mà vội được, nhất là đối với người Việt mình. Cần phải có thời gian, cứ phải lên bờ xuống ruộng nhiều lần thì người ta mới dần ngộ ra.

Tôi cho rằng sau thời gian đầu chỉ quan tâm tập trung vào bán hàng, sau đó thì giai đoạn tập trung tìm vốn, và giờ đến thì có vẻ như đã bắt đầu giai đoạn tập trung vào con người.

Rồi sẽ còn tiếp tục đến những mảng khác của quản trị doanh nghiệp, như marketing và thương hiệu, như sản xuất, như R&D, như CNTT, như cross-functional management... cho đến khi nhận thức của cộng đồng doanh nhân đi đến điểm cuối cùng: lợi thế của một doanh nghiệp phải là sự tích hợp của cả một hệ thống.

Trong khi đó, ở giai đoạn này thì nền quản trị kinh doanh thế giới bên ngoài đang kết nối các hệ thống đơn lẻ thành các hệ sinh thái. Còn các hệ thống thành phần thì chuyển dịch từ hệ thống sustainable (bền vững), sang một hệ thống nhanh nhạy (agile).

Cuối cùng, để thúc đẩy quá trình transformation của doanh nghiệp cần có vai trò của chính phủ, vai trò kiến tạo.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập