fbpx

Nghiên cứu và Phát triển là một chức năng mang tính sáng tạo, nó đóng vai trò sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, chức năng này đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trung tâm R&D của tập đoàn Shell tại Pháp

Chức năng nhiệm vụ của R&D.

Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển tên gọi Tiếng Anh là Research and Development (R&D) đảm nhiệm 2 nhiệm vụ:

  1. Đảm bảo sự cải tiến liên tục của doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng
  2. Phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm, công nghệ mới đặt nền móng về kỹ thuật cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.

Nội dung hoạt động của chức năng R&D

Từ 2 nhiệm vụ chính này, bộ phận R&D phải thường xuyên có những đề án (project) nghiên cứu nhằm cải tiến ứng dụng của sản phẩm (functional performance). Hoạt động này thường được căn cứ trên:

  • Phản hồi của khách hàng về sản phẩm: chất lượng, độ bền, ứng dụng, tính thân thiện với người dùng, độ an toàn và giá thành sản xuất...
  • Kết quả so sánh cạnh tranh với đối thủ (benchmarking): cải tiến sao cho sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng về một số chỉ tiêu nhất định so với sản phẩm của đối thủ.

Mặt khác, chức năng thứ hai của R&D là chức năng mang tính chiến lược: chuẩn bị cuộc chơi của doanh nghiệp về mặt công nghệ, kỹ thuật. Tức là R&D nghiên cứu để tìm ra, ứng dụng những công nghệ mới, sử dụng vật liệu mới nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm sẽ được tung ra thị trường trong tương lai.

Để thực hiện chức năng này, R&D thường có những chương trình nghiên cứu, những đề án tìm tòi, phát minh mang tính đột phá. Các đề án này có thể được tài trợ và chủ trì hoàn toàn bởi doanh nghiệp, hoặc cũng có thể được hợp tác với các tổ chức bên ngoài (trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế...).

Điều kiện cần thiết cho hoạt động R&D.

Vai trò của R&D là vô cùng thiết yếu, tuy nhiên R&D thường là cuộc chơi giữa các ông lớn trong ngành, bởi hoạt động R&D đòi hỏi một sự đầu tư khá tốn kém cho hai phần: phần cứng và phần mềm:

  • Cơ sở hạ tầng, thiết bị nghiên cứu, thử nghiệm và các phần mềm chuyên dụng.
  • Nhân lực chuyên môn.

Quan hệ liên phòng ban và bên ngoài.

Một điều quan trọng là dù vai trò của R&D chủ yếu là nghiên cứu ở phía sau (back office), các hoạt động R&D là hoạt động được giữ bí mật tuyệt đối, nhưng vì hoạt động R&D là nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về mặt kỹ thuật hiện tại và trong tương lai, nên R&D cũng phải song hành với chức năng marketing, phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và thị trường.

Vai trò chiến lược.

Cũng chính từ sự đầu tư tốn kém này, các doanh nghiệp lớn thường mạnh dạn đầu tư vào R&D và xem nó như là một rào cản cạnh tranh, ngăn không cho các đối thủ nhỏ thâm nhập thị trường và thách thức vị trí của mình.

Đỗ Hòa

Tinh Hoa Quản Trị.

Pin It

Đăng Nhập