Phương Trang cũng như nhiều doanh nghiệp khác, làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa, nhưng không phải lỗ từ ngành nghề chính của mình, mà lỗ bởi ngành khác mới mở rộng thêm sau này.
Nhiều doanh nghiệp thua lỗ do yếu tố bên ngoài (thị trường chuyển biến không thuận lợi), nhưng cũng có doanh nghiệp thua lỗ do yếu tố nội tại (năng lực và hệ thống không đáp ứng kịp, kiến thức và văn hóa của tổ chức không phù hợp với ngành nghề mới).
Quan sát nhiều trường hợp tôi thấy có một điểm chung sau: Rủi ro do "quen đếm tiền cắc, chưa quen đếm tiền cục".
Những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận đến từ nhiều nguồn nhỏ, nhiều giao dịch có qui mô và giá trị nhỏ (chẳng hạn như kinh doanh taxi, bán lẻ điện máy, sản xuất gia công nhỏ lẻ hoặc buôn bán lẻ...) thì tôi gọi là "kinh doanh tiền cắc".
Còn khi kinh doanh mà mỗi phi vụ, mỗi hợp đồng có giá trị hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỉ, thì tôi gọi đó là "kinh doanh tiền cục" (chẳng hạn như kinh doanh BĐS, đầu tư tài chính, sản xuất theo hợp đồng lớn, bán buôn, xuất nhập khẩu...).
Những doanh nghiệp "kinh doanh tiền cắc" khi mở rộng chuyển sang "kinh doanh tiền cục", thì rủi ro đầu tiên mà họ thường gặp đó là rủi ro từ quá trình ra quyết định (decision making process).
Gọi là rủi ro lớn và khó ngăn chặn là vì đây rủi ro nằm ở cấp cao nhất của tổ chức (Chủ tịch, CEO).
Thông thường "kinh doanh tiền lẻ", thì các quyết định kinh doanh thường được đưa ra một cách nhanh chóng và thường do một người đưa ra. Do đặc thù "kinh doanh tiền lẻ" nên nếu có lỡ đưa ra một quyết định sai lầm, thì cũng chẳng thiệt hại gì lớn. Nhỏ thì mất vài triệu, lớn thì vài chục triệu đồng.
Chẳng hạn như với taxi, thì chỉ là mất vài cuốc xe, hay lớn hơn là một điểm bắt khách.
Nhưng khi "kinh doanh tiền cục", thì một quyết định đầu tư sai lầm có thể phải trả giá đến hàng trăm tỉ đồng, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng.
Chẳng hạn như một dự án BĐS hay dự án đầu tư mở rộng sang một ngành mới, mà nếu quyết định sai thì có thể dẫn đến thua lỗ hàng trăm tỉ đồng, thậm chí là có thể làm cho doanh nghiệp phá sản.
Đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp không nhận thức được điều này. Nên họ đưa ra quyết định đầu tư hàng trăm tỉ mà cũng giống như khi quyết định một quyết định mua bán vài chục triệu đồng. Trình tự và thủ tục thì họ cũng làm nhưng chẳng qua là để đối phó, để vay tiền ngân hàng. Dẫn đến nhiều vụ thua lỗ một cách rất là đáng tiếc.
Theo tôi, khi thay đổi chiến lược kinh doanh, đặc biệt là khi thay đổi bản chất của hoạt động kinh doanh như kiểu từ "kinh doanh tiền lẻ" sang "kinh doanh tiền cục", thì việc đầu tiên phải làm là thay đổi, bổ sung qui trình quản lý sao cho phù hợp với bản chất của hoạt động kinh doanh mới.
Theo đó, chính sách của công ty phải được bổ sung những điều khoản quản lý quyết định đầu tư. Các qui trình, thủ tục và công cụ kiểm soát rủi ro phải được xây dựng và bổ sung, và kỹ luật thực thi thì phải nghiêm.
Có như thế thì mới mong giảm thiểu được rủi ro, và có thể phát triển bền vững.
Nhưng, như tôi đã nói ở trên, rủi ro dạng này thỉnh thoảng vẫn xảy ra, là vì nó nằm ở ngay thượng tầng của hệ thống quản trị. Nên những doanh nghiệp quản lý kiểu gia trưởng, kiểu độc tài cá nhân thì khó mà tránh khỏi.
Thêm vào đó, họ cũng không muốn, hoặc chưa có thói quen sử dụng kinh nghiệm của người khác để làm lợi cho mình. Thà mất trăm tỉ chứ không bỏ ra 1 tỉ để khỏi mất trăm tỉ kia.
Đỗ Hòa - Tinhhoaquantri.com