fbpx

Trong quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa, vẫn có một số ý kiến băn khoăn về khả năng doanh nghiệp sau khi nhà nước thoái vốn sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Theo quan điểm của tôi thì thâu tóm hay không thâu tóm, ai thâu tóm ai... là chuyện của thị trường. Việc doanh nghiệp nầy thâu tóm doanh nghiệp kia là hoạt động bình thường của kinh tế thị trường tự do. Và khi một doanh nghiệp đã tham gia đầy đủ vào thị trường rồi thì hầu như không thể ngăn chặn bị thâu tóm nếu doanh nghiệp ấy không đủ mạnh để có thể tự bảo vệ mình.

Hãy mổ xẻ trường hợp của Sabeco.

BiaSaigonKịch bản 1:
Cứ cho là Sabeco được bán cho một doanh nghiệp Việt Nam khác, không bán cho các hãng bia nước ngoài. Liệu sau đó có ngăn được doanh nghiệp Việt Nam kia bán lại cho hãng bia nước ngoài không?

Tôi cho rằng vấn đề chỉ là giá bao nhiêu, và sau mấy tháng thì Sabeco chuyển sở hữu sang nước ngoài.

Dẫn chứng: Một lô đất tại vị trí cực kỳ hot và nhạy cảm của Q1, TP. HCM, trước đây cũng được nhượng lại cho một doanh nghiệp Việt Nam để phát triển BĐS với lý do tương tự. Nay thì quyền sở hữu BĐS nầy đã được chuyển nhượng sang cho một đối tác khác có yếu tố nước ngoài với giá rất tốt.

Kịch bản 2:
Cứ cho là Sabeco chỉ được bán cho doanh nghiệp Việt, và doanh nghiệp Việt Nam nầy không bán lại ngay mà giữ để tiếp tục kinh doanh.

Liệu một tay ngang (tôi cho là tay ngang vì với Việt Nam, Sabeco là lớn nhất, không doanh nghiệp trong ngành nào lớn hơn) như doanh nghiệp Việt ấy, có cạnh tranh nổi với các tập đoàn nước ngoài đã có kinh nghiệm hàng trăm năm trong ngành bia, với nguồn lực tài chính gần như vô hạn?

Khó, rất khó! Sau khi đã tháo đi mấy chữ DNNN đi thì các đối thủ nước ngoài họ không phải nể nang hay e dè gì nữa, thị phần lớn như Sabeco chắc chắn sẽ là đích ngắm của họ.  Lỗ vài năm và mất dần thị phần, buộc doanh nghiệp Việt nầy cuối cùng cũng phải bán lại thôi, đơn giản là vì đó là qui luật mạnh được, yếu thua của thị trường tự do.

Tiếc nếu sau nầy nhãn 333 được phát triển trở thành thương hiệu bia quốc tế?

Tôi cũng không tin là doanh nghiệp bia nước ngoài mua Sabeco rồi họ sẽ phát triển thương hiệu 333 ra nước ngoài. Lý do là vì 333 chỉ là một nhãn local ở vùng "low tier", lợi nhuận thấp, không ai mang đi thay thế các nhãn premium đang có lợi nhuận cao.

Nói một cách khác, 333 chỉ thuận lợi khi phát triển đến các thị trường có nhu cầu thấp, mà số nước nghèo hơn VN trên thế giới thì không nhiều.

Vậy số phận các nhãn bia thuộc Sabeco sẽ như thế nào?

Nếu một doanh nghiệp bia nước ngoài thâu tóm Sabeco, tôi tin là họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì 333 như là một nhãn địa phương (local brand), để lấp vùng phân khúc giá thấp, và còn sử dụng như là một fighting-brand để chiến đấu với các nhãn low-price khác. Khi kinh tế phát triển, tức là thu nhập người dân cao hơn, nhu cầu bia cao cấp tăng dần, thì họ sẽ dần dần nâng cấp (upgrade) người tiêu dùng lên các nhãn quốc tế (international brands).

Logic của chiến lược nầy là, nếu thị trường hiện tại (dù lợi nhuận chưa cao) là của anh, thì thị trường tương lai (khi có thể kiếm lãi nhiều) chắc chắn cũng là của anh. Mondelez mua mảng bánh kẹo của Kinh Đô cũng với mục đích tương tự.

Chiến lược nầy là một trong hai cách thâu tóm thị trường, được các tập đoàn lớn áp dụng khá phổ biến trong một số industry.

Đỗ Hòa
Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập