Doanh nghiệp có tiến bộ, có phát triển hay không là do người lãnh đạo có đảm bảo dành thời gian và công sức cho việc phát triển hay không. Với nhiều người thì việc xử lý sự vụ hàng ngày ở công ty không là hết thời gian rồi, là muốn điên cái đầu lên rồi, thì còn đầu óc đâu mà lo chuyện phát triển!
Nhiều anh chị lãnh đạo doanh nghiệp suốt ngày bù đầu bù cổ giải quyết sự vụ, đến độ chẳng còn thời gian để làm việc gì khác, chứ chưa nói đến thời gian dành cho mình và gia đình.
Số anh chị khác thì né tránh trách nhiệm giải quyết công việc của mình bằng cách giao việc lại cho người nhà, người thân tín, muốn giải quyết sao cũng được, khi có ai kiện tụng gì thì mình mới có ý kiến chỉ đạo, sửa sai.
Cả hai cách trên đều không tốt các anh chị ạ, doanh nghiệp mình không lớn nổi vì mình có dành thời gian công sức gì cho việc phát triển doanh nghiệp đâu? Nội việc xử lý sự vụ hàng ngày ở công ty không là hết thời gian rồi, là muốn điên cái đầu lên rồi, thì còn đầu óc đâu mà lo chuyện phát triển!
Thực ra thì đây không phải là vấn đề gì mới, thế giới người ta đã trải qua và từ nhiều chục năm nay họ đã có cách giải quyết mà vẫn đảm bảo nắm được hoạt động doanh nghiệp, không bị mất tính kiểm soát, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chẳng những không bị giảm sút mà còn được nâng cao nhờ phát huy được trí tuệ và năng lực của đội ngũ.
Để làm việc này, nói một cách đơn giản, là thay vì phải xử lý từng công việc khi chúng phát sinh thì họ tìm cách tính toán trước, hoạch định trước. Từ khối lượng hàng hóa bán ra, vật tư nguyên liệu mua vào, sản lượng nhà máy, số lượng nhân công và trình độ tay nghề, cho đến vốn liếng hoạt động và giá vốn hàng bán, chi phí vận hành ... sao cho đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Trên cơ sở này, họ phân công, giao quyền lại cho cấp dưới tự quản lý và giải quyết theo một định hướng chung gọi nôm na là "chiến lược".
Nhờ vậy mà lãnh đạo doanh nghiệp giờ đây có thể yên tâm chuyển sang quản lý tổng thể thay vì quản lý sự vụ, để có thời gian cho những công việc khác quan trọng hơn như: tư duy chiến lược, để tìm cách cải tiến mô hình và hiệu quả kinh doanh, tìm cách tối ưu hóa tài chính, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, quan hệ xã hội, quan hệ đối tác... và dành thời gian cho việc riêng tư.
Và trên đây mới đúng là "strategic management", tức là quản lý doanh nghiệp theo kiểu tính trước, lường trước từ xa, chứ không như một số nơi diễn giải là "quản lý quá trình hoạch định chiến lược" hay "quản trị chiến lược".
Concept nói một cách đơn giản là vậy, nhưng để triển khai thì cần phải áp dụng một số chính sách, qui trình, công cụ quản lý phù hợp, mô hình tổ chức phù hợp, và phải bắt đầu tư thay đổi nhận thức. Và lãnh đạo doanh nghiệp cần một phương thức để xác lập một định hướng hoạt động chung cho doanh nghiệp, gọi là chiến lược.
Đỗ Hòa
Tinh Hoa Quản Trị