fbpx

Đúng ngày này 15 năm trước tôi chia tay với cấp trên và đồng nghiệp, chấm dứt 9 năm công tác tại tập đoàn Shell.

Cảm ơn Shell về những điều mà tôi đã học hỏi được, cùng với những thách thức rất thú vị mà tôi đã có cơ hội trải qua, nhất là trong giai đoạn phụ trách vùng ASIA-PACIFIC.

Thật không dễ dàng để được tín nhiệm và được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng và thách thức như vậy trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Cảm ơn cấp trên và các đồng nghiệp đã đặt niềm tin vào tôi. Tôi nghĩ tôi và các bạn khác trong team cũng đã làm hết mình để không phụ lòng mọi người.

Nhìn lại, nếu ai có hỏi tôi điều gì đã giúp tôi thành công trên cương vị phụ trách vùng của một tập đoàn lớn như Shell vào thời đó, thì tôi có thể chia sẻ một vài điều mà tôi cho là critical như sau:

  1. Liên tục nghiên cứu học hỏi.

    Không ai giỏi tuyệt đối mọi lĩnh vực. Nếu nỗ lực và tập trung, bạn hoàn toàn có thể vượt lên ở một lĩnh vực nào đó. Học không có nghĩa là phải đến và ngồi trong lớp. Bạn có thể học bất kỳ ở đâu, bằng bất kỳ phương thức nào mà bạn có thể tiếp cận được. Học hiệu quả hơn thường gắn với việc học trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn hơn, tức là học một cách chủ động, đi tìm kiến thức mà học. Bởi nếu ngồi chờ thì bạn cũng chỉ học được những thứ bình thường như những người khác.
    Kết quả của việc học hỏi, thu nạp kiến thức được đánh giá qua kết quả công việc, không phải ở số giấy chứng nhận việc học.
  2. Nỗ lực vượt qua chính mình.

    Hãy cố gắng để tạm đặt qua một bên những tự ti, mặc cảm liên quan đến hoàn cảnh, xuất thân của mình, để có một cái nhìn lạc quan về tương lai phía trước như bao nhiêu người khác. Bạn có thể có một xuất phát bất lợi về mặt cự ly, chứ không phải bất lợi về mặt tinh thần thi đấu. Không bao giờ xác định mình "đi thi đấu để học hỏi là chính". Thay vào đó, phải xác định "anh làm được thì tôi cũng làm được". Và không chỉ dừng lại ở lời nói mà phải tìm mọi cách để làm cho bằng được.
    Về vấn đề này thì tôi cũng phải cảm ơn cấp trên vì đã khuyến khích tôi mạnh dạn thể hiện mình. Thời điểm đó (1999), không nhiều người nghĩ một người thuần Việt như tôi có thể làm tốt một công việc mang tính chất trí tuệ, phụ trách một vùng thị trường rộng lớn của một tập đoàn lớn hàng đầu của thế giới như tập đoàn Shell.
  3. Đề cao sự khác biệt.

    Team của tôi thời đó, mọi người không chỉ khác nhau về quốc gia, chủng tộc, văn hóa, quan điểm chính trị... mà còn khác nhau về tôn giáo, lối sống. Một team chưa đến 10 người mà có đầy đủ 5 tôn giáo lớn nhất của thế giới trong team như vậy thì ngay cả việc chọn nhà hàng để cùng ăn trưa với nhau cũng là một vấn đề nhạy cảm, huống hồ gì đến việc thảo luận và đi đến sự thống nhất hành động với nhau về những vấn đề kinh doanh.
    Thách thức lớn nhất của tôi khi làm việc với mọi người trong team, là phải vượt qua được những rào cản đến từ cái cảm nhận ban đầu: "tay này đến từ VN, một nước cộng sản mới mở cửa có vài năm, và hắn ta không được giáo dục ở các nước Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Hà Lan ... như tụi mình".
    Không chỉ chấp nhận hay thừa nhận, mà bạn hãy đề cao sự khác biệt của những người khác. Nếu muốn được người làng bên chấp nhận mình, thì bạn phải đề cao những đặc điểm, sự khác biệt của làng bên so với làng mình. Nếu muốn làm được việc với người khác, thì hãy nhìn nhận những sự khác biệt của họ một cách tích cực.
    Theo tôi thì chúng ta không nên có ác cảm, hay suy nghĩ tiêu cực về những gì khác với mình, mà hãy tìm hiểu trước đã. Tất cả mọi sự tồn tại đều có lý do của nó. Kỳ thị, phân biệt là tự cô lập mình, tự hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực và cơ hội của mình. Tư duy càng cởi mở thì càng mở ra nhiều cơ hội.
  4. Ở một vị trí lãnh đạo thì không chỉ cần nói được, mà phải làm được.

    Đồng nghiệp của tôi toàn là những người giỏi dang. Có người có thành tích học tập xuất sắc từ trường đại học (đứng đầu khóa), hầu hết được đào tạo từ các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Úc... Họ là những người có kiến thức chuyên môn cũng như thành tích công việc xuất sắc (nếu không thì không tồn tại được trong môi trường ấy). Bản thân tôi rất tự hào khi được làm việc cùng với các đồng nghiệp của mình.
    Khi làm việc trong một môi trường như vậy, bạn buộc phải nói được thứ "ngôn ngữ" của họ, và để làm được điều ấy bạn cần phải học rất nhiều như tôi đã nói ở trên. 
    Nhưng nói được, nói hay thôi chưa đủ để mọi người lắng nghe theo mình, mà bạn phải chứng minh lời nói, bằng cách phải làm được những gì mình nói (gọi là walk-the-talk).
    Bạn nghĩ việc đưa ra định hướng, rồi phản biện góp ý vào chiến lược và kế hoạch bán hàng, marketing, supply chain, technical ... của các bạn đồng nghiệp ở các quốc gia khác là dễ lắm ư! 
    Không hề! Công việc này không hề dễ dàng tí nào, bởi họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, là thổ thần thổ địa trên đất nước của họ. Bạn không thể cứ áp cho họ mà phải thuyết phục được họ, và để thuyết phục được thì bạn phải chứng minh rằng kiến thức của bạn là đúng đắn và đã được chứng minh trong thực tế. 
    Còn không thuyết phục được họ, tức là bạn không áp được định hướng cấp vùng vào các thị trường, thì coi như là bạn đã thất bại trên cương vị người phụ trách vùng rồi. Và thường trong trường hợp này thì bạn sẽ được thay thế sớm thôi.
  5. Quản lý bản thân.

    Như mọi người biết, làm một công việc cấp vùng có nghĩa là bạn phải di chuyển rất nhiều, rất ít khi được ngủ ở nhà. "bếp nhà" của bạn là nhà hàng của các khách sạn 5 sao. Nhiều lúc tôi ngán ngẫm các bửa ăn buffet và thèm tô bún hay dĩa cơm Việt Nam.
    Không chỉ là vấn đề khẩu vị, mà di chuyển qua nhiều nước khác nhau đòi hỏi bạn phải làm quen được với việc ăn, ngủ lệch múi giờ. Nếu bạn mà ăn không ngon, ngủ không ngon, thì bạn khó trụ được đến 6 tháng. Tôi đã từng chứng kiến sự thay đổi đáng kinh ngạc của một đồng nghiệp nữ chỉ sau 4 tháng bạn ấy nhận việc tài chính cấp vùng. Mà đó mới là tài chính, một công việc không đòi hỏi phải di chuyển nhiều như việc của tôi. Sức khỏe suy yếu thì bạn khó mà yên tâm tập trung làm tốt được công việc của mình. Xin chuyển việc chỉ là vấn đề thời gian.
    Tôi ban đầu cũng thế, đi máy bay xuống là trong người mệt, ăn không ngon, họp bị mất tập trung. Nhưng nhờ kiên trì điều chỉnh nên dần tôi quen được. Tôi quen dần với các món ăn không sử dụng nhiều gia vị, tôi quen với việc ngủ trong các phòng khách sạn có nhiệt độ lạnh khác nhau, gối nệm cứng mềm, dày mỏng khác nhau.
    Tôi cũng đặt ra nguyên tắc hạn chế về số lượng và thời gian khi có tiệc tùng, ăn uống, tiếp khách với các đồng nghiệp. Có lẽ nếu tôi mà cứ "tới bến" hay "mát trời đất" như nhiều người khác thì chắc tôi không trụ được lâu.
    Tôi xác định rất rõ cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là lâu dài cái gì là tạm bợ. Nên với một công việc như thế, với mức thu nhập khá tốt, tôi không hề nghĩ đến việc gian dối trong việc chi tiêu bằng ngân sách của công ty, dù công ty cho phép tôi chi tiêu thoải mái mà không cần phải có được sự phê duyệt trước của cấp trên.
    Quản lý bản thân đôi khi cũng là một thách thức, cám dỗ khó vượt qua.

Làm quản lý cấp cao như thế có khó quá không các bạn? 
Tôi thì nghĩ tôi làm được thì các bạn cũng làm được! Tôi chỉ nghĩ những gì mà người ta làm được thì người Việt mình cũng làm được.

Đỗ Hòa
P.S. Những chia sẻ trên của tôi có thể áp dụng và phát huy trong môi trường các công ty, tập đoàn đa quốc gia, và có thể không phù hợp để áp dụng trong một số môi trường khác (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp gia đình)

Pin It

Đăng Nhập