fbpx

Con đường truyền thống là tập trung gia công và xuất nguyên liệu thô đang ngày càng khó gặm hơn với những DN Việt trước những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới. Muốn kiếm được nhiều tiền từ thị trường châu Âu, Nhật Bản hay ASEAN, các DN Việt đều phải tính đến chuyện đầu tư vào R&D, sản xuất ra sản phẩm sáng tạo và làm thương hiệu cho chúng.

CON ĐƯỜNG XUẤT KHẨU TRUYỀN THỐNG ĐÃ KHÓ CÀNG THÊM KHÓ

Theo nhận định của Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hòa trong Tọa đàm ‘Diễn biến kinh tế 2022-2023 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam’ do Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức; thì Việt Nam của chúng ta có nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài rất nhiều, với cơ cấu xuất khẩu lớn.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào số liệu và bản chất của vấn đề, thì chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và nông sản thô theo kiểu OEM với giá trị thấp, dù đó là vào thị trường lớn nhất là Mỹ, hay lớn nhì là Trung Quốc hay châu Âu, Nhật – Hàn… Chưa hết, theo ông, trong thời điểm này, tất cả các thị trường nói trên đều đang gặp khó khăn.

Về thị trường Mỹ

Không kể ngoài vài loại nông hải sản đặc thù, thực tế là Mỹ chỉ nhập các loại hàng điện tử cao cấp – các sản phẩm này hiện chúng ta không làm được. Vậy nên, thực ra là chúng ta bán vào thị trường Mỹ khá ít hàng.

Còn nếu xét về nội hàm, thì những hàng hóa xuất khẩu với giá trị gia tăng cao như điện thoại, linh kiện điện tử từ Việt Nam (nếu có), đều xuất phát từ các công ty FDI.

Theo Chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Samsung nói nhà máy của họ ở Thái Nguyên đã được nội địa hóa 55%, nhưng theo 1 nghiên cứu của 1 trường đại học uy tín tại Việt Nam, phần giá trị gia tăng mà các DN Việt đóng góp vào các sản phẩm của Samsung chỉ khoảng 18%.

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn suy giảm, lạm phát tăng cao, sức mua giảm. Với quá trình toàn cầu hóa, nhiều nước phát triển ở phương Tây, trong đó có Mỹ, đã đẩy các loại sản xuất giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường đến các nước đang phát triển. Sau một thời gian, Trung Quốc đã ‘bẻ gãy’ các rào cản của chiến lược này, bằng cách buộc các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao các công nghệ cốt lõi cho các doanh nghiệp nội địa.

Với việc ‘chiến tranh thương mại’ Mỹ - Trung nổ ra cũng như việc Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách ‘Zero Covid’, đã khiến chuỗi cung ứng của thế giới bị đứt gãy. Rồi khi Mỹ không mua hàng của Trung Quốc nữa mà mua từ nhà cung khác, đồng nghĩa với giá cao hơn trước.

Bên cạnh đó, trước đây, Tổng thống Donald Trum ra lệnh cho nhiều ‘ông lớn’ trong ngành công nghệ của Mỹ đưa sản xuất quay về nước Mỹ. Trong tương lai, Mỹ sẽ giảm nhập khẩu linh liện điện tử và hàng công nghệ từ Việt Nam, ASEAN lẫn châu Á. Ví dụ: hiện tại, Mỹ đang nhập rất nhiều chip từ Đài Loan, nhưng trong tương lai sẽ khác.

Về thị trường Trung Quốc

Do đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ, cộng với khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành bất động sản – tài chính và chính sách ‘Zero Covid’,Trung Quốc thường xuyên siết biên giới. Theo đó, chính sách đóng các đường biên của họ luôn khó đoán và rất khó để biết khi nào họ đóng khi nào họ mở, đặc biệt là đường tiểu ngạch.

“Trong chuỗi cung ứng của thế giới – nuôi trồng (nguyên liệu thô) chính là mắt xích chịu nhiều rủi ro nhất, vì nó phụ thuộc nhiều vào thời tiết và sự biến động giá. Còn những khâu làm ra sản phẩm có thương hiệu hay cung ứng và thương mại ít rủi ro hơn. Mà trong rất nhiều loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, nông dân Việt Nam chính là người trồng, còn thương lái Trung Quốc đi mua”, ông Đỗ Hòa cho hay.

Về thị trường Nhật – Hàn

Sau khi có các FTA, các doanh nghiệp đến từ Nhật - Hàn đang tận dụng hoàn hảo chúng: nhập linh kiện từ nước họ, lắp ráp ở Việt Nam, rồi trả thành phẩm về nước họ hoặc xuất khẩu qua Mỹ. Có thể nói, nhiều doanh nghiệp FDI đang tận dụng các FDA giỏi hơn các doanh nghiệp Việt!

Với thị trường Nhật – Hàn, xuất nhập nhiều hay ít tùy thuộc vào việc bán cho nước thứ 3 như thế nào, khả năng tiêu thụ của nước thứ 3 ra sao.

“Nền kinh tế Nhật đang có dấu hiệu suy giảm, lạm phát cao. Dù vậy, Nhật Bản vẫn là một thị trường tiềm năng, song khó tính. Các doanh nghiệp Việt phải có những sản phẩm sáng tạo với tiêu chuẩn kỹ thuật mới lạ, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản, thì mới xuất thành công.

Ví dụ, với nông sản đặc trưng của Việt Nam, chúng ta cũng phải làm R&D tốt để đưa ra thành phẩm gì đó mới, thì mới hút người tiêu dùng Nhật. Hoặc khách hàng Nhật có yêu cầu sản xuất gì, chúng ta cũng phải đáp ứng được. Tại đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều nhà máy chế biến nông sản chuyên xuất đi Nhật, nhưng hầu như không có phòng R&D”, ông Đỗ Hòa nhận định.

Tóm lại, Nhật Bản là một thị trường có thể khai thác tốt dù khối lượng đặt hàng không lớn, trái ngược với Mỹ. Hoặc nôm na, 1 đơn hàng đi Nhật chỉ có vài container, mỗi đơn lại có những sáng tạo khác nhau, song bù lại giá cao. Trong khi hàng đi Mỹ thường là nguyên liệu thô và với số lượng thường vài chục container, giá trị thấp.

Thị trường châu Âu

“Chúng ta thường nhập máy móc và thiết bị từ châu Âu về Việt Nam để gia công – làm OEM. Vậy nên các doanh nghiệp châu Âu hiểu rõ tường tận năng suất, ưu nhược điểm từng dây chuyền và máy móc của các doanh nghiệp Việt. Do đó, thường họ đã tính toán hết và chỉ để lại cho các doanh nghiệp Việt một chút phí gia công cỏn con. Nếu doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính chỉ chuyên OEM cho thị trường châu Âu, rất khó giàu!

Muốn kiếm được nhiều tiền ở thị trường châu Âu, chúng ta cần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp bản địa. Muốn thế, chúng ta phải phát triển R&D, ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; rồi chúng ta sẽ tốt lên từng ngày và đến ngày nào đó có thể cạnh tranh được với châu Âu”, ông Đỗ Hòa phân tích tiếp.

Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine cũng đang khiến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp Việt ngày càng khó hơn. Vì tàu phải đổi cảng, khiến chi phí logistics tăng lên, vấn đề công nợ cũng khó lấy hơn trước.

Và dù khủng hoảng năng lượng và lạm phát của châu Âu có ngày càng gia tăng, thì ‘hàng rào kỹ thuật’ vẫn còn đó. Các Chính phủ của châu Âu rất giàu kinh nghiệm, họ thường đưa ra những rào cản để bảo vệ doanh nghiệp của mình trước tiên.

Theo ông Hòa, nhiều doanh nghiệp Việt nghĩ rằng, ‘chỉ tập đoàn lớn hoặc toàn cầu mới quan tâm đến giá dầu, còn mình không cần’ là không đúng. Kể cả khi bạn chỉ xuất khẩu há cảo hay thanh long đi châu Âu, thì cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi giá dầu nhích lên hoặc xuống.

Từ Việt Nam đi châu Âu theo đường biển mất khoảng 40 ngày, từ châu Mỹ đi châu Âu mất khoảng 30 ngày. Nếu giá dầu lên cao bất thường, có thể sẽ khiến giá logistics cao gấp 20 - 30 lần so với trước đây. Và nếu cân đo đong đếm, thì rõ ràng tiền logistics quá cao không thể bù cho giá nguyên liệu và nông sản thấp, người châu Âu sẽ quay qua nhập hàng từ châu Mỹ.

Cũng như thế, nếu giá logistics quá cao, thời gian lại vận chuyển lâu hơn, thì nhiều khả năng người Mỹ sẽ nhập nông sản nhiệt đới từ Trung Mỹ thay vì từ Việt Nam như trước đây. Vậy nên, có thể nói, giá nhiên liệu ảnh hưởng lớn đến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và Mỹ.

“Chúng ta hình dung một cách đơn giản, thị trường có hàng cao cấp, trung cấp và bình dân giá rẻ. Những lúc khó khăn như thế này, nhu cầu giá rẻ nhiều hơn cao cấp và trung bình; ưu tiên mua sản phẩm nội địa thay vì nhập khẩu, bởi người tiêu dùng không muốn trả cao hơn. Các doanh nghiệp châu Âu tới Việt Nam đặt hàng cũng yêu cầu đặt hàng giá không tăng, dù mọi thứ đang tăng chóng mặt.

Để ứng phó, các doanh nghiệp có thể ra nhãn hàng khác, ngoài thứ đã có sẵn như cao cấp hoặc trung bình; mua nguyên liệu của nhà cung cấp khác và xoay chuyển sang phân khúc giá rẻ hoặc chịu khó bán không lời, chứ không nên giảm giá rẻ. Chúng ta có thể hy sinh lợi nhuận chứ không được hy sinh thị phần. Có thị phần là còn mình, mất thị phần là mất hết!

Sau đó, chúng ta sẽ dần dần giảm giá thành, giữ nhãn hàng trung bình như cách để truyền thông, sản phẩm giá rẻ để chiến đấu và giữ thị phần”, ông Đỗ Hòa khuyến nghị.

THỊ TRƯỜNG ASEAN NHIỀU TIỀM NĂNG

Cũng theo ông, nếu thấy thị trường châu Âu hay Mỹ khó qua, các DN Việt có thể cân nhắc việc quay về đánh thị trường ASEAN. Thật ra, ASEAN là một thị trường rất giàu tiềm năng mà các DN Việt đã bỏ sót bao năm nay. ASEAN là một trong những vùng có dân số đông nhất thế giới – với những nước có gần trên dưới trăm triệu dân như Việt Nam hoặc Indonesia.

“Về quan điểm tập trung khai thác thị trường ASEAN: phải chăng, các doanh nghiệp nước ngoài đang bán vào Việt Nam những gì chúng ta không có hay doanh nghiệp nội địa không làm được? Thực tế: họ vào bán những hàng gì mình đều có, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN không xuất khẩu những thứ công nghệ cao mà Việt Nam không làm được.

Sở dĩ họ khiến hàng Việt Nam lép vế là bởi họ làm marketing tốt hơn, kiểm soát chất lượng ổn định, giá tốt hơn và quản lý sản xuất tốt hơn. Chúng ta muốn ‘đánh’ thị trường ASEAN thì phải làm tốt như họ. Theo đó, DN Việt phải nâng cao năng lực, kỹ năng và chiến lược thu mua nhằm có nguyên liệu giá tốt và ổn định. Theo quan điểm của tôi, DN Việt Nam hoàn toàn làm được nếu đủ quyết tâm, từng bước. Người Thái hay Indonesia không quá giỏi hơn chúng ta. Mì gói Việt Nam ngon mà tôi chưa thấy đưa vào quầy kệ ở các cửa hàng và siêu thị tại các nước chung quanh”, CEO Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị khẳng định.

Bên cạnh đó, thay vì ngồi đó chờ hiệp định, thị trường dễ… các CEO cần ngồi lại để tối ưu hoá những việc mà doanh nghiệp mình đang làm, mở tư duy, nâng cấp công nghệ và năng động áp dụng cái mới. Mục tiêu sẽ là hôm nay chúng ta có thể làm tốt hơn ngày hôm qua, làm tốt giống ASEAN.

Chỉ cần đọc sách và xem intenet, chúng ta cũng có thể biết, Nhật Bản hay Hàn Quốc trước khi phát triển rực rỡ như hiện này đều đã có một giai đoạn ‘cày’ khủng khiếp. Đài Loan cũng vậy, họ có nỗ lực bứt tốc, nâng cấp bản thân để có thể làm được những gì đồng nghiệp trong khu vực đang làm. Các doanh nghiệp Việt phải tự tăng tốc, tự cứu mình! Doanh nghiệp Việt không nên an phận với những gì mình có, hoặc cố ngồi ‘cắt dán’ hay ngồi chờ giải cứu vì ‘tôi đã được giáo dục thế này thế kia!’.

Ví dụ, lãnh đạo DN có thể ngồi lại xem mình đã làm tốt hay chưa, 3 tháng ngồi đánh giá lại tất cả một lần. 5 năm trước, vì thị trường quá ổn định, 1 năm chúng ta mới cần đánh giá. Nhưng bây giờ, nếu chúng ta cứ làm như cách cũ thì sẽ bị lạc hậu. CEO nếu không hò hét thì nhân viên sẽ không tự động yêu cầu nhà cung cấp giảm giá, sẽ lại kiểu ‘cuối tháng nhận quà là được!’.

Chỉ cần ở khâu đầu vào ta tiết kiệm được vài phần trăm, rồi quy trình sản xuất được tối ưu, công nghệ thay đổi, rút ngắn quy trình giảm chi phí nhân công và điện đài. Doanh nghiệp nên tính toán đến việc mua máy mới thì sẽ tốt và xấu như thế nào. Trong các công ty Việt Nam thường thiếu vai trò Giám đốc tài chính - kế toán quản trị, vậy nên đã không thể tính toán là cái máy này đã không còn hiệu quả.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải làm từng bước: sau khi chuẩn hoá công ty và đánh giá thử nghiệm một thời gian rồi mới số hoá, thì lúc đó số hoá mới không là gánh nặng. Ứng dụng công nghệ thông tin để làm kế toán quản trị nhân sự, làm thủ công tuyển người làm khó và dùng công nghệ để đánh giá nhân sự cũng công bằng hơn. Người ta thường hay bảo, cái gì không đong đo đếm được thì không quản lý được.

“Tôi nói với tư cách là người phụ trách thị trường ASEAN cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong 10 năm; nếu doanh nghiệp Việt làm được thương hiệu đặc thù Việt Nam thì bán giá nào cũng được. Ví dụ: mì Hàn Quốc bán ở Việt Nam rất đắt nhưng ai cũng chấp nhận. Sản phẩm tốt nhất Việt Nam vẫn sẽ được quan tâm ở thị trường nước ngoài, Kềm Nghĩa bán rất chạy ở Trung Quốc.

Ngoài ra, tôi không tin là hàng Trung Quốc đang khuynh đảo ở khu vực Đông Nam Á. Hàng Trung Quốc chỉ đánh vào phân khúc giá rẻ, còn phân khúc trung và cao cấp vẫn là cuộc chơi của nhiều loại hàng hóa đến từ Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết đầu tư vào R&D và làm marketing tốt, thì vẫn có thể chiếm được miếng bánh hời ở thị trường ASEAN”, ông Đỗ Hòa kết luận.

Quỳnh Như
Nhịp Sống Thị Trường/Cafef.

Pin It

Đăng Nhập