fbpx
lãnh đạo là tấm gương

Văn hóa là tập hợp của hệ giá trị, đức tin, quá trình học hỏi, môi trường sống... nó tác động và hình thành nhận thức, quan điểm của một người. Một điều hay sự việc có thể đúng với người này nhưng sai với người kia, là nên và không nên, là bình thường hay không bình thường... tất cả tùy thuộc vào văn hóa của từng người, từng cộng đồng.

Văn hóa tổ chức có thể được thể hiện qua sự việc như khi một người gặp khó khăn trong công việc, những người khác chẳng ai bảo ai, tự xúm vào giúp tìm cách tháo gỡ. Họ xem đó là điều bình thường, là việc đương nhiên cần làm, vì cuối cùng nó cũng sẽ ảnh hưởng đến của mình, và "ở đây ai cũng làm vậy".

Hoặc cũng có thể được thể hiện qua sự việc một người sử dụng tài sản công ty vào việc riêng. Và những người khác nhìn thấy sự việc, nhưng không nhắc nhở, không phản đối, cũng không báo cáo với cấp trên. Vì trong nhận thức của họ: "ở đây ai cũng làm vậy".

Văn hóa tổ chức là cách mà những người trong tổ chức ấy mặc nhiên nhận thức (đúng sai, nên hay không nên) và ứng xử theo đó trước những sự việc xảy ra hàng ngày trong tổ chức ấy.

Đối với tổ chức doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp nếu được chủ động định hướng để hình thành một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, tích cực. Thì việc quản lý doanh nghiệp đạt mục tiêu đề ra sẽ trở nên thuận lợi hơn, nhờ sự hỗ trợ của một văn hóa doanh nghiệp tích cực và phù hợp.

Ngược lại, nếu được hình thành một cách tự nhiên, thì thường mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi quá trình hình thành, văn hóa ấy chịu sự dẫn dắt bởi bản năng tự nhiên của con người (tham lam, ích kỷ, làm ít nhưng muốn hưởng thụ cao, nói nhiều nhưng làm ít, ngại va chạm, tránh né việc khó, thích ở trong vòng thuận tiện của mình...). Dẫn đến doanh nghiệp ấy sẽ chật vật, khó mà phát triển được, bất chấp được đầu tư mạnh về vốn và các nguồn lực khác.

Văn hóa doanh nghiệp được hình thành theo kiểu tự phát. Thì ngoài sự dẫn dắt của bản năng con người, nó thường phản ánh cách mà những người trong tổ chức ấy thích nghi, đối phó với cấp trên của mình (tính cách cá nhân, phong cách lãnh đạo). Theo thời gian, nó hình thành một văn hóa tổ chức, nó tác động sâu vào quá trình học hỏi và phát triển của tổ chức ấy. Dẫn đến một khi đã gắn vào rồi, thì rất khó gỡ ra. Muốn gỡ ra nhanh thì chỉ có cách thay máu toàn bộ.

Nhìn ở góc độ này, văn hóa của một tổ chức chính là tấm gương phản chiếu người lãnh đạo tổ chức ấy, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Nếu một ngày nào đó, nếu người lãnh đạo không hài lòng với thành tích của tổ chức. Và nhận ra rằng mình muốn một văn hóa tổ chức tích cực hơn. Thì ngoài việc chủ động xây dựng định hướng về một nhận thức mới, một cách ứng xử mới dựa trên một hệ giá trị mới. Rồi dựa theo đó mà sàn lọc con người phù hợp, kết hợp với uốn nắn, chấn chỉnh... Thì cũng cần phải nhận thức rằng, để thay đổi được văn hóa tổ chức ấy, cái cần thay chính là "hình ảnh trước tấm gương".

"Hình ảnh trước gương" phải là mẫu mực về những gì mà công ty mong muốn tạo ra như là văn hóa chuẩn của doanh nghiệp, tổ chức mình. Chứ không nên là điều ngược lại, là một sự mâu thuẫn, như đã xảy ra ở một số nơi. Bởi nếu thế thì những nỗ lực xây dựng văn hóa kia, coi như đổ sông đổ biển.

Nếu không thì sẽ chẳng thay đổi được gì nhiều, ngoài một số áp phích mới, khẩu hiệu mới, đồng phục mới, ca khúc mới...

Bao nhiêu anh chị nhận thức được vấn đề này và đã áp dụng trong doanh nghiệp của mình?

Ai đang gặp khó khăn, đang loay hoay vì một số nếp nghĩ, cách ứng xử tiêu cực đã ăn quá sâu vào bộ máy? Nếu quyết tâm thay đổi thì e là sập luôn công ty?

Đỗ Hòa

Đăng Nhập