Ngoại trừ một số lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù, còn thì hầu hết các CEO đều có thể đảm nhận vai trò quản lý điều hành doanh nghiệp đối với các ngành nghề khác nhau. Họ làm được điều đó nếu họ đạt được một đẳng cấp trình độ Năng Lực Quản Lý Tổng Thể (general management) và Năng Lực Lãnh Đạo (leadership skills) phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo chúng tôi, với một doanh nghiệp đã qua giai đoạn khởi nghiệp, nếu không tính về yếu tố kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, mà chỉ xét riêng về mặt Management Skills thì yêu cầu về trình độ năng lực của CEO có thể chia thành 5 cấp độ yêu cầu như sau:
- CEO có Năng lực Vận Hành
- CEO có Năng lực Cải Thiện Hiệu Quả
- CEO có Năng lực Nâng Tầm Doanh Nghiệp
- CEO có Năng lực Quản Lý Hệ Thống
- CEO có Năng lực Giải Cứu
1. CEO có Năng lực Vận hành.
Là các CEO có năng lực tiếp nhận và tiếp tục vận hành, khai thác một doanh nghiệp đã hoạt động ổn định một cách hiệu quả. Năng lực này bao gồm:
- Triển khai thực thi các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh mà công ty đang triển khai các năm qua. Đề ra giải pháp xử lý hiệu quả những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chiến lược và kế hoạch SXKD.
CEO thuộc nhóm này có thể giúp công ty duy trì vị thế, đạt được tăng trưởng cơ học (organic growth).
2. CEO có Năng lực Cải Thiện Hiệu Quả
Là các CEO có Năng lực Vận Hành nhưng ngoài việc duy trì hoạt động bình thường, còn có thể tạo ra giá trị mới thông qua:
- Đề ra các sáng kiến cải tiến, cải tổ, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian.
CEO thuộc nhóm này có thế giúp công ty đạt được sự tăng trưởng hoạch định (planned growth)
3. CEO có Năng lực Nâng Tầm Doanh Nghiệp.
Là các CEO có tầm nhìn xa, có năng lực tạo ra sự đột phá, thông qua những hoạt động mang tính "phá trần năng lực" của doanh nghiệp như: đề ra những sáng kiến chiến lược mang tính đột phá, tổ chức tái cấu trúc, cải tổ sâu rộng, để phá bỏ cách làm cũ, ứng dụng best practice từ nơi khác, đề ra mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo cao...
CEO thuộc nhóm này có thể giúp công ty đạt được sự tăng trưởng đột phá (breakthrough growth)
4. CEO có Năng lực Quản Lý Hệ Thống.
Là các CEO có Năng lực Thiết Kế, Tổ Chức Hệ Thống Quản Lý Vận Hành (thường là các doanh nghiệp lớn, qui mô lớn, hoạt động SXKD đa dạng), giúp đảm bảo các hoạt động SXKD phức tạp vẫn được quản lý và vận hành một cách hiệu quả, có thể chịu đựng được những rung lắc, thách thức đến từ môi trường kinh doanh qua các giai đoạn chu kỳ thị trường khác nhau. Những CEO này có năng lực:
- Dự báo tình hình, diễn biến thị trường một cách khá chính xác. Nhờ đó mà có thể chủ động định vị doanh nghiệp để nắm bắt các cơ hội, điều chỉnh hệ thống cho phù hợp với yêu cầu của chiến lược, chủ động thích nghi và ứng phó với diễn biến của thị trường và những thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Với các doanh nghiệp lớn, ứng phó với tình hình là điều không khả thi, vì đã quá muộn. Các doanh nghiệp lớn thường không dễ nhanh chóng thích nghi với tình hình như các doanh nghiệp nhỏ. Nên CEO các doanh nghiệp lớn phải là người năng lực chủ động kiến tạo tương lai công ty mình (create the future).
5. CEO có Năng Lực Giải Cứu.
Là các CEO có thể giải cứu (turnaround) các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng bế tắc, kinh doanh trì trệ liên tục nhiều năm, nguồn lực đã cạn kiệt. Họ làm được điều này là nhờ sở hữu năng lực:
- Năng lực về SXKD kết hợp với năng lực tài chính, ở mức độ có thể giải phẫu và chẩn đoán đúng bệnh của doanh nghiệp và đề ra hành động xử lý (thường là tái cấu trúc). Tạm thời giúp doanh nghiệp vượt qua được những hiểm nguy trước mắt. Năng lực này thường phải đi kèm với tính cách cá nhân sâu sắc, quyết đoán, lạnh lùng.
CEO thuộc nhóm này là các "chuyên gia giải cứu", họ có thể không có năng lực Nâng Tầm Doanh Nghiệp, nhưng tạm thời có thể cứu doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản, sập tiệm.
Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị