fbpx

Người giữ vị trí lãnh đạo thường có phong cách lãnh đạo riêng, ít có ai giống ai. Cho dù là có học cùng khóa, cùng thầy dạy về lãnh đạo, thì họ cũng chỉ có thể giống nhau về mặt nhận thức, phương pháp, qui trình. Còn ứng xử và đưa ra quyết định trước các tình huống lãnh đạo ra sao, thì cái này tùy thuộc vào cái style riêng của từng người.

Nói về cái "style", hay phong cách lãnh đạo, thì phong cách của một người được hình thành bởi nhiều sự tác động, và quá trình này kéo dài qua nhiều năm (gia đình xuất thân, hoàn cảnh và giai cấp xã hội, văn hóa, môi trường sống, giáo dục). Nên đã gọi là style thì rất ít khi thay đổi. Hành xử của một người thường là rất nhất quán với cái style của mình.

Chẳng hạn, một người trưởng thành từ môi trường chiến trường, nơi giữa cái sống và chết chỉ cách nhau trong gan tấc, nơi mà ai ra tay trước thì hy vọng được sống cao hơn, thì chắc chắn sẽ có phong cách rất nhanh nhẹn, mạnh mẻ, chủ động và quyết đoán. Đây sẽ là phong cách mà sẽ theo ông ấy suốt đời cho dù đã giải ngũ nhiều năm.

Còn với một người trưởng thành từ công tác cộng đồng, công tác xã hội, nơi ông ta cũng va chạm và tiếp xúc với nhiều người, nhưng không phải trong tình huống một mất một còn, mà là tình huống cần sự cộng tác, hợp lực, thì cái style đặc trưng của những người này thường sẽ rất kiên nhẫn, ăn nói khéo léo, thuyết phục trước hành động sau.

Hai loại tính cách này mà ngồi lại với nhau thì thường dễ nảy sinh xung đột, cải vả. Vì người này thì không đủ kiên nhẫn với cách tiếp cận vấn đề mềm mỏng của người kia. Trong khi người kia thì cũng không hài lòng với cách xử lý nóng vội, cách ăn nói đôi khi thô lỗ của người này.

Tuy nhiên, cái khó là một người với phong cách riêng đặc trưng riêng như thế, thường khó mà có thể phù hợp với tất cả mọi tình huống trong quản lý kinh doanh. Bởi có khi cần chớp thời cơ nhanh, phải hành động tức thời. Nhưng lại có khi cần phải cân nhắc thật kỹ, quyết định đưa ra phải thật thấu tình đạt lý.
Vậy nên cần phải có sự trao đổi mổ xẻ giữa những người có hai phong cách khác nhau để bổ khuyết cho nhau, hòng để một quyết định hệ trọng được đưa ra, là quyết định tốt nhất có thể được, sau khi đã được mổ xẻ, tranh luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Và để có được một môi trường mà những người có phong cách, quan điểm khác nhau có thể cùng tồn tại, cùng ngồi lại để cùng bàn chung một vấn đề, mà không xảy ra tình trạng những người có quan điểm này tìm cách loại bỏ những người có quan điểm kia, thì đó chỉ có thể là một môi trường, chấp nhận sự đa dạng, minh bạch và dân chủ.

Chính vì những lý do trên mà hiện nay, hầu hết các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn lớn, tổ chức lớn ... để có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình, họ đều đi theo hướng tổ chức minh bạch, đa dạng hóa và dân chủ.

Ở VN, tôi cũng đã nhiều lần cố tác động, thuyết phục để doanh nghiệp khách hàng (khối tư nhân) chịu tổ chức theo kiểu này, nhưng phải nói thật là rất khó.

Đỗ Hòa - on Business Management

Pin It

Đăng Nhập