Cải tổ đổi mới một cách liên tục là cần thiết để một doanh nghiệp không ngừng tiến bộ, hoạt động hiệu quả hơn và để có thể phát triển bền vững.
Cải tổ đổi mới là "câu thần chú linh thiên" của nhiều công ty, tập đoàn thành công trên thế giới. Nhờ cải tổ đổi mới mà họ luôn có những phương thức quản lý ngày càng khoa học hơn, có phương thức sản xuất ngày càng kinh tế hơn, có phương thức marketing sáng tạo hơn.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn cải tổ đổi mới nhưng mặc cho nhiều khóa học, nhiều cuộc họp chuyên đề, việc cải tổ đối mới chỉ lóe lên như đóm lữa rồi vụt tắt đi, chứ không thể duy trì được lâu.
Bài viết này, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, tôi phân tích một số nguyên nhân khiến cho việc đổi mới sáng tạo trở thành việc khó trong một số doanh nghiệp được quản lý theo kiểu gia đình.
Thách thức.
Trừ khi được chính người chủ doanh nghiệp đề xuất, việc cải tổ đổi mới trong doanh nghiệp được quản lý kiểu gia đình là cực kỳ khó khăn so với các công ty đại chúng.
Lãnh đạo trong công ty đại chúng là người làm thuê theo nhiệm kỳ, nên nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì người lãnh đạo ấy sẽ không được tiếp tục tín nhiệm và phải ra đi.
Sự ra đi của người lãnh đạo tiền nhiệm, sẽ tạo điều kiện cho người lãnh đạo mới dễ dàng trong việc thực hiện cải tổ đổi mới.
Ông ta sẽ hầu như không vấp phải trở lực đáng kể nào khi bác bỏ, chỉnh sửa những định hướng, chiến lược kinh doanh, sa thải những nhân sự mà người lãnh đạo cũ đã sử dụng, cũng như là triển khai áp dụng những sáng kiến mới của mình.
Còn với doanh nghiệp quản lý kiểu gia đình, ngay cả sau khi đã chuyển giao vị trí lãnh đạo, việc người con bác bỏ những định hướng, chiến lược mà người cha đã theo đuổi, cũng như là sa thải những người đã được người cha tin dùng, là điều gần như không khả thi. Trừ khi doanh nghiệp ấy đang ở trong tình trạng "không thay đổi thì cũng chết".
"Vuốt mặt thì phải nể mũi" chính là cái vướng trong doanh nghiệp quản lý kiểu gia đình khi nói đến cải tổ, đổi mới. Bác bỏ cái cũ, thay bằng cái mới được nhiều người xem như là một sự phủ nhận mang tính chất xúc phạm danh dự mà những người có quan hệ gần gủi khó mà vượt qua được. Nhiều người thà nhìn doanh nghiệp mình đi xuống chứ không chịu bị để vợ, chồng, con cái làm mình "mất mặt".
Khó khăn không phải là vì chủ của những doanh nghiệp gia đình không muốn doanh nghiệp mình có hiệu quả, không phải họ không muốn doanh nghiệp phát triển, mà vì sự hạn chế về trình độ, nhận thức của họ.
Tình trạng một doanh nghiệp phản ánh trình độ năng lực của người lãnh đạo.
Đối với những doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, thì thường những gì mà anh tin là tốt nhất cho doanh nghiệp, thì thường người lãnh đạo đã thực hiện rồi, đã triển khai vào doanh nghiệp của mình rồi, nên tình trạng doanh nghiệp hiệu quả mức nào, phát triển đến mức nào, thì đó chính là thước đo năng lực của người lãnh đạo.
Chỉ những người lãnh đạo mới mà thật sự quyết tâm, kiên nhẫn, và khéo léo thì mới dẫn dắt được một cách thành công những sự thay đổi trong doanh nghiệp quản lý kiểu gia đình. Còn lại thì phải chấp nhận thay đổi từng bước, hoặc chờ khi có cơ hội chín mùi.
Chính vì yếu tố đặc trưng này mà vận mệnh của một doanh nghiệp gia đình thường gắn chặt với người gầy dựng ra nó. Nếu đó là người giỏi, trình độ cao, thì doanh nghiệp sẽ phát triển lên tầm cao, còn nếu trình độ hạn chế, thì doanh nghiệp chỉ có thể phát triển đến một mức nào đó thì dừng lại, hoặc quay đầu đi xuống dần, tùy vào tình hình cạnh tranh. (liên quan đến đề tài này, tôi đã từng viết một stt về Cái trần kiếng)
Lối thoát.
Những người lãnh đạo doanh nghiệp quản lý kiểu gia đình khôn ngoan và có tầm nhìn, không bao giờ để mình trở thành vật cản cho sự tiến bộ và phát triển của doanh nghiệp mình. Thay vào đó, họ làm tác nhân thúc đẩy những sự thay đổi trong doanh nghiệp mình.
Những ai nhận thức được điều này, họ biết mình phải làm gì, phải thiết kế doanh nghiệp mình ra sao để nó luôn có thể tự đổi mới để phát triển bền vững.
Và họ cũng biết lúc nào thì mình nên bước sang một bên.
Đỗ Hòa
TINH HOA QUẢN TRỊ